Phim xã hội đen đang là 'mốt'

05/05/2016 13:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phim các băng đảng tội phạm thanh toán nhau, các nhân vật trốn tránh khỏi quá khứ đen tối... đang bắt đầu đầy ắp màn ảnh nhỏ, màn ảnh lớn. Xu hướng làm phim về xã hội đen được những người làm nghề khẳng định là có thật.

Trong lần ra mắt bộ phim truyền hình tại Hà Nội, Chi Bảo có than thở với phóng viên Thể thao & Văn hóa: "Vài năm trở lại đây tôi toàn được mời đóng vai xã hội đen, từ giang hồ nước ngoài, giang hồ Việt Nam, giang hồ thành đạt, giang hồ thất bại... Đóng xong một phim, là lại nhà sản xuất khác mời riết, từ truyền hình đến điện ảnh. Không hiểu sao lại nhiều phim xã hội đen như vậy".

Xu hướng khó cưỡng

Cũng không có gì khó hiểu, vì với một nền điện ảnh nhỏ như Việt Nam, việc học hỏi xu hướng điện ảnh thế giới là chuyện bình thường. Từ những năm 2000 khi điện ảnh thương mại phát triển, các nhà sản xuất phần lớn đầu tư vào thể loại phim hài, phim tâm lý xã hội... Vào những năm đó điện ảnh Việt cũng chưa có đủ điều kiện để làm thể loại giật gân, kiểu như Bẫy rồng là của hiếm.


Một cảnh trong phim “Truy sát”

Những vài năm trở lại đây khi công nghệ làm phim phát triển hơn, thể loại phim giật gân có xu hướng gia tăng. Đã bắt đầu xuất hiện phim hành động “nghẹt thở”, phim băng đảng tội phạm “xịn” như Hương Ga, Truy sát, Siêu trộm. Trong đó Siêu trộm là phim về băng đảng tội phạm chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.

Xu hướng này tấn công cả thể loại phim hài. Rất nhiều phim hài như Sơn đẹp trai, Lộc phát; Tía tui là cao thủ; Già gân, Mỹ nhân, Găngxtơ... bây giờ cũng phải có bắn súng, đua xe không khác gì phim Mỹ.

Phim truyền hình cũng không bỏ qua mảng đề tài này. Năm 2015 khán giả được trải nghiệm cuộc sống của các băng đảng qua các bộ phim như: Cảnh sát hình sự: Câu hỏi số 5, Mạch ngầm vùng biên ải, Khi đàn chim trở về...

Theo khảo sát của Thể thao & Văn hóa, xu hướng này không chỉ xuất hiện ở điện ảnh dòng chính, mà còn đang rất thịnh hành ở khu vực “underground” (ngầm), khu vực làm phim độc lập. Anh Hoàng Phương, cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD), trung tâm phim độc lập lớn nhất miền Bắc cho biết: “60-70% học viên mới vào TPD đều muốn thử sức với đề tài phim kinh dị, bạo lực”.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khi làm giám khảo một LHP ngắn quốc tế năm 2015 đã nhận xét: "Quan sát dưới góc độ cá nhân, tôi thấy tỉ lệ phim có chi tiết, tình huống, câu chuyện, nhân vật liên quan đến giết người các cấp độ, tâm thần bệnh hoạn, đa nhân cách dẫn tới hành vi hiếp dâm và ra tay tàn độc, lựa chọn tra tấn người để có khoái cảm phải chiếm đến trên 70%. Và điều đáng nói, 30% còn lại khó gọi là phim, với riêng quan điểm cá nhân của tôi. Cái nhìn này không còn nằm trong phạm vi Việt Nam nữa, mà là xu hướng của khu vực”.

Vì sao phim bạo lực được ưa chuộng?

Lý giải nguyên nhân đề tài bạo lực, xã hội đen tăng nhanh, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, thành viên Hội đồng Thẩm định phim Trung ương cho biết: “Xu hướng này phần nào cho thấy hiện thực xã hội đang tác động đến phim ảnh. Nhưng mặt khác không thể phủ nhận phim hành động, bạo lực gây “ép phê” mạnh, rất hấp dẫn khán giả, nên nhà sản xuất sẽ không bỏ qua. Hiện nay tỉ lệ phim gay cấn đang chiếm gần 50% phim sản xuất trong một năm. Những phim Việt khi duyệt bị yêu cầu cắt sửa phần lớn rơi vào đề tài bạo lực. Còn phim nhập khẩu có yếu tố hành động, bạo lực thì nhiều lắm. Có ngày chúng tôi cấm 2 phim ra rạp vì quá man rợ, bạo lực”.

Điện ảnh Việt: Miệt mài tìm công thức 'câu' khán giả

Điện ảnh Việt: Miệt mài tìm công thức 'câu' khán giả

Với gần 40 phim được sản xuất, năm 2015 điện ảnh Việt Nam đã xác lập kỉ lục mới sản xuất nhiều phim nhất từ trước đến nay. Nhưng chất lượng thì vẫn trong giai đoạn “tập làm phim” và dò dẫm tìm công thức “câu” khán giả.


Anh Hoàng Phương lý giải nguyên do các bạn trẻ thích thử sức với đề tài bạo lực: “Những người mới làm phim thường có xu hướng tìm những đề tài khác biệt để khẳng định bản thân. Ngoài ra phim kinh dị, bạo lực có nhiều “đất” để người làm thử nghiệm kỹ xảo, kỹ thuật điện ảnh...”.

Hiện nay, các nhà quản lý điện ảnh Việt Nam không khuyến khích các bộ phim đề tài bạo lực. Thực tế là phim giật gân ở Việt Nam không thể làm “đã mắt, sướng tai” như phim nước ngoài. Sau khi Bụi đời chợ lớn bị cấm chiếu, Đường đua bị cắt sửa năm 2013, những tưởng các nhà sản xuất sẽ “chùn tay”, nhưng họ đã trở lại đầy thận trọng và khôn ngoan vì họ ngửi thấy “mùi” lợi nhuận từ thể loại phim này.

Những nhà sản xuất mới như Trương Ngọc Ánh sau thắng lợi với Hương Ga đã tiến lên làm phim Truy sát và xác định sẽ theo đuổi dòng phim giật gân, vì dẫu khó nhưng nó là mảnh đất màu mỡ vẫn còn ít người khai thác tại Việt Nam.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm