Phim "Thiên mệnh anh hùng": Công đức và thách thức!

16/01/2012 10:37 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Bộ phim hành động võ hiệp Thiên mệnh anh hùng (TMAH) sẽ có suất chiếu ra mắt vào lúc 15h ngày 16/1/2012 tại MegaStar Creascent Mall (Q.7, TP.HCM) - xem như cuộc “bạch hóa” sự chờ đợi của nhiều người về một phim “bom tấn” Việt Nam. Không thể phủ nhận những mạnh dạn trong việc đầu tư kinh phí, cũng như những “cột mốc” nghề nghiệp mà ê-kíp đã đạt được và vượt qua. Nhưng cũng cũng còn nhiều băn khoăn, khi ý đồ đặt ra đã không đạt được, trong đó có sự thất bại về thể loại kiếm hiệp.

Dựa vào vụ án tru di lớn nhất lịch sử Việt Nam (Lệ Chi Viên) và lấy cảm hứng từ tiểu thuyết khá thành công của Bùi Anh Tấn (Bức huyết thư), nhưng TMAH chỉ “chiết ra” một câu chuyện khá tuyến tính và dễ hiểu, kể về việc chọn cách trả thù của Nguyên Vũ - hậu duệ duy nhất của Nguyễn Trãi. Bộ phim là cuộc đối đầu thế lực giữa Nguyên Vũ (Huỳnh Đông thủ vai), Hoa Xuân (Midu), Họa Hạ (Kim Hiền) với Tuyên Từ Thái Hậu (Vân Trang) và Trần Tổng Quản (Khương Ngọc).

Phim “anh hùng” phải anh hùng

Johnny Trí Nguyễn (đạo diễn võ thuật phim này) từng nói một câu khá hay: “Phim nào có cái tên “anh hùng” thì nhà sản xuất cũng phải rất anh hùng”. Quả thật như vậy, khi Dòng máu anh hùng (năm 2007) đầu tư hơn 1,5 triệu USD mà doanh thu phòng vé chỉ khoảng 8-10 tỷ đồng; mãi gần đây, nhờ phát hành quốc tế và bán DVD tiếng Anh thì họ mới có khả năng lấy lại vốn. Cho nên, khi nghe TMAH có mức đầu tư vào dạng khủng (khoảng 1,4 triệu USD) thì nhiều người rất mừng và rất lo. Mừng vì sẽ có phim bài bản để xem, lo vì sợ họ thất bại doanh thu, con đường phim ảnh của hai tân binh (Phương Nam Phim và Thanh Niên Film) sẽ bị lung lay ý chí.

Theo Box Office Mojo (nhà tổng hợp doanh thu phim) thì Kung Fu Panda 2 giữ quán quân về các phim bán vé tại Việt Nam, khi nó thu về hơn 2,68 triệu USD (khoảng 56 tỷ đồng); nên nhớ phim này có mức đầu tư 150 triệu USD, do kinh đô Hollywood sản xuất. Vì thế, với mức đầu tư 30 tỷ đồng, theo lý thuyết nhân đôi với nhà phát hành, muốn huề vốn thì TMAH  phải qua mặt được Kung Fu Panda 2 để thu về 60 tỷ đồng, một vũ môn quá cao. 

Hơn nữa, qua các nhà phát hành nội địa như MegaStar, Galaxy, BHD… khán giả Việt Nam rất dễ bị “ảo giác phim hay” giết chết thực tế điện ảnh. Bởi theo nhiều nghiên cứu cho thấy, tại Mỹ và nhiều nước khác, số phim dở của họ thường chiếm đa phần, nên khán giả nội địa của họ cũng phải gạn đục khơi trong. Trong khi các nền điện ảnh còn nhiều lệ thuộc bên ngoài (mà cụ thể là Hollywood) như Việt Nam thì tâm thế của khán giả rất khác, khi mà các nhà phát hành chỉ chọn phim hay để chiếu; đem phim nội đọ với phim giải trí bom tấn quốc tế, không chết thì cũng trọng thương.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà sản xuất nội địa còn dám làm phim đã là dũng cảm, chứ chưa nói dám đầu tư vượt mức trần về giới doanh thu, chỉ có thể nói là anh hùng. Đành rằng TMAH phóng lao thì phải theo lao, nhưng việc họ thành công hay thất bại, đều là bài học đáng quý cho các nhà sản xuất khác. Nhìn từ góc độ này, đó là công đức của những phim như TMAH.

Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng. Ảnh: TL

Ngắn… khó nên chuyện!

Tham vọng của phim này là có được chất trinh thám (truy tìm bức huyết thư và ai đứng sau vụ án Lệ Chi Viên); chất hành động (tiết tấu và nhịp phim nhanh); chất võ hiệp (vẻ đẹp võ thuật Việt); chất kỳ ảo (nguyên do bí ẩn của vụ án)… Thế nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao cùng lúc diễn tả được điều này, nếu chỉnh thể bộ phim chưa đồng bộ.

Một bộ phim được xem là đồng bộ khi nó đi suôn sẻ và hợp lý từ ý tưởng, kịch bản, sản xuất, dựng phim, hậu kỳ… cho tới thời lượng. Những phim có tham vọng sử thi kì tình như TMAH thường có thời lượng từ 120 phút trở lên thì câu chuyện mới đầy đặn về nhiều mặt, nhất là thân phận nhân vật, các đại cảnh hay các trường đoạn công phu. Muốn thể loại này ngắn hơn 100 phút thì ngay từ đầu, các bộ phận phải được chuẩn bị tâm lý để dựng nên câu chuyện súc tích, lấy các pha hành động, kiếm hiệp… làm trung tâm. Xem xong TMAH, có cảm giác ngay từ đầu phía sản xuất không chuẩn bị cho điều này, nên khi quyết định cắt ngắn để phù hợp thời lượng các suất chiếu (lý tưởng là 88 phút, tương đương giờ nghỉ trưa = Lunchtime Movie, đa số dân văn phòng thích phim truyền hình cáp sẽ chọn giờ này), họ buộc phải giữ câu chuyện và bỏ các pha hành động, võ hiệp. Bởi nếu làm ngược lại, phim sẽ vô duyên hoặc non tay về câu chuyện, bởi kịch bản được viết cho bộ phim dài hơn 120 phút, lý tưởng vào khoảng 150 phút.

Khảo sát lại doanh thu phòng vé tại Việt Nam qua các suất trong ngày, thì thông thường chỉ có 3-4 suất là đông khách, những suất còn lại khá vắng. Cho nên, vì tham vọng chiếu 6-7 suất mỗi ngày mà cắt ngắn phim thì có khi rơi vào ảo vọng, bởi chất liệu phim và ý đồ nghệ thuật không còn được bảo đảm. Tại nền điện ảnh của phim 90 phút như Mỹ, với số rạp chiếu khổng lồ, một cao thủ như James Cameron vẫn chào thua khi quyết định dựng Avatar dài hơn 160 phút, dù vị này dư sức biết ngắn thì dễ ra rạp và dễ bán vé hơn.

Khi xem lại TMAH, có lẽ người đau khổ nhất sẽ là Victor Vũ, còn người luyến tiếc nhất sẽ là Johnny Trí Nguyễn, bởi có rất nhiều cảnh và phân đoạn ngoài phim trường đã mất cơ hội thành hình trên màn ảnh. Sự hoành tráng, mãn nhãn… sẽ giảm sút rất nhiều, nhất là trong các pha võ thuật, chưa kịp “đã mắt” thì đã chuyển cảnh. Trong trường hợp này, ngắn khó làm nên chuyện hơn dài, nên quyết định cắt ngắn (gần 100 phút) vừa là thách thức, vừa là “tội đồ” của phim này với khán giả thích cổ trang, kiếm hiệp.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm