Phan Hoàng - Cuộc chiến khắc khoải mười năm vật vã cơn bão chữ

28/01/2015 14:45 GMT+7 | Đọc - Xem

Chặng đường thơ 10 năm cột dấu bừng phát và thức ngộ hiện hữu một Phan Hoàng trẻ trung và tươi mới.

Từ Hộp đen báo bão (2002) đến Chất vấn thói quen (2012) chặng đường thơ 10 năm cột dấu bừng phát và thức ngộ hiện hữu một Phan Hoàng trẻ trung và tươi mới.

Thơ là một loại hình nghệ thuật đặc thù, đặc biệt đòi hỏi sự khác biệt, không chấp nhận sự lặp lại, cũ kỹ sáo mòn như không bao giờ “hai lần tắm trên một dòng sông”, trong đó phải kể đến hai nguy cơ đang tồn tại trong thơ ta hiện nay là “véo von và sa lông hoá” như nhà thơ Hữu Thỉnh đã cảnh báo.

Nó phải được chứa đựng nhiều tâm hồn nhất và lung linh trong hồi quang của sự gắn kết, hoà quyện giữa nhịp thở dân tộc và tinh thần thời đại.

Nếu không sự cáo chung của một đời thơ, thậm chí một nền thơ là đương nhiên. Đó cũng chính là sự vi diệu của thơ. Hành trình sáng tạo ấy đòi hỏi phải có những trận chiến và cuộc chiến những con chữ như bất kỳ lúc nào cũng mới chỉ là bắt đầu không có hồi kết.

Chính vì vậy, Phan Hoàng đã khắc khoải suốt mười năm trời, vật vã với những con chữ trong niềm khoái cảm mê đắm thi ca như một người “mê leo núi có thể không bao giờ đến được cái đích mình mơ ước” nhưng “vẫn phải leo” và “không thể không leo” như anh đã bộc bạch, để có được một Chất vấn thói quen như một tuyên ngôn nghệ thuật thơ ca của mình. Đó là một tâm hồn thơ, một nhân cách thơ đáng quý và đáng trân trọng.

Nhà thơ Phan Hoàng trong ngày nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Văn phòng miền Nam báo Văn Nghệ 1/1/2015

Thơ là trái tim cuộc sống, là nhịp đập cuộc sống. Cho nên nó phải phản ánh chân thực chân dung tâm hồn, chân dung tinh thần của cuộc sống.

Đời sống hiện thực phải được ùa tràn vào thơ bằng những cảm nhận, cảm xúc và cả linh cảm. Chính vì vậy mà Phan Hoàng luôn luôn cho rằng thơ trước hết phải thể hiện chân thực và sâu sắc hơi thở nhịp sống hiện thực và những vấn đề cuộc sống đặt ra.

Bởi vậy, anh “luôn sống trong hơi thở nhịp sống thơ ca, mày mò học hỏi và khám phá, làm thơ rất nhiều và cũng tự xoá bỏ rất nhiều”, hết sức cẩn trọng và có trách nhiệm với thi ca.

Với Phan Hoàng, “Khi bạn bỏ ruộng mong gặp thần đồng” hiển nhiên là một viển vông.

Bởi “Dù họ là ai và từ đâu đến/ dù họ là thần đồng hay ngôi sao/ thì họ cũng như bạn và tôi/ kết tinh từ khoái lạc tình yêu cùng nỗi đau sinh nở”.

Cho nên, “như bạn và tôi” ai cũng có những “đỉnh mây thăng hoa”, “vực sâu bão tố”, “hào quang đám đông” và “cô đơn lẻ bóng”. Và do đó, kết cục tất yếu sẽ phải là “không ai mãi mãi là số một trên thế gian này”.

Đó là điều tưởng giản đơn mà hoàn toàn không giản đơn, không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Hư vô và hư không là tất yếu, nhưng không phải với lúc nào và cái gì cũng như thế. Bởi vì, mặc dù đều là ngôi sao, nhưng sứ mệnh của những gié lúa vàng và sứ mệnh của những con chữ lại hoàn toàn khác nhau.

Ở đây, tôi nhận ra sứ mệnh của thi ca, sứ mệnh của thi nhân qua thức nhận sâu lắng của Phan Hoàng: “Bạn là ngôi sao của những gié lúa vàng mùa thu hoạch/ tôi là ngôi sao của những con chữ định mệnh sẻ chia”.

Bởi chưng “Nước mắt bao giờ cũng độc hành lặng lẽ/ hào quang đâu ngăn nổi con mọt hư danh gặm nhấm tâm hồn”. Sự sáng tạo của một lĩnh vực nghệ thuật đặc thù không chấp nhận những “con mọt hư danh”, và không bao giờ đồng loã với những ai tưởng mình “mãi mãi là số một”.

Thưa nhà thơ Phan Hoàng, tôi đã đọc ngẫu nhiên bài thơ của anh trong tập Chất vấn thói quen - bài “Khi bạn bỏ ruộng mong gặp thần đồng” và đã có những cảm nhận như vậy. Đấy là cảm nhận về sứ mệnh của thơ ca và trách nhiệm của thi nhân.

Lần giở những bài sau đó, càng đọc tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn. Ở Cần Giờ bất lực, thực tiễn cuộc sống ngồn ngộn đang diễn ra “lãnh hải ập trận cuồng phong/ ngư dân tay không chống chọi từng cơn áp thấp” thì “Nâng ly rượu trắng canh khuya/ nhà thơ quèn trong tôi/ bất lực tiếng gà xóm chài báo thức”.

Cần Giờ ngơ ngác, thực tế sinh động “những con khỉ nhảy nhót bên nhau”, “những con sấu quấn lấy nhau” và “những con muỗi vo ve lấy nhau” đều “không cần giờ”, trong khi chúng ta có khác gì những con khỉ, con sấu, con muỗi cũng “nhảy nhót bên nhau”, cũng “quấn lấy nhau” và “vo ve lấy nhau” “không cần giờ” thì “Một bạn thơ trẻ ngơ ngác/ dọc ngang rừng ngập mặn/ trong mỗi mắt lá tràm/ trong rễ bần rễ đước/ đâu đâu cũng ngây ngây mùi máu lẫn mùi bùn”.

Còn ở Cần Giờ lặng im thì “bao trang đời vô danh khép lại” mới có “một trang viết lừng danh mở ra”, cho nên “trang đời vô danh của ta (ở đây là ta - thi nhân) cũng dần khép lại”, bởi sau trang ấy “còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được/ dưới tầng sâu cánh rừng thiêng ngập mặn/ có bữa ăn cầm hơi chiến thuyền mang thơ mở cõi/ có chỗ nằm nửa nước nửa đất ngư dân hò bả trạo khẩn hoang/ có bình gốm nuôi đứa trẻ mãi mãi không chào đời/ và những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được/ nỗi đau đau đến lặng im”.

Đó là nỗi đau của sự trớ trêu “Lịch sử tầng tầng mỏ quặng số phận”, còn văn học thì “lọc cọc đóng nọc thủ công”.

Chỉ riêng ba bài về Cần Giờ nói trên đã đủ thấy cuộc sống đòi hỏi thi ca phải thế nào, phải đổi mới và cách tân ra sao để có thể chạm tới đáy sâu thiêng liêng và vi diệu của nó, như sứ mệnh vốn có của nó - sứ mệnh bất tử hoá những gì đã đi qua, đã trôi chảy theo dòng sông năm tháng, cả những cái hiện tồn và cái đã chết.

Đấy là tôi chưa nói đến những ý tứ thầm kín của Phan Hoàng trong các bài Tiếng cười trên sông Sài Gòn, Mắt trâu, Cái chết đen và vũ khúc trắng, Bóng tối đang nuốt chúng ta, Khi người nông dân rời khỏi cánh đồng, Tôi đang ở đâu?Thèm làm ngọn gió tự do, v.v… Tất cả…, tất cả như vang lên trong tôi những đòi hỏi của thơ ca và trách nhiệm của nhà thơ, nhất là vào cái thời điểm thơ ca ta đang có sự lầm ngộ và rẻ rúng như hiện nay.

Chính vì vậy, tôi hoàn toàn đồng cảm với Phan Hoàng, muốn chối bỏ “chữ nghĩa thị trường: hót - bạc - nhạt” mà nhiều đêm anh phải “gối đầu lên hàng đống sách/ nghe lòng trống/ rỗng/ hoang mang”, để nghe cho được “tiếng thì thầm”: “tiếng giữa hoan lạc và thụ tinh”, “tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở”, “tiếng giữa hấp hối và cái chết”, thì nhất thiết ngày ngày phải Chất vấn thói quen, “bỏ đi bỏ đi bỏ đi” những thói quen lặp đi lặp lại, không ước mơ, không cảm hứng, mòn cũ, trơ lỳ, không tươi mới, bằng nổi lên những Cơn bão ký tự mới:

“Cơn bão nổi mạnh dần lên
thế giới ký tự mới mở ra
mỗi hơi thở nồng nàn bạt ngàn tín hiệu”.


Tôi coi đây là thông điệp thi ca của một nhà thơ dấn thân. Sau mười năm Hộp đen báo bão, Chất vấn thói quen ra đời quả là không muộn!

Hà Nội, 3/12/2014

Q.H
Báo Đất Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm