NSƯT Chí Trung: Dựng lại "Lời thề thứ 9" vì sợ sự vô cảm

03/11/2012 14:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Hơn 20 năm, câu chuyện của Lưu Quang Vũ vẫn đậm nguyên tính thời sự. Thậm chí, so với lần ra mắt đầu tiên, tôi tin Lời thề thứ 9 còn “nói hộ” người xem một cách khẩn thiết và trọn vẹn hơn” – NSƯT Chí Trung giải thích về vở diễn mà anh và Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ đang phục dựng.

Từ kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ, cơn sốt Lời thề thứ 9 từng lan khắp cả nước vào cuối thập niên 1980. Trong số hàng loạt bản dựng khác nhau, vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ năm 1988 gần như được giới chuyên môn đánh giá cao nhất.

Dự kiến ra mắt vào giữa tháng 11 tới, Lời thề thứ 9 của năm 2012 gần như sử dụng lại bản diễn trước đó 24 năm của NSND Xuân Huyền. Riêng với Chí Trung, thay vì vai Đôn “sứt” khi xưa, anh xuất hiện với cương vị mới: trợ lý đạo diễn.

“Cơn sốt” Lời thề thứ 9

Chí Trung nhớ lại:

“Thật ra, anh Lưu Quang Vũ được quân đội “đặt hàng” để viết Lời thề thứ 9. Khởi điểm, kịch bản được đạo diễn Xuân Huyền dựng cho Đoàn kịch Quân đội. Lãnh đạo của Nhà hát Tuổi trẻ khi đó là Trưởng đoàn Đức Trung và Giám đốc Thùy Chi. Trước khi về nhà hát, họ đều là những người lính, đều sống trong khu văn công Mai Dịch, đều chứng kiến các đồng nghiệp bên đoàn Quân đội háo hức trông chờ ngày Lời thề thứ 9 dựng xong. Năm 1988 ấy, giai đoạn Đổi mới vừa bắt đầu. Trực diện và quyết liệt, sân khấu nóng mỗi ngày theo sự xuất hiện của những vở diễn đầy tính thời sự. Thế nhưng, dường như vẫn chưa vở diễn nào làm người xem thỏa mãn với câu chuyện về mối quan hệ quân – dân, về tâm sự chất chứa của người chiến sĩ trong những năm dài bao cấp.

Có lẽ, cảm quan của người lính khiến anh Đức Trung và cô Thùy Chi tin rằng Lời thề thứ 9 sẽ lấp đầy “khoảng trắng”. Đạo diễn Xuân Huyền được đề nghị dựng thêm một bản diễn thứ 2 cho chúng tôi. Đây là lần đầu tiên, Kịch Tuổi trẻ xóa bỏ tiền lệ cũ khi trực tiếp mời một đạo diễn ngoài nhà hát về dựng vở. Tôi vào vai Đôn “sứt”, một trong những người lính bồng bột bỏ biên giới, xách súng tìm về hỏi tội những kẻ đang cướp đất của người thân đồng đội mình.

NSƯT Chí Trung.

Tháng 7, chúng tôi bắt đầu tập vở. Tháng 8, tai nạn định mệnh đến với vợ chồng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Buổi nói chuyện về Lời thề thứ 9 giữa anh và chúng tôi không bao giờ diễn ra như dự kiến. Những buổi tập sau đó, chốc chốc, nước mắt anh em chúng tôi ứa ra khi đọc những lời thoại mà anh còn lưu lại: Bộ đội của dân, anh bảo bộ đội hỏng, có nghĩa tại dân hỏng. Nhưng dân có hỏng không, bộ đội có hỏng không? Không đâu anh ạ. Tôi e lâu nay anh không chỉ xa người lính, mà còn xa cả dân nữa. Mới hôm qua thôi, họ còn chiến đấu rất anh dũng, và mai đây khi Tổ quốc cần, họ sẽ lại chiến đấu quên mình…

Vở diễn hoàn thành rất nhanh. Chút lo lắng của chúng tôi trong buổi duyệt vở cũng tan đi, khi  những người duyệt chỉ yêu cầu bỏ đi khẩu súng trong tay những người lính ở cảnh tiến vào bao vây Ủy ban xã. Rồi liền đó, hiệu ứng của Lời thề thứ 9 bắt đầu. Công bằng mà nói, các đồng nghiệp bên đoàn Quân đội cũng rất thành công với bản diễn của mình. 2 đoàn kịch đều có những chuyến xuyên Việt ròng rã hơn 300 buổi, mang Lời thề thứ 9 tới mọi vùng đất…

Đoàn kịch Quân đội chủ yếu biểu diễn ở vùng cao phục vụ người lính. Có dịp gặp gỡ, anh em 2 bên hoan hỷ chạm cốc vì một cuộc đua thú vị: một đoàn đi dọc từ Tây Bắc, theo vùng núi kéo dài mãi xuống Tây Nguyên; một đoàn chạy song song qua các vùng duyên hải, từ Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang rồi cứ vậy xuôi xuống tận Rạch Giá…

Chúng tôi đưa Lời thề thứ 9 xuống tận những vùng sát vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Kiên Giang. Ở TP.HCM, chúng tôi diễn liên tục 4 buổi/ngày. Ở Nha Trang, chúng tôi diễn đúng dịp bão. Giữa buổi chiều, có tấm tôn bị cuốn bay, khán giả ngồi im dưới những giọt nước mưa tạt chéo vào. Ở vùng đất nào, chúng tôi cũng gặp những người cựu chiến binh mặc quân phục ngồi kín rạp. Cuối buổi, họ ôm chúng tôi, nước mắt vòng quanh...”.

Và bài học về sự vô cảm cho khán giả hôm nay…

* Lý do để anh quyết định chọn khôi phục vở diễn này?

- Vì tất cả những giá trị mà nó mang lại vẫn còn nguyên trong cuộc sống hôm nay. Thậm chí, tính thời sự của vở diễn có lẽ còn gần chúng ta hơn bao giờ hết. Đọc lại kịch bản, tôi thấy vừa xúc động,vừa buồn. Xúc động vì những gì anh Vũ viết. Buồn vì so với thời chúng tôi dựng Lời thề thứ 9, những người tốt vẫn thường xuyên… ngơ ngác như thế, trong khi kẻ xấu có vẻ lại biết “cập nhật” và mạnh lên rất nhanh!

* Nhưng, anh giữ nguyên bản diễn cũ và không “cập nhật” kia mà?

- Tôi có chút sửa chữa như chỉnh lại vài chi tiết, đẩy nhanh tiết tấu cho hợp với người xem hôm nay. Còn lại, bản diễn của NSND Xuân Huyền đã rất hoàn hảo. Với một câu chuyện còn nguyên vẹn tính thời sự, tại sao chúng ta lại phải làm hỏng sự hoàn hảo ấy bằng cách cố gắng thêm vào chút “phần trăm” đạo diễn của mình?

Tôi không định chứng tỏ mình theo cách ấy. Cách của tôi đây: giúp các diễn viên trẻ trong bản dựng lần này hiểu được tinh thần và góc nhìn của thầy Xuân Huyền trong vở diễn. Nói thì hơi sáo rỗng, nhưng thầy Xuân Huyền khiến chúng tôi tập vở với niềm tin rằng mình đang thực hiện sứ mệnh của nghệ sĩ: chống lại những gì lăng nhục và xúc phạm con người. Bây giờ, tôi cố gắng truyền lại cho các em điều ấy (cười).

Cảnh trong vở Lời thề thứ 9 của Nhà hát Tuổi trẻ năm 1988

* Anh nói với họ những gì?

- Nhiều! Trong đó, tôi có hỏi: Sự vô cảm với mọi thứ diễn ra xung quanh đang len vào cách nghĩ của chúng ta. Vậy, các bạn hãy tự trả lời: đó là bản chất của các bạn, hay vì các bạn đang mất niềm tin?

* Anh có hi vọng vào hiệu ứng của vở diễn không, khi mà khán giả bây giờ có quá nhiều thứ để xem so với 24 năm trước đây?

- Nhiều người nói: khán giả đang quay lưng với sân khấu mà quên rằng sân khấu đôi khi chủ động “quay lưng” với họ trước bằng những vở diễn vô thưởng vô phạt. Trước hết, hãy đưa người xem đến với những thứ mà họ đang quan tâm trong cuộc sống hằng ngày…

* Từng xem Lời thề thứ 9, nhiều khán giả vẫn nhớ tới một Chí Trung trong vai Đôn “sứt”. Còn anh sẽ cảm thấy thế nào khi xem một Đôn “sứt” mới trong bản diễn mới này?

- Nghĩ rằng nếu mình vào diễn lại, khán giả sẽ phải gọi bằng “cụ Đôn” (cười). Có lẽ, những khán giả bạn nói yêu quý tôi vì sự hoài niệm, khi họ nhớ về cảm xúc mà những vở diễn như Lời thề thứ 9 mang lại trong thời Đổi mới. Còn tôi, tôi muốn có những Đôn “sứt” mới, nói câu chuyện hôm nay với khán giả hôm nay.

Chúng tôi đang có kế hoạch mang Lời thề thứ 9 và một số vở kịch khác lưu diễn ở 60 trường đại học tại Hà Nội. Giá vé sẽ rất thấp, khoảng 20.000 đồng/vé. So với mức biểu diễn chung, tất nhiên anh em chúng tôi có chịu chút thiệt thòi. Bù lại, tôi mong các khán giả trẻ hãy bước qua sự vô cảm đang tràn lan trong cuộc sống hằng ngày. Họ cần hiểu bài học về ý thức công dân mà anh Vũ muốn truyền lại trong kịch bản.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Chiêu Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm