Những điều Oscar cần học hỏi từ Lễ trao giải Quả cầu vàng

15/01/2013 11:22 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 70 tại Los Angeles được đánh giá là thành công trên mọi phương diện, nhận được phản ứng tích cực từ khán giả truyền hình lẫn báo giới, thu hút 19,7 triệu người xem, con số cao nhất kể từ năm 2007. 



Hai MC của Lễ trao giải Quả cầu vàng: Tina Fey và Amy Poehler

Lượng khán giả gia tăng đáng kể cùng những đánh giá khách quan cho thấy rằng Giải thưởng của Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood ngày càng biết cách để tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của đông đảo người hâm mộ điện ảnh. Trong khi đó, giải thưởng của Viện Hàn Lâm vốn được coi là chuẩn mực và danh giá nhất thì trong những năm gần đây không còn giữ được sức hút của mình.

Phóng viên của tờ USA Today đã đề cập đến vấn đề này với hai bình luận viên Oscar, blogger từng nhận giải thưởng của Hiệp hội phóng viên Hollywood Scott Feinberg và Tổng biên tập của trang web Fandango.com chuyên về phim Dave Karger và đưa ra câu hỏi: Liệu Oscar có thể học được gì từ Lễ trao giải Quả cầu vàng vừa qua?

Tài năng người cầm trịch

Theo dữ liệu của Nielsen, lễ trao giải Oscar năm ngoái dù thu hút 39.300.000 người xem, tăng gần 2 triệu so với năm 2011, vẫn hơn đứt so với lượng khán giả của Quả cầu vàng. Tuy thế, Quả cầu vàng vẫn biết cách để tạo nét riêng cho mình và tìm cách tận dụng những điểm yếu của Oscar để nâng tầm giải thưởng. Tiên phong cho công cuộc đó là việc lựa chọn người dẫn chương trình tài năng.

Hai MC của Lễ trao giải Quả cầu vàng Tina Fey và Amy Poehler từng hợp tác cùng nhau trong nhiều năm ở chương trình Saturday Night Live và khán giả chính là những người có thể bình phẩm sự phối hợp, tung hứng ăn ý giữa họ trên sân khấu. Cách dẫn chuyện tự nhiên nhưng không kém phần thú vị và hài hước của hai nữ diễn viên hài nổi tiếng rõ ràng hay hơn hẳn so với màn giới thiệu và trao giải nhàm chán mà James Franco và Anne Hathaway thể hiện ở Oscar năm ngoái.

“Sự hài hước của họ đã ghi điểm. Nếu có thể, tôi muốn có thêm nhiều người như họ nữa trên sân khấu”,  Karger nhận xét về sự phối hợp giữa Fey và Amy Poehler.

Năm nay, Oscar đã lựa chọn cây hài kiêm nhà sản xuất truyền hình Seth MacFarlane để công bố các hạng mục đề cử. Nhưng lựa chọn này khiến Oscar bị chê là bắt chước Quả cầu vàng.

Cho phép có bất ngờ



Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trên sân khấu Quả cầu vàng

Sự xuất hiện của Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton để giới thiệu bộ phim Lincoln tại Quả cầu vàng năm nay là một bất ngờ được khán giả ủng hộ nhiệt tình. “Nó như thể một bí mật mà ngay cả các thành viên của Hội đồng giám khảo cũng không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra”, Karger nhận định.

Bản thân Karger cũng rất ngạc nhiên với bài phát biểu đầy cảm xúc của nữ diễn viên Jodie Foster khi lên nhận giải Thành tựu trọn đời. “Tâm sự của Jodie ngay lập tức được mọi người bàn tán, trở thành chủ đề sôi nổi trên trang mạng xã hội Twitter và ngay cả cánh gà sân khấu cũng râm ran chuyện trò. Mọi người cứ hỏi nhau liệu cô ấy có thừa nhận giới tính của mình không? Không ai có thể biết tiếp theo sẽ là chuyện gì”, Karger nói.

Theo Feinberg, Viện Hàn Lâm có cơ hội để tạo nên những bất ngờ thú vị như Quả cầu vàng nhưng chính họ đã bỏ lỡ nó trong lễ trao giải năm 2010, khi chuyển lễ trao giải Oscar danh dự vào một buổi khác với buổi lễ chính.

“Nó không phải là chương trình truyền hình nên bạn không cần phải dàn xếp để có những khoảng khắc kỳ diệu để kết nối thực tại với quá khứ. Mặt khác, nếu năm nay Viện Hàn Lâm coi Lễ trao giải là một phần của chương trình truyền hình và cho D.A. Pennebaker đọc bài phát biểu dài tới 20 phút thì họ có thể phải nhờ nhân viên an ninh hộ tống ông ta rời sân khấu”, Feinberg nói.

Thư giãn một chút



Lễ trao giải cũng là một bữa tiệc

Không phải tự nhiên mà mọi người tham dự lễ trao giải Quả cầu vàng đều cảm thấy rất vui vẻ. Ở đó, mọi thứ được sắp xếp để tạo cảm giác thoải mái chứ không phải sang trọng khô cứng như Oscar. Ngay cả ghế ngồi nơi sân khấu đã có sự khác biệt. Rồi đến cả cách phục vụ với những thức uống được bày biện xung quanh để khách mời có thể “tăng cảm xúc” như lời bình luận của Feinberg.

“Có thể Viện Hàn Lâm sẽ khó mà thực hiện sự thay đổi này nhưng trong xã hội hiện tại, mọi người thường thích tận hưởng cả hai cảm giác trong cùng một sự kiện, vừa trang trọng nhưng không kém phần thoải mái như khi ở nhà mình.”

Giới hạn giải thưởng

Quả cầu vàng tập trung trao giải ở hai hạng mục điện ảnh và truyền hình. Oscar thì nhiều hơn thế bởi giải thưởng của Viện Hàn Lâm nhằm vinh danh những thành tựu xuất sắc của điện ảnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ đạo diễn, diễn xuất, kịch bản tới trang điểm lẫn hóa trang và các hiệu ứng khác trong ngành công nghiệp điện ảnh.

Feinberg cho rằng nếu loại bỏ những hạng mục ít người quan tâm thì sẽ gây nên những tranh cãi nhưng tách rời những hạng mục nhỏ đó khỏi Lễ trao giải không phải là giải pháp khó thực hiện.

“Phần lớn khán giả không bao giờ có cơ hội xem hết tất cả những bộ phim đó. Vì thế, để quá nhiều hạng mục có thể gây nhàm chán cho công chúng khi theo dõi và thậm chí nó còn có thể phá hỏng mạch chương trình.

“Quả cầu vàng trông giống như một bữa tiệc với nhiều ngôi sao tham dự nhưng đó chính là lợi thế mà họ có”, Karger nhận xét.

Chú trọng tới thời gian

Lễ trao giải Oscar nổi tiếng là kéo dài lê thê và khiến khán giả ở các châu lục khác phải đi ngủ khi chưa theo dõi hết vì lệch múi giờ. Quả cầu vàng không như vậy, chỉ diễn ra trong khoảng 3 giờ đồng hồ với các giải thưởng được trao và sắp xếp một cách hợp lý hơn.

“Tôi nghĩ do Oscar hướng đến những gì truyền thống, nghiêng về tôn vinh những cống hiến trong khi Quả cầu vàng thực sự chỉ tập trung vào việc trao giải. Họ không nghĩ đến những gì làm gián đoạn việc công bố những giải thưởng. Họ tập trung vào công việc chủ đạo của một Lễ trao giải”, Karger nhận xét.

Khánh Đan
Theo USA Today

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm