Nhà văn Lê Văn Thảo và chi tiết cực ám ảnh trong phim 'Cánh đồng hoang'

21/10/2016 09:32 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Lê Văn Thảo, cây bút gạo cội trong dòng văn học Nam bộ vừa qua đời tại nhà riêng lúc 1h sáng ngày 21/10 sau một thời gian dài lâm bạo bệnh.

Trước đó, thông tin từ bạn văn thân thiết và gia đình nhà văn Lê Văn Thảo, cho biết: “Cuộc sống của tác giả Ông cá hô chỉ còn tính từng ngày, do căn bệnh ung thư đã di căn và bệnh viện đã trả về”. Nhà văn Lê Văn Thảo được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm: Con đường xuyên rừng, Tuyển tập truyện ngắn. Trước đó, ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2007 và giải thưởng ASEAN năm 2006. 

Ông cũng từng đoạt giải A về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Lê Văn Thảo từng là Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Bút danh Lê Văn Thảo đọng lại trong người đọc là phẩm chất của một nghệ sĩ, đọng lại trong giới cầm bút là một tư cách “anh Hai Nam bộ”.


Nhà văn Lê Văn Thảo năm 2010. Ảnh: Hoàng Nhân

Ông cá hô xuất bản năm 1995 của Lê Văn Thảo, từng được đạo diễn Trần Mỹ Hà dựng thành phim cùng tên với sự diễn xuất ghi dấn ấn của diễn viên Lê Vũ Cầu. Phim ảnh hay ca nhạc thường có công chúng đông hơn văn học, nên nhắc đến phim Ông cá hô để người đọc dễ hình dung đến tác phẩm văn học của Lê Văn Thảo.

Với Lê Văn Thảo, lẽ ra ông bén duyên với điện ảnh từ trước đó trong bộ phim Cánh đồng hoang do nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch. Nói ông bén duyên với phim này, vì trong Cánh đồng hoang, Nguyễn Quang Sáng có dùng một chi tiết văn học đậm chất điện ảnh của Lê Văn Thảo.

Đó là chi tiết được dựng thành phim, người cha do Lâm Tới thủ diễn bỏ đứa con vào bao nilông lặn xuống nước tránh máy bay địch giữa đồng không mông quạnh ở Đồng Tháp Mười.

Chi tiết này hay là cảnh quay này trong phim Cánh đồng hoang, được nhà văn Lê Văn Thảo viết trong tập truyện Đêm Tháp Mười xuất bản năm 1972, còn Cánh đồng hoang được nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch và khởi quay sau ngày đất nước hòa bình. Cảnh quay này trong Cánh đồng hoang được xem là chi tiết đắt giá, đậm tính hiện thực chiến tranh.

Nếu chi tiết này được chuyển từ văn học sang điện ảnh mà không xin phép nguyên tác trong thời điểm lúc này, thế nào cũng bị nguyên tác lên tiếng “nói lại cho rõ”. Hỏi sao lại vậy, Lê Văn Thảo chỉ nói như một “anh Hai Nam bộ”: “Ông Nguyễn Quang Sáng là anh của mình. Thời chiến tranh, nếu ông Sáng chứng kiến được cảnh này cũng sẽ viết được như mình thôi. Anh em mà!”.

Hai người em của Lê Văn Thảo đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy khá nổi tiếng. Đó là đạo diễn Lê Văn Duy - nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM.

Nhà văn Lê Văn Thảo qua đời

Nhà văn Lê Văn Thảo qua đời

Nhà văn Lê Văn Thảo, cây bút gạo cội trong dòng văn học Nam bộ vừa qua đời tại nhà riêng lúc 1h sáng ngày 21/10 sau một thời gian dài lâm bạo bệnh.

Có thể bạn đọc sẽ thắc mắc, sao hai ông anh có họ Lê còn người em Cẩm Thúy lại họ Dương? Xin thưa, Lê Văn Thảo và Lê Văn Duy là bút danh khi hai ông thoát ly lên rừng nên lấy họ mẹ. Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh năm 1939 tại Thủ Thừa, Long An.

Năm 1962, khi đang học đại học tại Sài Gòn, ông dẫn em trai là Lê Văn Duy (tên thật Dương Ngọc Chúc) thoát ly. Vì hai ông có cha là nhà giáo Dương Văn Diêu nổi tiếng với các học sinh miền Nam từng học trên đất Bắc thời chiến tranh.

Hiện sức khỏe tác giả Ông cá hô đang nguy kịch. Nói về Lê Văn Thảo, không chỉ có Ông cá hô, ông còn rất nhiều câu chuyện đằng sau trang viết. Nhưng Lê Văn Thảo cũng như đàn anh Nguyễn Quang Sáng, hai ông không hề viết hồi ký, đời này biết đến các ông chỉ và chỉ duy nhất thông qua tác phẩm của mình.

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm