Nhà nhiếp ảnh Bruno Bisang - Trở lại với “30 năm ảnh Polaroid”

09/01/2013 10:34 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Máy ảnh số xuất hiện khiến nhiều nhà nhiếp ảnh bỏ rơi chiếc máy ảnh polaroid (chụp ảnh lấy ngay) từng gây sốt trong 4 thập kỷ. Nhưng với Bruno Bisang, người chuyên chụp ảnh cho các ngôi sao quốc tế, niềm đam mê polaroid trong ông chưa bao giờ tắt.

30 năm ảnh Polaroid là tên triển lãm của Bruno Bisang sắp mở cửa tại phòng tranh Little Black ở London (Anh) từ 15/1 đến 9/2.

Có duyên với “những phụ nữ đẹp”

Sinh năm 1952 và lớn lên bên bờ hồ Maggiore (một cái hồ rất lớn ở châu Âu, chảy qua hai nước Italia và Thụy Sĩ), ở một vùng nói tiếng Italia của đất nước Thụy Sĩ, Bruno Bisang phải lòng những cuốn phim. Quê nhà Ascona của ông chỉ cách thành phố Locarno vài phút đi bộ qua cây cầu Bartolomeo Varenna. Mà Locarno là nơi tổ chức liên hoan phim cùng tên trước chiến tranh.

Năm Bisang 10 tuổi, Liên hoan phim Locarno chiếu phim của 4 đạo diễn Ý theo chủ nghĩa Tân hiện thực: Visconti, Antonioni, Rossellini và Fellini. “Năm đó tôi còn quá nhỏ để xem phim điện ảnh” - Bisang nói - “nhưng tôi cứ nhìn chằm chằm vào những tấm poster phim. Tôi bị chúng quyến rũ: phong cách, những phụ nữ đẹp. Tôi biết rằng đây là một ngã rẽ cuộc đời và tôi phải làm điều gì đó”.

Từ trái sang: Ảnh polaroid do Bruno Bisang chụp diễn viên Monica Bellucci (1997) và một diễn viên xiếc nhào lộn (1993). Ảnh: Huffington Post

Sớm nhất có thể, Bisang theo học một trường nghệ thuật và học về kỹ thuật chụp ảnh trong một studio ảnh ở địa phương và “chầm chậm, chầm chậm, tôi tìm thấy con đường của mình”.

Con đường đó dẫn Bisang đến văn phòng các tạp chí thời trang nổi tiếng nhất như Vogue, Cosmopolitan và GQ. Hiện 50 tuổi, Bisang từng hợp tác với các hãng thời trang và mỹ phẩm lớn Chanel, Cacharel, Givenchy và Guerlain.

Ông phân chia thời gian của mình, “lùi một chút và tiến một chút”, giữa các căn hộ ở Zurich và Paris. Chỉ riêng năm nay công việc đã đưa ông đi qua các nước Italia, Ấn Độ, Đức, Mỹ, Nam Phi, vùng Caribbe, Nam Mỹ và châu Á. Ông gọi tên đối tác làm việc với mình bằng tên nước hoặc thành phố nơi có trụ sở của đối tác để tiện thông báo cho người khác. Giữa cuộc trò chuyện với nhà báo của Telegraph, Bisang trả lời điện thoại: “Tôi đang dở cuộc phỏng vấn với London. Chào nhé (bằng tiếng Italia)”.

Là một nhà nhiếp ảnh, Bisang không có studio của riêng mình. “Để làm gì?” - ông nói. Ông dùng cả một căn phòng rộng trong ngôi nhà ở Zurich để lưu trữ những bức ảnh polaroid mà ông đã chụp. Ông giữ lại từng bức một kể từ lần bấm máy bộ ảnh thời trang đầu tiên cách đây 30 năm. Một lát cắt ngang sống động của bộ sưu tập này sắp được triển lãm tại phòng tranh Little Black ở London.

Mỗi bức polaroid có một cuộc đời

“Ảnh polaroid có một độ sâu mà bạn sẽ đánh mất nếu dùng máy ảnh số” (Bruno Bisang).

Polaroid là mẫu máy ảnh rất thông dụng vào những năm 70,80 của thế kỉ trước với khả năng chụp và in ảnh ngay lập tức sau vài chục giây.

Trong bộ sưu tập polaroid của Bisang, chúng ta thấy gương mặt của những ngôi sao đã trở thành người mẫu của ông qua hàng thập kỷ. Những phụ nữ đẹp như trên các tấm poster phim năm nào. Các siêu mẫu thế giới Naomi Campbell, Claudia Schiffer, minh tinh người Italia Monica Bellucci, cựu Đệ nhất Phu nhân Pháp Carla Bruni…

“Trong các năm qua tôi đã chụp ảnh rất nhiều phụ nữ đẹp. Rất nhiều. Tôi luôn luôn may mắn”. Bisang nhấn mạnh ông chưa bao giờ phải nổi cơn thịnh nộ khi làm việc với các người đẹp, kể cả Naomi nổi tiếng đanh đá.

“Nhiều người than phiền về Naomi lắm nhưng tôi đã làm việc với cô ấy 3 hay 4 lần mà chẳng xảy ra vấn đề gì cả. Cô ấy chỉ đến muộn nửa tiếng so với giờ hẹn, thế mà người ta đồn là cô ấy thường muộn 3 tiếng” - ông nói.

Bisang coi trọng cách đối xử với các người mẫu ảnh của mình. “Một người mẫu không phải chỉ là một chủ thể chụp ảnh. Đối với tôi họ là cộng sự. Để có được bức ảnh đẹp, bạn phải tôn trọng người mẫu. Tôi là một người khá thoải mái và không làm cái việc quát nạt người mẫu như nhiều nhà nhiếp ảnh vẫn làm. Nhưng tôi muốn đổi lại người mẫu phải làm việc hết mình vì tôi. Đó là một sự hợp tác”.

Polaroid từ lâu đã là một kho vũ khí lợi hại của các nhà nhiếp ảnh. Vì chụp lấy ngay nên thể loại ảnh này là một bài kiểm tra tay nghề: cách lấy ánh sáng, cách sắp đặt, biểu cảm và quan trọng là chớp được khoảnh khắc. Chẳng có bối cảnh nào được thiết kế để tồn tại dài lâu, nhưng đó là một phần của bức ảnh.

Ảnh polaroid với mẫu là con người thường gói gọn trong ảnh chân dung, nhưng với Bisang thì khác. Toàn cảnh, bán thân, thậm chí những ảnh có không gian rất rộng vẫn có thể đưa vào khung hình polaroid.

Ông chụp người mẫu tên là Aida khỏa thân nằm trên một chiếc giường ở Turin (Italia) năm 2001. Ông chụp người mẫu Nicole đứng giữa đường phố New York năm 1992, thấy rõ cả nóc cao ốc và bầu trời ở phía xa. Và Monica Bellucci xinh đẹp ở Paris năm 1996, cũng trên một chiếc giường, khi chỉ gương mặt và đôi cánh tay là được chiếu sáng.

“Mỗi bức polaroid sẽ được mọi người chuyền tay nhau xem, người mẫu, các chuyên gia thời trang, trợ lý và những dấu vết như vân tay, vết trầy xước, những chú thích ghi vào viền bức ảnh…, với tôi đó là những dấu hiệu của cuộc sống. Ảnh polaroid có một độ sâu mà bạn sẽ đánh mất nếu dùng máy ảnh số. Ngay cả bây giờ khi tôi đoán trước được bức ảnh mà mình chụp sẽ như thế nào, thì khoảnh khắc khi kéo bức ảnh ra khỏi máy để xem thành quả của mình vẫn thật diệu kỳ. Cảm giác chỉ cho ai đó xem ảnh trên màn hình của máy ảnh số thật không thể sánh bằng” – Bisang nói.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm