Nguyễn Thế Hoàng Linh - Viết thơ kiểu… thiên tài

25/11/2012 14:30 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Nói nôm na, thiên tài là tài năng trời cho, nghĩa là cái đã sẵn có trong tâm thức người, ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, chỉ chờ ngày khai hoa nở nhụy với sự phát triển đủ đầy của cơ thể vật lý là thiên tài sẽ được bộc lộ. Tôi vẫn gọi Nguyễn Thế Hoàng Linh là một thiên tài, là bởi, với người trí não bình thường, họ chẳng bao giờ làm thơ kiểu như thế.

Mật thư, 120 bài, chia thành hai loại, bìa cứng và bìa mềm. “Mềm” thì 70 ngàn đồng, “cứng” là 200 ngàn cho mỗi cuốn. Kèm vẽ minh họa từ “Sát thủ đầu mưng mủ” - Thành Phong, kèm CD do An Nhiên (Phonenix Ho) đọc 12 bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh, bonus Gọi mặt trời, do chính tác giả trình bày, lẫn Năm hồi chuông ký ức của nhạc sĩ/ ca sĩ Nguyễn Tuấn (Tuấn “gà”).

Nguyễn Thế Hoàng Linh chiều chuộng độc giả của mình thế là cùng, và quyết tâm tấn công những trái tim “lạnh” bằng đủ các đường: mắt đọc, tai nghe, mũi ngửi…

Làm sao để đỡ sợ thơ?

Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh
Thơ của Linh nếm thì không sao, còn nuốt thì dễ bị hóc, ví dụ như thế này:

“làm sao để đỡ sợ thơ/ dễ thôi/ hãy đứng hàng giờ lặng im/ hoặc ngồi hoặc nằm lim dim/ vờ như là một cánh chim giang hồ/ sau đó lấy bút ra sô lô/ kể lại hay tuôn trên giấy bất cứ cảm xúc, tưởng tượng hoặc ý nghĩ nào có thể tả được/ không nhất thiết phải bằng thơ vần hay trau chuốt ngôn từ cứ viết làm sao cho thật trôi chảy…” (Làm sao để đỡ sợ, tr.14).

Đọc xong, tôi giật mình cười, vì không hiểu theo định nghĩa thông thường những gì từng học trong trường, cụ thể là Khoa văn tổng hợp, thì đây là thể loại gì? Thơ, văn xuôi, phân tích, phê bình… hay cái gì đó không thể cắt nghĩa mang tên Nguyễn Thế Hoàng Linh?

Với Linh, khi tôi “rêu rao” đoạn sa-pô mở đầu về “người trí não bình thường, họ chẳng bao giờ làm thơ, kiểu như thế”, trên Facebook cá nhân, Linh “phản pháo” ngay bằng một chuỗi những quan điểm về thơ. Linh là thế, ậm à ậm ừ cười tủm tỉm ít nói khi giáp mặt, và chỉ tuôn những tràng dài khi nói về thơ và… nhạc Tuấn “gà”.

Linh đã ngoài ba mươi, thiên tài đã đi qua nửa mùa trăng không còn tròn trịa nhưng vẫn tươi sáng. Cái hồn nhiên chân thật của người mê mải giữa đời thơ vẫn thấm đẫm, thế nên, lắm khi viết thơ cứ dễ dàng như không.

“Đừng tìm ý nghĩa trong câu/ nó không có nghĩa gì đâu/ thật mà/ nhưng dù tôi rất thật thà/  cũng không có nghĩa nó là thế đâu” (Nghịch, tr.53).

Tôi muốn hỏi, này Linh, cậu làm bao lâu thì xong một bài thơ kiểu thế này? Dù biết Linh sẽ chẳng trả lời gì ngoài cười. Linh ít thích trả lời, chỉ khoái đặt câu hỏi. Những câu hỏi về đời, về người, về sự tồn vong sống cứ lẩn khuất trong đầu cậu, tựa như một đứa trẻ chưa kịp lớn, mới biết nói, còn quá nhiều khúc mắc.

“Không có một người giỏi nào không biết làm ra thơ hay, hoặc có nhà thơ yêu thích của mình. Nên thơ/ tính thơ cần được nhìn thấy như một thứ đẹp đẽ, tuyệt vời của cuộc sống. Còn coi thường thơ và không đến được với thơ hay, hay thơ hay không vào trong lớp rào cản định kiến của bạn được thì bạn còn chưa giỏi, nếu không muốn nói là thấp kém. Đó là chân lý. Chứ không phải cứ coi thường giẫm lên thơ thì bạn cao lên được" (Nguyễn Thế Hoàng Linh).

Với trí tuệ thiên bẩm, Nguyễn Thế Hoàng Linh không chủ đích mà vẫn cứ dồn người… bị hỏi vào chân tường bằng đủ mớ suy nghĩ loằng ngoằng nhưng lại hết sức sâu sắc và tường minh. Linh chấp nhận mọi câu trả lời, dù là ngô nghê hay tránh né, hoặc hão, mê mụ, cũng có khi huyễn tưởng,… trong thích thú. Với Linh, hỏi, trả lời: để tìm ra lẽ sống của đời.

“Mưa cuồng không rõ lí do/ phin cà phê lỗ dò to quá chừng?/ mưa ơi có lẽ mưa đừng/ giận ta như thể chưa từng giận ta” (Thả cá trong bình, tr.70).

Cũng có khi: “lang thang trong một vành mi/ hay lang thang dưới một vì sao xa/ lang thang như sống và à/ một hôm chợt nhận ra ta là người” (Lang thang thế thật buồn cười lang thang cho máu lại tươi hồng và, tr.92).

Hồn nhiên thiên tài

Rất thích rủ Nguyễn Thế Hoàng Linh đi quán xá vì cậu luôn đúng hẹn. Không cần lạnh căm mùa Đông như lúc này, kể cả giữa Hè thì Linh vẫn dáng điệu lù xù kiểu gã đàn ông lang thang bê trễ cả ngày không biết làm gì ngoài xoay xở cái Ipad, mà với Linh bây giờ, vừa như người tình… dăm tuổi, lại như cố tri để trút đủ thứ lúc rỗi nhàn. Lắm bài viết hay thơ lan tràn trên Facebook hoặc mạng, nhiều video ngắn ngắn post những bài hát Tuấn “gà” biểu diễn trên YouTube được sản xuất từ đây.

Linh cứ thế ngồi co chân thoải mái trên ghế, hút thuốc, uống bia, cầm Ipad ghi hình, miệt mài không rời chỗ có lúc 4 giờ đồng hồ liền. Với sự nhẫn nại, cần mẫn hiếm có, nhờ Linh việc gì, cũng có thể được, hoặc hoàn thành xong trong 15 phút, hoặc là 15 tuần, ừ thì chậm nhanh cùng một dạng việc có khi khác nhau, nhưng hoàn thành thì kiểu gì cũng nghiêm ngắn.

Ngồi với Linh thì vui, yên ổn, thanh bình. Chúng tôi, hoặc mất hết buổi sáng sang quá trưa, hoặc từ trưa đến chiều tối, hoặc từ tối sang già nửa đêm để hàn huyên. Mà lắm khi tính tiền với chủ quán xong, đi về, không còn nhớ đã nói những gì? Hay chỉ đơn giản là ngồi im lặng mà chẳng buồn nhìn nhau?

Nguyễn Thế Hoàng Linh vừa có vẻ giang hồ quái quái, vừa có gì như một anh chàng trí thức cố tình học hành dở dang và đầu luôn chật chữ, còn trái tim thì luôn nồng nàn sôi nổi với đời. Nếu bảo mang thân trai tuổi ba mươi ra thể nghiệm một lý thuyết sống nào đó vừa mới nhen nhóm trong đầu, tôi ngỡ Linh sẽ làm ngay. Với Linh, đi tìm chân lý của sự tồn tại loài người, luôn là thứ chất kích thích nội sinh đầy kích thích, gây nghiện ngập, mà kiểu gì cũng không thể nào cai được. Rồi cứ thế, Linh trải đầy trong thơ và những ký tự tiểu luận hay bình hay diễn thuyết hay phân tích… thơ.

Mà muốn hiểu tâm hồn của một thiên tài mang tên Nguyễn Thế Hoàng Linh, hoặc những bài thơ “như một thứ năng lượng trị liệu”, thì tốt nhất là nên tìm đọc Mật thư. Chúng ta có những phút giờ để ngẫm ngợi để phà ra cười. Còn chàng ta, kiểu như cách nói “xõa” thường gặp của Linh, là có “xương để gặm” trong thời kinh tế suy thoái này. Ừ thì cậu ta tuổi Tuất mà!

Tìm Mật thư của Nguyễn Thế Hoàng Linh ở đâu?
 
- Cửa hàng thời trang 9 Escape - 22 Nguyên Hồng, Hà Nội.
- Flora Boutique - 62 Ấu Triệu, Hà Nội.
- Giang cafe - 125E Lò Đúc, Hà Nội.
- Nhà sách Ngân Nga số 5 Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Siêu đan vòng Burichan - 474 La Thành (tầng 2), Hà Nội.
- Yên cafe - 9A Phạm Đình Toái, P.6, Q.3, TP.HCM.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm