Nguyễn Huy Thiệp - Nguyễn Bảo Sinh: Trời sinh Sinh, trời sinh Thiệp

05/02/2014 08:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong tập tạp văn Con giai phố cổ, nhà văn Nguyễn Việt Hà có bài tản mạn về những cặp bạn vong niên ở Hà Nội, thường là một ông trung niên (hoặc hơn) và một ông bạn lớn hơn chục tuổi (hoặc hơn). Tôi nghi, tác giả một trong các hình mẫu của câu chuyện này là tình bạn Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Bảo Sinh.

Một là nhà văn viết truyện ngắn hàng đầu Việt Nam, nổi lên từ sau 1986. Một là nhà thơ dân gian, tên tuổi có thể không nổi lắm nhưng thơ lục bát của ông được truyền miệng phổ biến khắp nước.

Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Bảo Sinh, một người đã 63, người kia gần 74, gặp nhau khi mỗi người đều đã qua nửa cuộc đời từ lâu, không thân thiết ngay lập tức mà tình thân dần dần vun đắp qua thời gian. Nguyễn Bảo Sinh kể, ông được người quen dẫn đến chơi nhà Nguyễn Huy Thiệp khi ông bạn cũng là người đã thành danh, trong làng văn không ai không biết.

Trong mắt công chúng yêu văn chương, người nổi tiếng hơn thường là nhân vật chính. Nguyễn Bảo Sinh thường được nhắc đến như là “bạn thân của Nguyễn Huy Thiệp”, điều này cũng bình thường. Nhưng trong cuộc đời không thế. Mỗi người là nhân vật chính trong cuộc đời của mình.


Nguyễn Huy Thiệp (bìa trái) và Nguyễn Bảo Sinh tại buổi ra mắt sách Vong bướm của Nguyễn Huy Thiệp năm 2012. Ảnh: Mi Ly.

Nguyễn Bảo Sinh nói, dù có làm thơ, có viết sách (mới đây vừa xuất bản cuốn tản văn Bát phố) nhưng ông không thuộc giới văn chương. Lĩnh vực của ông là kinh doanh (chó mèo), trong ngành này ông cũng nổi tiếng. Mỗi người làm chủ “phần đất” của mình, còn kết bạn với nhau, đó cũng là duyên trời.

Nếu là bạn hàng xóm, bạn học hoặc đồng nghiệp, những mối quan hệ dễ nảy sinh gắn bó với nhau, thì người trong cuộc chẳng nhọc nhằn gì để giải thích vì sao họ thân nhau, chủ yếu vì chung sở thích, chung tính cách… Nhưng nếu là một người bạn quen nhờ duyên gặp gỡ trong đời, như trường hợp Sinh - Thiệp, tính cách hay sở thích cũng chẳng tương đồng cho lắm, mà thân nhau kể cũng lạ.

Ngồi nghe Bảo Sinh nói chuyện về những điểm đối lập giữa ông và Nguyễn Huy Thiệp mãi không hết. Ông nói thành như một thói quen, nói về bất cứ chủ đề nào cũng ngẫu nhiên thêm thắt phần so sánh: “Nếu là ông Thiệp thì sẽ làm thế này, còn tôi thì sẽ làm thế kia…” để chỉ rõ sự khác nhau giữa hai người. Bất cứ trường hợp nào, với đúng nghĩa của từ “bất cứ”, kể cả những chuyện không liên quan đến ông Thiệp. Cứ như thể lúc nào ông cũng tư duy theo kiểu “tôi và ông Thiệp đối với cái chủ đề của bạn”.

Đã vào đến chốn công danh/ Không thành ra bã, cũng thành ra khuôn" - Nguyễn Huy Thiệp đưa câu này vào kịch bản chèo Truyền thuyết tìm vua. Đó là thơ Nguyễn Bảo Sinh.
Bạn bè là thế, có ganh đua vừa ngầm vừa hiển hiện, nhưng cái quý ở đây là lúc nào cũng nghĩ đến nhau. Thân thiết đến mấy mới nghĩ đến nhau nhiều như thế? Nguyễn Huy Thiệp ít kể lể hơn, hoặc ít kể khi ngồi với “báo chí”. Nhưng đi đâu ông cũng trích dẫn thơ Bảo Sinh nọ kia, chuyện này không ai là không biết. Lúc phát biểu trước đông người, nói được vài câu là lại: “Ông Bảo Sinh bạn tôi có một câu thơ là…”

Nguyễn Huy Thiệp không giỏi nói trước đám đông. Ông đâu phải nhà diễn thuyết, nhưng ông là nhà văn có tài. Vì thế, để nói hoặc viết về một nhân vật, bao giờ ông cũng viết được một câu rất đắt, nói lên được nét riêng của nhân vật. Có câu ông viết mà người bạn thân rất tâm đắc: “Nguyễn Bảo Sinh đến đây làm gì? Ông ấy đến để biến chúng ta thành trẻ con”.

Đó là một nhận định đắt giá. Bảo Sinh được mệnh danh là nhà thông thái dân gian, ông phát biểu những triết lý đời thường thành thơ lục bát có chất thiền. Hầu như ai đọc thơ ông cũng gật gù và trích dẫn, như được dẫn đường chỉ lối. Thơ ông cũng khiến người đọc nhìn đời, nhìn người nhẹ nhàng hơn. Có thể nói là như trẻ lại, hoặc tĩnh tâm hơn, không chỉ vì chất hài, mà vì chất thiền trong thơ.

Ngược lại với người bạn, Bảo Sinh giỏi nói, tếu táo, quen đám đông. Trong lần ra mắt tập sách chèo Vong bướm của Nguyễn Huy Thiệp ở Hà Nội năm 2012, Bảo Sinh ngồi tít đằng xa, không ở hàng đầu như các nhân vật thân thiết với tác giả thường được ưu tiên. Trước việc nhà văn liên tục bị chất vấn bởi nhiều câu hỏi khó, chứng kiến nhà thơ già nhấp nhổm lo lắng, như muốn lên trả lời thay bạn, mới hiểu tình nghĩa rất “ồn ào” nhưng cũng âm thầm giữa họ.

Họ là bạn theo kiểu đến chơi nhà nhau không báo trước, đến gặp thì gặp, không gặp thì về, đằng nào mỗi ngày 2 ông đều “tụ tập” ở café Nhân cạnh Bờ Hồ.

Lâu nay, tôi vẫn thấy nhiều người trẻ có quan niệm sai lầm: “Vợ hay chồng mới quý vì ở với ta suốt đời chứ bạn bè là người ngoài, có mấy khi gặp”. Tôi đoán nhiều người nghĩ thế, sống thờ ơ với bạn bè, về sau hối hận không kịp. Chưa nói đến chuyện vợ chồng chưa chắc đã ở bên nhau suốt đời, nhưng đến lúc không còn trẻ người ta sẽ thấm thía một điều: một ông bạn tri kỷ cũng quý như bà vợ tri âm, chẳng phải sớm khuya bên nhau nhưng không có lại không được.

Đời thế mới lạ. Trời sinh ra Nguyễn Huy Thiệp, tài văn khuynh đảo, nhưng sẽ là rất thiếu cho chốn dân gian, và cho chính Thiệp, nếu trời không sinh ra Nguyễn Bảo Sinh. Mà có lẽ, phải ngược lại mới đúng. Bởi Sinh còn ra đời trước Thiệp. Sinh không nổi tiếng bằng Thiệp, điều đó ai cũng biết, nhưng ít ai biết rằng, xét về tâm thái ung dung, đắc đạo cả trong văn và trong đời, thì Sinh lại hơn Thiệp mấy phần.

Vài nét về “đôi bạn” Thiệp - Sinh

* Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, là nhà văn viết truyện ngắn hàng đầu Việt Nam. Ông nổi tiếng từ năm 1986 với truyện ngắn gây chấn động dư luận Tướng về hưu. Các truyện ngắn nổi tiếng của ông: Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần, Muối của rừng, Những người thợ xẻ, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết...

* Nguyễn Bảo Sinh sinh năm 1940, là nhà thơ dân gian với nhiều câu thơ được công chúng thuộc lòng nhưng không biết tác giả. Thơ ông vừa có tục, vừa có thanh, nhưng mang chất thiền rất rõ. Bài thơ có tính thiền nhất là Đò ngang: "Cùng chung một chuyến đò ngang/ Kẻ thì sang bến, người đang trở về/ Lái đò lái mãi thành mê/ Sang về không biết mình về hay sang".

Còn bài phổ cập hơn là bài Tiền: "Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm". Câu thơ này từng được GS Ngô Bảo Châu trích dẫn trong một bài phỏng vấn.

My Ly
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm