Người mẫu Beverly Johnson: Người thay đổi 'Kinh Thánh thời trang' Mỹ

01/08/2014 10:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Các hãng quản lý thời trang nói rằng, Beverly Johnson sẽ không bao giờ lên trang bìa, các nhà làm tóc từ chối chạm vào tóc bà và hãng ảnh Kodak thậm chí còn không có loại phim mô tả chính xác màu da bà.

Tuy nhiên cách đây 40 năm, Beverly Johnson đã vượt qua tất cả rào cản đó để trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên hiện diện trên trang bìa tạp chí Vogue Mỹ - ấn phẩm còn được mệnh danh là "Kinh Thánh của thời trang".

Khi tờ Vogue với bức ảnh bìa chụp Johnson được phát hành, trong đó bà mặc áo len xanh, quấn khăn nâu và đeo một đôi hoa tai của hãng Bulgari, điện thoại đã đồn dập đổ tới từ khắp nơi trên thế giới. "Lúc ấy tôi hiểu rằng chuyện thực sự lớn hơn mình tưởng. Tôi nhận được điện thoại phỏng vấn từ châu Á và châu Âu. Họ đều nói rằng: "Đã tới lúc nước Mỹ tỉnh giấc!" Thật đúng là trải nghiệm đổi đời" - bà chia sẻ.


Johnson trên trang bìa Vogue số ra tháng 8/1974

Từ mơ ước bênh vực người da đen

Johnson lớn lên trong một khu vực toàn người da trắng thượng lưu ở Buffalo, New York nên hầu như không biết về sự căng thẳng sắc tộc diễn ra ở những nơi khác trên đất Mỹ.

Mẹ bà, một người Mỹ gốc Phi tới từ Louisiana và cha bà, một người Mỹ gốc thổ dân Anh-điêng, không bao giờ nói gì về vấn để chủng tộc. "Chúng tôi chỉ được dạy rằng mọi người đều tốt đẹp, đều giống nhau và đã không biết về những sự phân biệt đang tồn tại trong thế giới"  - bà kể.

Trải nghiệm phân biệt chủng tộc đầu tiên của Johnson đến khi bà còn là một bé gái. Đó là lúc bà và một người bạn đạp xe qua một khu dân cư nằm gần biên giới Canada. "Họ bắt đầu gọi chúng tôi là bọn mọi, ném vỏ chai vào chúng tôi. Chúng tôi đã bị sốc" - bà nhớ lại.

Đó là đầu những năm 1960. Một thập kỷ đấu tranh, biểu tình của người Mỹ gốc Phi đã dẫn tới việc thông qua Luật quyền dân sự vào năm 1964, trong đó cấm sự phân biệt chủng tộc, màu da, tín ngưỡng, giới tính hoặc nguyên quán của mỗi người.

Gia đình Johnson sợ rằng nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King đang "gây rắc rối". Nhưng Johnson, người mới bắt đầu bước vào tuổi teen trong năm 1965, đã choáng ngợp khi nhìn thấy Luther King trên truyền hình.

Bà bắt đầu khao khát trở thành một luật sư để đấu tranh cho người da đen và đã theo học ngành khoa học chính trị ở Đại học Đông Bắc tại Boston. Thời gian ở đây, bạn bè thuyết phục bà theo ngành người mẫu để có tiền đóng học phí.


Johnson đã có một sự nghiệp người mẫu hết sức thành công

Tới khao khát chứng tỏ mình trong thời trang

Johnson bắt đầu làm mẫu tự do cho Glamour, một tạp chí chủ yếu bán cho độc giả da trắng. Nhưng dù xuất hiện nhiều lần trên Glamour, bà vẫn gặp khó khăn trong việc tìm ra một công ty quản lý người mẫu chấp nhận mình.

"Ai cũng từ chối tôi. Hãng người mẫu Eileen Ford ban đầu nói rằng tôi béo quá. Nhưng 3 ngày sau họ gọi tôi trở lại và khi gặp họ nói: "Ồ, cô sút cân nhanh quá". Thực tế tôi chả sút lạng nào cả" - Johnson kể. Bà nói rằng đó cũng là bài học đầu tiên thu được từ nghề người mẫu - một cái nghề đầy sự dối trá.  

Johnson nhận ra rằng Eileen Ford tuyển dụng chẳng qua vì thấy bà được chụp nhiều tấm ảnh trên Glamour. Tuy nhiên dù ký hợp đồng với bà, hãng vẫn cảnh báo: "Cô sẽ không bao giờ lên được trang bìa Vogue. Cô sẽ chỉ làm việc cho Glamour và nên trông chờ vào sự may mắn của mình".

Cảnh cáo này đã không làm Johnson nản chí. Nó thậm chí còn khiến bà nổi cáu và từ bỏ Eileen Ford. "Lên trang bìa Vogue là điều mọi người mẫu đều mong muốn. Đó là điểm hạ cánh của chúng tôi. Vì thế tôi đã tới một hãng quản lý người mẫu khác" - bà kể.

Trong lúc Johnson phiêu lưu qua các hãng người mẫu, Tổng biên tập Glamour là Ruth Whitney vẫn kiên trì để bà lên trang bìa. Tạp chí còn phát đi nhiều phiếu thăm dò ý kiến dư luận và thấy phản ứng của độc giả về Johnson rất đặc biệt. Họ không những không ghét bỏ mà còn muốn trở nên giống bà.

Tác động khổng lồ từ một bức ảnh bìa

Nhưng trong khi Johnson chiếm giữ được con tim độc giả, giới làm nghề lại không chia sẻ chung quan điểm. "Rất nhiều nhiếp ảnh gia không phát hiện ra vẻ đẹp của bạn. Nhiều người còn không biết đánh sáng cho bạn. Kodak phải thêm các màu tối vào dải màu của họ để cho ra ảnh màu chính xác" - Johnson kể - "Những người làm đầu thì rất bối rối. Họ có lẽ chưa từng làm đầu một người mẫu da đen".

Được biết ở Mỹ người mẫu da đen đã được đi làm từ những năm 1970. Nhưng họ chỉ xuất hiện trong các tạp chí dành cho độc giả là người Mỹ gốc Phi như Ebony hay Essence. Johnson thấy rằng chẳng có lý do gì để người ta phân chia ranh giới vẻ đẹp như thế.

Tháng 8/1974, thời điểm lịch sử xuất hiện khi nhiếp ảnh gia Francesco Scavullo của Vogue chụp ảnh Johnson. Bà không biết khi đó rằng tấm ảnh sẽ được dùng cho trang bìa. Thời đó chẳng người mẫu nào biết mình sẽ ra trang bìa cho tới khi tạp chí xuất bản.

Một năm sau sự kiện, Tổng biên tập Vogue Mỹ Grace Mirabella nói trên tờ New York Times rằng việc ảnh Johnson lên trang bìa "chẳng phải dấu mốc gì cả", dù thừa nhận tạp chí tự hào khi được chụp ảnh bà.

Johnson nói rằng bà hiểu vì sao Vogue không thừa nhận tầm quan trọng của bức ảnh bìa. Theo bà, ngành thời trang Mỹ buộc phải thừa nhận người mẫu da màu vì sức ép từ châu Âu và khi làm bức ảnh bìa đó, Vogue không lường được tác động mà nó tạo ra.

"Tôi không nghĩ họ (tạp chí Vogue) hiểu được tác động họ tạo ra với một lớp phụ nữ trong nước, những người cuối cùng có thể nhìn vào ai đó và nói: "Cô ấy giống tôi, cô ấy đã lên tạp chí, cô ấy thật xinh đẹp và chúng ta cuối cùng đã được công chúng Mỹ chấp nhận" - bà chia sẻ.

Khoảnh khắc hạnh phúc

'Lúc đó ở New York, ảnh bìa xuất hiện quanh khắp các quảng cáo treo ở nhiều sạp báo... Tôi đã nhìn thấy bức ảnh và "đứng hình" luôn... Tôi gọi điện thoại cho mẹ, kể cho mẹ nghe và rồi chúng tôi cùng nhau hét lên, cùng nhau khóc òa' - Johnson kể về phản ứng của bà khi thấy bìa Vogue.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm