Người chơi piano bằng chân gây sốt ở Trung Quốc

29/09/2010 11:50 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Lưu Vĩ không còn đôi tay để có thể chơi piano một cách tao nhã như nhiều nghệ sĩ, nhưng sau khi xem Lưu trình diễn khả năng chơi đàn bằng chân với sự tự tin và nụ cười tươi rói, khán giả đã bị chinh phục. Người ta thấy toát lên nghị lực phi thường của chàng thanh niên tàn tật 23 tuổi này.

Nhiều người cho rằng người bị cụt tay sẽ có nhiều hạn chế, nhưng trong suốt 23 năm qua, Lưu Vĩ luôn từ chối chấp nhận bất cứ khó khăn nào. “Chẳng có ai nói bạn chỉ có thể chơi piano bằng tay. Bất cứ việc gì mà người khác làm bằng tay thì tôi làm được bằng chân”, Lưu Vĩ nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí The Global People.

Làm được mọi thứ bằng chân

Lưu Vĩ giành được sự quan tâm ở Trung Quốc khi trình bày bản Mariage D’amour trong cuộc thi tìm kiếm tài năng China’s Got Talent - phiên bản của chương trình truyền hình thực tế Anh đã đưa Susan Boyle trở thành một hiện tượng âm nhạc toàn cầu. “Chúng tôi không thể tin nổi Lưu Vĩ có thể chơi piano tốt đến vậy bằng đôi chân của mình”, nhạc sĩ nổi tiếng Gao Xiaosong nói.


Đối với Lưu Vĩ, chơi đàn đã trở thành thói quen

Sinh năm 1987, ước mơ thời thơ ấu của Lưu là trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng sau một tai nạn năm lên 10 tuổi, cậu đã mất đôi tay. Anh kể lại cảm giác cực kỳ trống rỗng của mình khi nghĩ về một cuộc đời không có tay. Nhưng anh đã giũ sạch được nỗi bi quan đó trong thời gian chữa trị ở bệnh viện. Tại đây, anh gặp một người đàn ông cũng mất đôi tay như mình, nhưng lại có ý chí mạnh mẽ và một sự nghiệp thành công. Lưu biết ơn người đàn ông này vì ông đã dạy cho anh biết đối diện với những thách thức và khó khăn không thể trách được.

Lưu dần bình phục với sự chăm sóc ân cần của mẹ, bà đã đưa anh trở lại trường để học tiếp. Thời gian đầu, Lưu đã phải nỗ lực rất nhiều để viết bằng chân. Đôi chân phồng rộp, nhưng anh vẫn kiên trì. Và sự kiên trì của Lưu đã chiến thắng. Giờ đây, Lưu có thể viết, sử dụng máy tính, chơi game và thậm chí còn lắp và tháo các mô hình xe đua bằng chân. Anh lạc quan nói: “Tôi có đồ ăn, có quần áo mặc và nhiều người quan tâm tới mình. Có gì phải bất mãn nữa nào? Còn có khối người không đủ ăn, tôi may mắn hơn họ nhiều”.

Trước khi quan tâm tới việc học chơi piano, Lưu đã học bơi và nhanh chóng trở thành một vận động viên trong đội bơi của người tàn tật Bắc Kinh. “Trước khi mất đôi tay tôi chưa biết bơi. Nhưng trong thời gian điều trị liệu pháp ở bệnh viện tôi đã học bơi”, Lưu cho biết và anh đã là chủ nhân của một HCB và 2 HCV giải vô địch quốc gia của người tàn tật. “Nhiều người nghĩ rằng tôi có năng khiếu thể thao, nhưng thực ra tôi đã phải luyện tập nhiều hơn hẳn những người khác”.

Âm nhạc như không khí để thở

Sau đó, chàng trai này đặt mục tiêu là giành HCV tại Paralympics 2008, tuy nhiên anh phải từ bỏ môn bơi do bị dị ứng. 19 tuổi, Lưu quyết định học chơi piano, nhưng ban đầu chỉ có mẹ là người ủng hộ sự nỗ lực của anh. Bà không chỉ khuyến khích anh bằng lời nói, mà còn mua cho con trai cây đàn piano với giá 10.000 NDT.

Lưu và mẹ đã sửa cây đàn để anh có thể đặt đôi chân thoải mái lên phím đàn. “Tôi không thể chơi tốt ngay từ đầu vì đôi chân tôi bị gò bó. Sau khi luyện tập nhiều tôi đã học được cách điều khiển các phím đàn bằng ngón chân”, Lưu kể.

Cứ thế Lưu luyện tập không ngừng và anh đã lờ đi tất cả lời nói cho rằng anh không thể chơi đàn bằng chân. “Nhiều người nghĩ tôi không thể chơi đàn bằng chân, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến khó khăn và tôi không thể từ bỏ”, Lưu cho hay.

Một năm sau đó, anh đã trình diễn trong một chương trình trò chuyện trên truyền hình. Giờ đây, Lưu đã nhận được hàng triệu tin nhắn của người hâm mộ và nhiều lời mời của các đài truyền hình. “Điều quan trọng nhất đối với tôi là có được bản nhạc hay. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong âm nhạc cho dù trong tương lai tôi có thành công hay không. Đối với tôi, chơi đàn đã trở thành một thói quen và âm nhạc như không khí để thở”, Lưu giãi bày.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm