MPK & 'cuộc dạo chơi bất tận'

05/02/2014 08:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bằng tình yêu chân thành với đất mẹ Đà Lạt, bằng cảm xúc yêu thiên nhiên say đắm của lòng mình, MPK đã hòa mình với thiên nhiên một cách thật lòng và tạo nên hàng ngàn bức ảnh vô giá cho Đà Lạt. Cuộc đời - con người - sự nghiệp của anh gắn liền với thành phố xinh đẹp này; bởi thế hàng vạn người yêu nhiếp ảnh, hàng triệu bạn bè bốn phương biết đến anh như là một nghệ sĩ mang thương hiệu của thành phố ngàn hoa.

Nhắc đến MPK Đà Lạt (tên thật Nguyễn Văn Phước) người ta nhớ ngay tới những tấm ảnh tuyệt đẹp về hoa, rừng thông, côn trùng, sương, mầm, khát, mủ ngo, vân thông... Xem ảnh của MPK người ta thấy thế gian nhẹ nhàng, cuộc sống đẹp, đáng yêu và nhân hậu. Anh đến với nghệ thuật nhiếp ảnh như một định mệnh.

Phép màu mang tên nhiếp ảnh

Nhớ lại thuở ấu thơ bồng bột của mình, MPK kể: “Ngày đó mới 15 tuổi đã biết nhảy đầm, chơi băng phiến và vùi đầu vào thư viện đọc sách về vật lý và vũ trụ... rồi tôi bị cám dỗ bởi lối sống Mỹ phổ biến ở các đô thị lớn miền Nam trước năm 1975. Sau 1975, tôi đã vô tình trở thành người phạm pháp khi đi bỏ ma túy lẻ cho các tay anh chị thời ấy... Rồi tôi đã phải trả giá cho sự sai lầm đó...”.


Năm 1982, anh ra tù và cảm thấy cô đơn tột cùng khi gia đình lãng quên anh. Xuất thân từ một gia đình giàu có, anh chị em đều được chia gia tài của bố mẹ, riêng anh thì không! Nhưng với MPK điều đó không quan trọng! Anh bắt đầu kiếm sống bằng nghề bốc vác ở các bãi rau, kho lương thực, mỗi ngày bốc vác được từ 2 - 3 tấn sẽ được 36 đồng, đủ để qua ngày. Thế rồi một người bạn thợ mách nhỏ, mỗi ngày chỉ cần chụp được 12 tấm ảnh là bằng vác 3 tấn lương thực cả ngày. Nghe vậy, Phước “Khùng” khoái trí liền gom hết tiền bạc làm được nhờ sức lao động bấy lâu để “tậu” một chiếc máy ảnh và tự mày mò học và làm ảnh, duyên nghiệp đến với anh từ đó!

Một lần, ở Thung lũng Tình yêu, trong lúc chờ khách chụp, Phước đã nảy ra ý tưởng giơ bàn tay lên trời cao, tự chụp, thế là tác phẩm Khát vọng ra đời - đứa con tinh thần này nó đã nghiệm cho Phước một suy nghĩ và đi đến một lẽ sống. Đó chính là “Khát vọng của con người luôn vô hạn nhưng sức con người chỉ có hạn!”. Cũng từ đó, anh thấy nhiếp ảnh như là phép màu nhiệm, chụp được một tấm ảnh đẹp anh thấy lòng nhẹ nhõm và hạnh phúc vô bờ bến. Anh đã dành toàn bộ quỹ thời gian để săn tìm những khoảnh khắc của thiên nhiên Đà Lạt.  


Chùm ảnh mới nhất về Langbiang của MPK

Cái đẹp cứu rỗi sự tha hóa...

Cái tên MPK được anh ghép lại từ M - có nghĩa Michel tên thánh, PK - “Phước Khùng” cái tên do người bản xứ đặt cho anh. Anh bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh từ năm 1983, cho đến 10 năm sau, năm 1993 anh bắt đầu trình làng bộ sưu tập đầu tiên chào mừng Đà Lạt 100 năm hình thành và phát triển. Từ đó đến nay, mỗi năm  MPK ấp ủ để rồi cho ra đời một triển lãm luôn gây “bất ngờ” cho người xem.

Được biết, chưa bao giờ MPK nhận một giải nhiếp ảnh nào nhưng anh vẫn cứ thành danh. Tác phẩm của MPK không có ranh giới giữa hội họa và nhiếp ảnh, bởi xem ảnh mà như tranh vẽ, tài tình trong kỹ thuật và biến hóa trong ánh sáng, đường nét đến lạ lùng. Ảnh của MPK không phải là những chủ đề cao xa, mà luôn giản dị, gần gũi, gắn bó mật thiết với lẽ tự nhiên.

Gắn cuộc sống thiên nhiên hằng ngày ở Cao nguyên Đà Lạt đúng như nó đã có và đang có. MPK yêu Đà Lạt hơn chính bản thân mình nên luôn sợ mất đi cái đẹp của tự nhiên Đà Lạt. Triển lãm Ứa của anh năm trước, hoặc bộ sưu tập “kênh Nhiêu Lộc” cũng là một thông điệp mà người xem đọc được: Hãy bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng!

Có người nói MPK không có tiêu chí sống, nhưng theo tôi tiêu chí sống của anh chính là tình yêu anh dành cho thiên nhiên, qua ống kính vẻ đẹp tự nhiên hiện lên lung linh, huyền ảo. Cái đẹp lúc này lại cứu rỗi mọi thứ bị tha hóa!. MPK nhấn mạnh: “Trước hết mình thấy nó đã thực sự cứu rỗi chính bản thân mình. Nhiếp ảnh với “Khùng” chính là một cuộc dạo chơi bất tận! ”

“Hạnh phúc là được cho đi! vì thế giờ chỉ mong trời cho sức khỏe, một trái tim tốt, trí óc minh mẫn để mình được làm việc. Làm việc để phục vụ cuộc sống, đó là hạnh phúc!” - MPK cười hồn nhiên.

120 ngày chụp Langbiang

Tại sự kiện 120 năm Đà lạt hình thành và phát triển (1893 - 2013) tổ chức vào cuối tháng 12/2013, anh đã trình làng cuốn sách ảnh với 120 bức ảnh chụp đỉnh núi langbiang rất lạ, thể loại panorama. 120 tác phẩm là 120 ngày anh ngồi ngắm đỉnh núi langbiang và mây bay với nhiều tâm trạng khác nhau, không gian và thời gian khác nhau, không trùng lắp vì thế nên mới có chủ đề “Langbiang - Ngàn năm mây trôi”.

Hà Nguyệt
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm