Mê tín thì trí thức cũng thành 'ngu dân'

09/03/2014 07:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Tâm linh” là từ phổ biến trên truyền thông và trong đời sống hiện nay. Theo giới nghiên cứu, văn hóa chắc chắn sẽ đi sâu, đi dài với tâm linh nhưng vấn đề ở Việt Nam là “Tâm linh đang không có văn hóa dẫn đường”.

Đó là phát biểu của PGS-TS Phạm Tú Châu, dịch giả văn học uy tín, tại hội thảo “Văn học và văn hóa tâm linh” tại Viện Văn học, Hà Nội, trong ngày 7/3.

Say sưa lễ bái mà không hiểu vì sao

Cảnh quen thuộc tại lễ hội Khai ấn đền Trần hàng năm. Ảnh: Phạm Mỹ.

Cảnh quen thuộc tại lễ hội Khai ấn đền Trần hàng năm. Ảnh: Phạm Mỹ.

PGS-TS Châu nhận xét về biểu hiện tâm linh qua đời sống tôn giáo của người Việt Nam hiện nay: “Người vào chùa bước tới ban thờ Phật thì vấp phải trước tiên là hòm công đức. Người ta dựng miếu mới ăn theo ngay cạnh chùa để kiếm tiền, thời xưa các cụ coi là thuộc diện phải phá bỏ, nhưng ngày nay ai dám phá? Người ta lễ bái mà không hiểu giáo lý ra sao, đối tượng lễ bái là ai, vì sao được tôn thờ”?!

Bà Châu nhận định: “Tâm linh ở nước ta hiện nay không có văn hóa dẫn đường nên biến thành mê tín dị đoan rất nhiều. Khi mê tín, cả trí thức cũng trở thành ngu dân, thầy bà bảo cúng ra sao thì cúng làm vậy. Tâm linh theo tín ngưỡng cũng trở nên phồn tạp và pha tạp”.

“Người nước ngoài không tin là có thể mua chuộc thần thánh, còn người Việt Nam tin nên mới có hiện tượng rải tiền lẻ quanh những bức tượng. Còn các cơ quan quản lý dường như đang lùi bước trước mong muốn sống theo đức tin của người dân” – nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định.

Phản hồi về chữ “đức tin” của ông Ân, nhà phê bình La Khắc Hòa nói: “Tôi đồ rằng người dân ở đây là những người Việt chuyển từ chiến trường sang thương trường. Chuyển từ ngôn ngữ nhà binh sang ngôn ngữ thương trường. Thời chiến tranh chúng ta không thế”. Bởi vậy, “đức tin” ở đây không thiêng liêng như nghĩa gốc của từ mà trở thành đức tin dành cho tiền.

Trả lại nghĩa cho tâm linh

“Phần lớn mọi người hiểu tâm linh theo nghĩa tôn giáo và đang dùng chữ tâm linh với nghĩa đó. Thực ra, tôn giáo chỉ là một phần rất nhỏ của tâm linh” – nhà phê bình Chu Văn Sơn nói.

Theo ông Sơn, “Tâm linh là gì?”, đó vẫn là một câu hỏi chưa thể gạt bỏ, càng không nên hiểu đơn giản mà thiếu sót như hiện nay. “Trong tiếng Trung Quốc, tâm linh được hiểu tương đồng với tâm hồn, còn trong ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, tâm linh có ý nghĩa gì? Đó là điều chúng ta vẫn phải tìm kiếm và lý giải”.

“Chẳng hạn, trong nghệ thuật, khi nghệ thuật linh thiêng hóa cái đẹp thì đó chính là tâm linh. Trống đồng là một biểu hiện của tâm linh: vừa đẹp vừa thiêng và tập trung những nét văn hóa mà cộng đồng cho là lớn”.

Mở rộng thêm ý nghĩa cho tâm linh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên góp ý: “Tâm linh bao gồm cả tín ngưỡng và niềm tin, lòng ngưỡng mộ những huyền thoại đã được cộng đồng tôn thờ”.

“Chẳng hạn, khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, ông đã gây tranh cãi vì cách viết khác biệt về những nhân vật đã được dân gian đánh giá từ trước, như hai vị vua Quang Trung và Gia Long. Đó cũng là một ví dụ của việc nhà văn động đến tâm linh cộng đồng”.

“Dung tục hóa” và “chính trị hóa” tâm linh đều không hay

Theo nhà phê bình Văn Giá, hiện nay có hai xu hướng về tâm linh đáng ngại. Đó là “dung tục hóa cái thiêng liêng” trong đời sống hàng ngày và “chính trị hóa cái thiêng liêng” trong đời sống quan chức. Cả hai đều gây hại không chỉ cho tâm linh mà còn cho cộng đồng.

Bởi vậy, cứu vãn cái thiêng liêng bằng các tác phẩm nghệ thuật chính là nhiệm vụ tối quan trọng của người sáng tạo.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm