Ly kỳ chuyện Marlon Brando từ chối giải Oscar

01/03/2014 07:55 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Hầu như bất kỳ diễn viên nào trên thế giới đều khao khát một lần được sở hữu Tượng vàng Oscar. Nhưng Marlon Brando lại không thế. Ông gây sốc khi thẳng thừng từ chối giải Oscar 1973 để phát đi thông điệp bênh vực thổ dân Mỹ.

Nhân lễ trao giải Oscar sắp diễn ra, tờ Business Insider đã lật lại hồ sơ vụ từ chối giải thưởng ly kỳ trong lịch sử Oscar của một trong những diễn viên danh tiếng nhất mọi thời.

Thành công cứu rỗi sự nghiệp

Thập niên 1960, sự nghiệp của Brando, một trong những tài tử hàng đầu Hollywood, đang dần trượt dốc. Liên tiếp 2 phim của ông là One-Eyed JacksMutiny On The Bounty đều thất bại tại phòng vé.

Giới phê bình cho rằng Mutiny On The Bounty đã đánh dấu sự kết thúc của thời hoàng kim Hollywood. Tệ hơn, Brando còn bị đồn đại là cư xử tệ hại trên trường quay nên ít ai muốn làm việc chung với ông. Sự nghiệp của nam diễn viên cần một cú hích hơn bao giờ hết. The Godfather (Bố già) xuất hiện đúng lúc.

Phần đầu tiên của loạt phim The Godfather ra năm 1972, đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp của Brando. "Bố già" Vito Corleone là kẻ thống trị giới mafia và chủ của một gia đình mafia ở New York vào thập niên 1940.

Dù bộ phim chủ yếu kể về câu chuyện của Michael (con trai của Corleone, về sau cũng trở thành “Bố già”, do Al Pacino đóng), nhưng vai của Brando vẫn là xương sống của phim. Một người đàn ông tầm cỡ, một kẻ tội phạm khét tiếng, đồng thời là một người chồng, người cha biết cách bảo vệ gia đình của mình. Sự ấm áp và chất nhân văn ở nhân vật khiến vai diễn của Brando trở nên khó quên.

The Godfather thu được gần 135 triệu USD phòng vé, số tiền rất lớn ở thời điểm đó, và trở thành một trong những phim có doanh thu cao nhất mọi thời. Brando được đề cử giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Oscar năm đó, cùng những tên tuổi lớn khác của màn bạc như Michael Caine, Laurence Olivier, và Peter O'Toole. Và cuối cùng "Bố già" Brando đã thắng. Nhưng đến lúc trao giải, chuyện hay mới bắt đầu.

Tấn kịch trong lễ trao giải

Đêm Oscar lần thứ 45 (5/3/1973), Brando đã cho nổ một "quả bom" truyền thông khi ủy quyền nữ diễn viên Sacheen Littlefeather đến công bố việc ông tẩy chay lễ trao giải. Littlefeather lúc đó là một diễn viên ít tên tuổi, một nhà hoạt động xã hội vì người Anh-điêng

Đêm đó, khi cặp diễn viên Liv Ullman và Roger Moore đọc xong tên người chiến thắng tại hạng mục Nam diễn viên xuất sắc, cả hai đã không thể nở nụ cười chúc mừng như thường lệ. Họ nhìn chằm chằm vào người phụ nữ mặc bộ đồ thổ dân da đỏ Apache, tóc đen dài buông xuống hai vai, xăm xăm bước lên các bậc thang để lên sân khấu. Đó chính là Littlefeather.

Khi Moore, một tài tử được kính trọng tại Hollywood, bước đến trao tượng vàng Oscar cho Littlefeather, cô đã giơ tay từ chối và lấy ra một bài phát biểu chuẩn bị trước. Nữ diễn viên cao giọng: "Tôi thay mặt Marlon Brando tối nay, người muốn tôi nói với các bạn rằng ông rất tiếc khi không thể nhận giải thưởng hào phóng này. Nguyên nhân do cách đối xử của ngành công nghiệp điện ảnh ngày nay đối với các diễn viên người Mỹ bản địa".

Đến đó, đám đông khán giả rộ lên la ó. Littlefeather nhìn xuống và nói: "Xin thứ lỗi". Một bộ phận khán giả khác lại vỗ tay và khích lệ cô. Nữ diễn viên nói thêm vài câu, giải thích sự có mặt của cô không phải là một cuộc đột nhập và hứa hẹn sẽ gặp lại khán giả.

Vì sao lại khước từ

Theo học giả về thổ dân Mỹ Dina Gilio-Whitaker, năm 1973, người Mỹ bản địa "hầu như không có vị trí gì trong ngành công nghiệp điện ảnh và chỉ được giao toàn vai phụ". "Kể cả vai chính người Mỹ bản địa trong phim cũng được giao cho các diễn viên da trắng đóng" - Dina nói.

Không chỉ bị gạt ra bên lề ngành công nghiệp điện ảnh, trên thực tế người Mỹ bản địa còn bị coi thường. Brando nhận thức được điều này. Ngay 1 ngày sau lễ trao giải Oscar, tờ New York Times đã đăng đầy đủ bài phát biểu của Brando mà Littlefeather không thể đọc do thiếu thời gian. Trong đó, tài tử bày tỏ sự ủng hộ với phong trào đấu tranh vì người Mỹ bản địa.

Ông viết: "Cộng đồng điện ảnh phải chịu trách nhiệm vì việc hạ thấp người Mỹ bản địa và bóp méo hình ảnh tính cách của họ, mô tả họ như những người hoang dã, thù địch và quỷ quyệt. Họ đã làm khó cho những đứa trẻ bản địa. Thấy chủng tộc của mình bị mô tả như vậy đã để lại cho chúng những tổn thương rất lớn mà không ai hay biết".

Sau lễ trao giải, cả Brando và Littlefeather đều vấp phải những chỉ trích từ giới điện ảnh và truyền thông. Nhưng điều quan trọng là đêm trao giải Oscar có 85 triệu người theo dõi qua truyền hình và thông điệp chống phân biệt chủng tộc của Brando đã được truyền đến đông đảo công chúng.

Lần khước từ Oscar gây tranh cãi này của Brando (lần thứ 2, trước đó là tài tử George C. Scott tại Oscar 43 và đến nay chưa có ai lặp lại) vẫn là một trong những khoảnh khắc không thể nào quên trong lịch sử Oscar.

Hạ Huyền (theo Business Insider)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm