Lê Hiền Minh và sự trỗi dậy của ký ức

13/11/2012 12:01 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Lê Hiền Minh, người con gái duy nhất của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã làm được sự kiện gây ngỡ ngàng và xúc động cho những người yêu mỹ thuật Thủ đô. Công chúng có thể thấy phần tinh thần được hòa điệu trong những xúc cảm máu thịt mà tác giả triển lãm sắp đặt Bố Hạo tạo ra từ chiều 10/11, kéo dài đến hết 14/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

1. Một triển lãm được bắt đầu bằng nỗi nhớ. Chiều bảo tàng cuối Thu diết da giọng Khánh Ly hát nhạc Trịnh, niềm đam mê của nhân vật chính - cha tác giả. Những lời hát buồn chuẩn bị cho tâm trạng dẫn người xem vào vùng ký ức mà Hiền Minh muốn tái hiện về người cha của mình như thể ông đang hiện diện. Tại sân, chõ xôi nóng được đồ tại chỗ. Nước mía quay tay tại chỗ. Xôi trắng ăn kèm trứng kho thịt ba chỉ, mít, chuối ngự, xoài - những thức ăn, đồ uống mà nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo (1945 - 2002) sinh thời rất ưa thích.

Người ta thường tưởng nhớ người đã khuất vào dịp giỗ. Triển lãm không nhằm vào dịp giỗ ông (25/4 Âm lịch), mà vào mùa cả gia đình ông yêu nhất, luôn muốn trở về dịp này. Hà Nội - nơi trưởng nữ của nhà văn Kim Lân nhận lời kết hôn với con thứ 6 của nhà sử học Lê Tư Lành (Đại biểu Quốc hội khóa I). Hà Nội là nơi HS đã sinh con gái đầu lòng và duy nhất tại Bệnh viện C ngày 3/9/1979. Bức tường treo 18 khung ảnh Hiền Minh chụp các kỷ vật của cha mà chị gìn giữ. Áo sơ mi sờn mác, cravate, các cuốn sổ ghi chép, sổ điện thoại, sổ thuốc và xem quẻ, chùm chìa khóa nặng trĩu, kính lúp, ví, những cuốn sách, những chồng tài liệu.

Lê Hiền Minh hồi nhỏ và bố

Tôi rất ấn tượng về bức ảnh Hiền Minh còn bé xíu, má phính, trùm khăn như búp bê đang ngồi trên dóng xe được bố đưa đi chơi do mẹ chụp tại Giảng  Võ. Dường như người cha vẫn đang chở cô bé con Hiền Minh về quá khứ chứa đựng những đủ đầy, ấm áp, che chở. Trên hai bàn gỗ ở phòng ngoài, trưng bày 500 cuốn sách Còn lại/ Rời rạc bìa cứng in offset. Bước vào căn phòng chính, 1.000 cuốn từ điển được Hiền Minh bồi bằng giấy bản trông y hệt sách thật, nhưng lại rỗng đã được chị bày và chuẩn bị trong 3 ngày cùng 2 đồng nghiệp trợ giúp: Lý Trần Quỳnh Giang và Nguyễn Thúy Hằng.

Lời tâm sự của tác giả trong khung trên tường cũng là trang thư giấy bản niêm giấy son mà mọi người có thể lấy tự do như chạm vào được sự nguyên sơ, dung dị, thuần khiết. Khó tìm xót xa khi đọc lời Hiền Minh: “Tôi phải đối mặt cảm xúc lẫn lộn mà tôi đã tránh trong bao năm. Những cảm xúc đầy thách thức này trở về mạnh mẽ khi tôi xem lại ảnh kỷ niệm, sổ tay, thư viết và nhiều vật dụng khác của bố. Thật khó khi phải lục lọi kỹ để nhớ lại kỷ niệm mà tôi đã không muốn nhớ đến trong nhiều năm để thật kinh khủng khi nhận ra, bây giờ mình không còn nhớ gì mấy. Và dù 10 năm trôi qua, tôi vẫn không thể xem ảnh đám tang của bố. Tôi thấy sợ, dù chỉ chạm tay vào những bức ảnh này”.

Không muốn nhớ vì quá nhớ. Bởi nỗi đau mất cha lúc tuổi 23 chưa nguôi lành. Sự thiếu hụt khi không còn bố mẹ trên đời, qua triển lãm của Hiền Minh, khiến ta cảm nhận và tự thấy mình có lỗi khi vẫn chưa biết quý giá mỗi ngày có mẹ cha. Đâu phải chờ đến lúc cái chết chia lìa ta mới nhận ra, sợ hãi, hoảng hốt, tiếc nối, hãy biết quý giá sự đủ đầy ấy, từ bây giờ từ lúc đang sống với bậc sinh thành. 

2. Năm 1984, gia đình Hiền Minh chuyển vào TP.HCM. Cha đưa đi học, đón về, kiểm tra bài vở, sổ liên lạc, họp phụ huynh, chở con đi ăn hủ tiếu, uống nước mía. Mồ hôi tay nhiều nên cha hay mang khăn mùi soa, cha thích rửa nhiều tấm ảnh để tặng những người có mặt trong ảnh và giữ lại làm tư liệu, nhờ thế mà hiện nay mẹ con Hiền Minh còn nhiều ảnh. Thời đại tin học hóa người ta tiêu diệt dần những thói quen vì ỷ vào máy tính, cảm giác cầm tấm ảnh và cất giữ khác hẳn xem trên máy.

Bố nhắc con gái hãy mang theo son để lúc nào cũng xinh, yêu chiều con gái mà cũng rất nghiêm khắc, bố ưa ăn nước mắm, quanh năm ngạt mũi và hay “tằng hắng” thông họng, đôi khi để… dọa con, bố thông thạo đọc - viết Hán Nôm, tiếng Pháp, Anh tất cả những gì về bố không phải là “Còn lại / Rời rạc” mà nhiều sự cắt lát, chồng khít, tiếp nối, dứt đoạn trong tác giả. Những kỷ vật và cống hiến của ông còn trong trí nhớ nhiều đồng nghiệp.

Năm 2001, Hiền Minh lên đường du học thiết kế và đạo diễn hình ảnh tại Học viện Mỹ thuật Cincinati (bang Ohio, Hoa Kỳ). Bố Hạo tiễn, hai cha con bùi ngùi, ngờ đâu là lần gặp cuối. Loài cúc vạn thọ mà cha thích là loài hoa hay cắm bàn thờ, màu vàng chia ly chẳng lẽ là nỗi buồn dự báo? Hiền Minh đã triển lãm tại Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam. Tốt nghiệp đại học loại ưu năm 2004 tại Mỹ; cưới chồng Mỹ năm 2006, triển lãm đầu tiên Không đề năm 2007 tại Hà Nội. Những dấu mốc quan trọng trong đời mình không có bố Hạo, thật thiệt thòi. Giờ thì họ đang gặp nhau ở sự tương cảm sâu sắc qua sự im lặng của xiết bao thương nhớ.

Lẽ thường cha và con gái hay gần gũi nhau. Có nhiều người yêu con, hay yêu cha mẹ, chỉ bởi bản năng, bổn phận. Không phải ai cũng có thể yêu trong sự hãnh hiện về người ruột thịt, song qua những gì Hiền Minh viết và làm cho cha thì sự hãnh diện đến từ 3 phía: với chị, với cha và với những ai yêu mến gia đình họ. Không dễ thấy những người con biến tình yêu cha thành hành động, tác phẩm...

Vi Vi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm