Kịch nói Việt Nam trước “Km 0”

09/12/2010 15:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chén thuốc độc đánh dấu sự ra đời của kịch nói Việt Nam năm 1921, song thực tế, trước thời điểm được coi là “Km 0” đó hơn 1 năm, kịch nói Pháp đã “du nhập” vào VN, chạm vào “tính sĩ diện dân tộc” của người Việt... Đó là những thông tin từ cuộc tọa đàm về Sự du nhập, hình thành kịch nói ở Việt Nam vừa diễn ra hôm 7/12 tại Hà Nội.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, người đầu tiên mang kịch nói về Việt Nam là học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Những sự khởi đầu trước năm 1921


Nhà viết kịch Vũ Đình Long

Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh sang Pháp (để tổ chức gian hàng Bắc Kỳ tại Hội chợ thuộc địa ở Marseille) và được thưởng thức kịch nói Pháp. Ông đã rất thích thú: Tại sao lại có một hình thức kịch như thế này, ta đã có nhiều thể loại sân khấu truyền thống rồi, tại sao không lấy những cái hay này về mà dùng, mà xem tiếp.

Ngay hôm sau, ông viết thư cho Phạm Duy Tốn nói về cảm giác của ông khi rời khỏi nhà hát opera: Tôi choáng váng vì có một loại hình sân khấu hay như thế. Nguyễn Văn Vĩnh cũng nhận thức được các loại hình sân khấu của Việt Nam đều ở dạng kịch hát, kịch bản gần như chỉ ở dạng đề cương chi tiết, muốn dựng một vở kịch trên sân khấu, toàn bộ công nghệ sân khấu phải bắt đầu từ kịch bản văn học.

Về Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh bắt tay ngay vào việc phải dịch những tác phẩm kịch sân khấu kinh điển của Pháp sang tiếng Việt Nam, cho đăng chùm hài kịch của Moliere: Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng, Lão hà tiện... liền nhiều kỳ trên Đông Dương Tạp chí của mình.

Vở kịch nói đầu tiên ở Việt Nam là vở Người bệnh tưởng của Moliere diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 25/4/1920. Đây là một hoạt động của Hội Khai trí Tiến Đức do một cặp vợ chồng người Pháp dàn dựng, diễn viên là người Việt, diễn bằng tiếng Việt do Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Vở diễn này gây kinh ngạc cho khắp giới Tây học ở Hà Nội. Sau đó Hội Khai trí Tiến Đức tiếp tục dựng vở Trưởng giả học làm sang tạo nên một làn sóng sùng bái văn hóa Pháp ở phương diện kịch nghệ, nhất là đối với công chúng trẻ tuổi. Công chúng Hải Phòng và các thành phố khác cũng nhanh chóng yêu thích kịch nói. Những người làm sân khấu Việt buộc phải suy tư là tại sao có một sân khấu kỳ lạ như vậy mà mình không làm.

Với “tính sĩ diện dân tộc”, người Việt Nam muốn có sân khấu của mình, viết bằng tiếng Việt, do người Việt viết, do người Việt dựng, do người Việt diễn và cho người Việt xem. Nhiều vở diễn của người Việt được dàn dựng, như Ai giết người của Tô Giàng (diễn tháng 4/1920), Già kén kẹn hom của Phạm Ngọc Khôi (7/1920), Mảnh gương đời của Trần Tuấn Khải (5/5/ 1921), Chén thuốc độc của Vũ Đình Long (22/10/1921).

Chén thuốc độc vẫn là vở kịch nói đầu tiên

Tuy đã có một số vở kịch được diễn trước đó, song Chén thuốc độc của Vũ Đình Long được xem là vở diễn đầu tiên của kịch nói Việt Nam, bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam có một vở kịch viết đúng chuẩn mực kịch phương Tây, diễn tả, theo sát hình thái, cảnh tình các vấn đề xã hội đương thời, chứ không đi theo lối ước lệ của tuồng chèo. Vì thế, ngày công diễn vở kịch, 22/10/ 1921 vẫn được xem là ngày khai sinh ra sân khấu kịch nói Việt Nam.

Sau đó, một loạt sáng tác kịch khác được hình thành. Nhưng kịch nói vấp một khâu quan trọng, chính là khâu đạo diễn. Đạo diễn ở nước ngoài được đào tạo trường lớp chính quy trong khi tất cả những người mong muốn có một nền kịch Việt Nam đều tự học. Người tự học về nghề đạo diễn kịch đầu tiên, kéo tinh thần tài tử này trong suốt nửa đầu thế kỷ 20 là Thế Lữ. Thế Lữ chỉ dám tự gọi mình là nhà dàn cảnh, không dám nhận là đạo diễn. Cho đến năm 1945, mới có thế hệ đạo diễn đầu tiên được đào tạo bài bản tại Trung Quốc là Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Trần Hoạt, Ngô Linh. Diễn viên đóng các vở kịch hồi ấy cũng không phải là những diễn viên chuyên nghiệp, thường mượn của sân khấu tuồng, chèo. Trăn trở với kịch nói, Thế Lữ, người anh cả của sân khấu hiện đại, đã mạnh dạn tập hợp những văn nghệ sĩ có tiếng và có học thức như Song Kim, Khánh Vân, Vũ Đình Hòe, Võ Lan Tâm... để làm kịch. Sự nghiệp dư, tài tử của sân khấu kịch diễn ra trong một thời gian dài, cho tới khi Thế Lữ cùng với Phạm Văn Đôn, Trịnh Như Lương, Trần Đình Thọ lập Ban kịch Thế Lữ. Ban kịch Thế Lữ với sự tham gia, cộng tác của nhiều nghệ sĩ có tiếng, thi sĩ, người có học thức khiến cho tình hình sân khấu kịch Việt Nam sáng sủa, dần đi vào chuyên nghiệp. Từ năm 1942, Ban kịch Thế Lữ đã biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn, với thù lao, chế độ, tổ chức ổn định. Sân khấu kịch được chuyên nghiệp từ đó.

Thu Hiền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm