Khi Lê Hoàng hồi… teen

21/09/2014 08:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Không thể tưởng tượng được, một ngày đẹp trời, bỗng dưng đạo diễn Lê Hoàng chuyển qua viết truyện cho đám trẻ mới lớn. Sự lắm chiêu, dí dỏm, sâu cay và muôn phần đanh đá đậm chất Lê Hoàng ở đâu đằng sau những trang sách sực nức vị học trò?

Sao thầy không mãi teen teen, tác phẩm “vừa ra lò” của đạo diễn Lê Hoàng in lần đầu 10.000 bản, do Phương Nam Book và NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM vừa mới phát hành.

Không thông minh thì đừng đọc…

Thay vì những lời “giáo huấn” chua chát, bóc trần giả trá không chút khoan nhượng trong những bài viết ký tên Lê Thị Liên Hoan; thay cho những gật gù (tỏ ra) đầy thông cảm không quên pha chút bình phẩm hài hước sâu cay cho nhiệm vụ dẫn chương trình talk show Chuyện đêm muộn toàn chuyện tâm tư đàn bà phát trên VTV3 hàng tuần; hoặc thay vì những bộ phim giàu tính nghệ thuật Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý và cũng nhiều khi là phim thị trường, phản ánh điểm nóng xã hội ít ai muốn chạm tới như Gái nhảy (bộ phim có doanh thu khủng)… Giờ đây, vào những ngày cuối tháng 9/2014, chúng ta gặp Lê Hoàng trong một “siêu phẩm dành cho teen” (chữ ghi trên bìa sách) với lời đề tựa rất dễ động chạm tự ái độc giả, đề cao cái “tôi” như các bạn tuổi teen: “Ai không thông minh đừng đọc sách này”.

Lê Hoàng, tác giả Sao thầy không mãi teen teen

Bạn có thể nói, ừ đấy, tôi không thông minh nên tôi chối từ đọc, bởi đã không thể hiểu, tại sao cái ông Lê Hoàng ấy, với cái đầu “đầy sỏi” như thế, nếu viết truyện, lẽ ra có thể viết cái gì đó hay ho hơn là những câu chuyện hồn nhiên con nít với yêu đương luyến ái của một cô học trò với thầy giáo trẻ đẹp trai, để trả lời cho những câu hỏi: Tại sao có thể mặc bikini đi hẹn con trai? Tại sao không học bài vẫn được điểm 10 môn Sử? Tại sao phải mặc áo bơi in hình con vịt? Tại sao mặc váy ngắn xoè?... với đủ tranh ảnh sặc sỡ sắc màu minh hoạ…

Bởi chúng ta đang thiếu những niềm vui

Thì, đừng dùng sự phán xét một chiều, dùng mình soi người, bởi như thế này nên cần là thế kia… cũng đừng vội chê bai. Cũng giống trường hợp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - “ông vua truyện ngắn” - chuyển sang viết tiểu thuyết dạng “ba xu”: Gạ tình lấy điểm, Tiểu long nữ… tạo ra nhiều dư luận trái chiều xôn xao văn đàn báo chí một thuở (nhưng rốt cuộc cũng lại ngưng bặt), bởi người viết khi đã sáng tạo ra đứa con tinh thần, dù thông tuệ sáng láng hay dấm dớ kiệt quệ thì cũng đều có lý do chính đáng với bản thân họ.

Còn Lê Hoàng, hẳn nhiên đọc được ngay suy nghĩ trong đầu bất kể ai đang còn thiếu sự hồn nhiên thơ trẻ, nên đủng đỉnh trả lời, ngay trong tay gấp sách bìa một: “Tôi viết cuốn sách này đơn giản vì tôi thấy không ai viết như vậy cả”.

Cầm cuốn truyện Sao thầy không mãi teen teen, hãy khoan những nhận xét đang chực chờ trong não, bạn hãy lật từng trang và đọc.Vui vẻ, hài hước, thú vị, thư giãn…, đó là những thứ chúng ta đang thiếu thốn.


Đã quá nhiều những con chữ oằn mình mệt nhọc bởi những tinh thần nhọc mệt, cũng lắm non nớt trên câu chữ vô nghĩa muốn khêu gợi khoái lạc nhục dục đẫm lệ bi thương của thể loại ngôn tình đang đầu độc những tâm hồn nhỏ dại, thế nên, cần hoan nghênh lắm một người từng trải, “lão thành” nghệ thuật dám ngồi gò lưng viết từng con chữ cho tuổi mới lớn đọc.

“Cứ xem chú Nguyễn Nhật Ánh kìa. Nghe nói sách bán chạy khắp vùng trời bình yên, nhưng giàu có gì đâu. Trừ khi chú ấy mua vàng chôn trong gốc cây mà ta không biết, chứ chưa thấy chú đi xe hơi hay ở lâu đài. Đa số thời gian chú ngồi trong quán Đo Đo buồn bã, cười hiền hiền.

Minh Hằng một năm thu nhập mấy tỷ đồng không hề viết văn. Thủy Tiên đi xe Audi, Noo Phước Thịnh cũng ngồi Audi mà chả viết chữ nào. Viết văn cong lưng, mờ mắt, rồi sau đó sách bán tận ngoài vỉa hè chứ ngon lành gì”. (tr 15).

Giọng ngọt ngào, xách mé nghề văn như thế, là của nhân vật nữ chính 17 tuổi tự nhận mình là “nữ hoàng”, là “tuyệt xinh” có tên Ly Cún, hay của đạo diễn Lê Hoàng?

Không rõ 10.000 cuốn (dù ban đầu chỉ “viết để chơi, để ném lên Fây cho bọn trai lác mắt”) có bán hết ngay sau khi phát hành bởi chạm được vào tâm hồn còn vương vấn nguyên sơ các cô cậu “teen” không, chứ tôi nghĩ, Lê Hoàng, qua cuốn sách này, có thể lắm, làm nên một cú hích chí ít về nhuận bút cho bản in lần đầu, để cho các nhà văn nổi tiếng văn hay chữ tốt mà chẳng sống nổi bằng nghề, chịu chuyển qua viết văn cho đám học trò.

Nguyễn Quỳnh Trang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm