Khi đời không như phim

02/04/2014 13:31 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Jane Fonda và Roger Vadim, mỗi người đều là nhân vật chính trong bộ phim về cuộc đời của mình. Trong khi Fonda là quý bà đa tình chiếm lĩnh trái tim của nhiều đàn ông, thì Vadim cũng là quý ông đào hoa nổi tiếng.

Chuyện Fonda "đổ gục" dưới chân Vadim dường như là diễn biến tất yếu, bởi ông được ca ngợi là người hiểu sâu sắc phụ nữ. Có lẽ vì thế mà không ít mỹ nhân đã tìm đến bên ông.

Vị đạo diễn đào hoa

Cụ thể vào năm 1950, ông gặp và yêu Brigitte Bardot năm nàng mới 15 tuổi, kết hôn khi nàng 18 tuổi. Vadim viết ra kịch bản phim ...Và Chúa đã tạo ra đàn bà (...And God Created Woman) để biến Bardot thành siêu sao hạng nhất.

Từng có lời đồn Vadim gửi ảnh bán khỏa thân của Bardot cho rất nhiều nhà làm phim ở Pháp và giúp vợ có được 9 vai diễn chỉ trong vòng vỏn vẹn 1 năm trời.

Còn với Fonda? Trên trường quay Circle Of Love, Vadim hướng nàng đến hình tượng quyến rũ nhất. Khi chỉ đạo bạn diễn của Fonda là Maurice Ronet, ôm và hôn nàng đầy khao khát, Vadim nhận thấy Fonda chưa từng đẹp và ngọt ngào đến thế.

Vị đạo diễn nhìn Fonda và hình dung ra hàng loạt dự án phim mà ông sẽ làm riêng cho nàng. Kết quả hợp tác mỹ mãn giữa họ là phim khoa học viễn tưởng Barbarella, tác phẩm chính thức đưa Fonda trở thành biểu tượng tình dục.

Trong cuộc hôn nhân với Bardot, Vadim đã từng ngoại tình với người mẫu trẻ Annette Stroyberg và bỏ minh tinh để lấy cô gái này. Sau đó, Stroyberg lại ngoại tình và bỏ Vadim. Năm 1960, Vadim có người yêu mới, Catherine Deneuve 17 tuổi, cũng là một mỹ nhân được ông biến thành minh tinh.


Với Fonda, Vadim vẫn là một trong những tình yêu lớn nhất đời bà

Bộ ba Bardot - Deneuve - Fonda được Vadim tự hào gọi là “3 người phụ nữ đẹp nhất thế giới” (đó cũng là một phần tiêu đề tự truyện năm 1986 của ông). Nhưng Vadim không thể cưới Deneuve vì bị vợ cũ Stroyberg dọa đòi lại quyền nuôi con. Thế nên thay vì cưới Deneuve, ông phải lòng Fonda.

Ông từng vẽ bức chân dung 3 người đàn bà Bardot, Deneuve và Fonda, trong đó khuôn mặt Fonda choán phần lớn diện tích bức vẽ. “Jane là tình yêu lớn trong đời cha tôi” - cô con gái Nathalie của Vadim từng nói.

Sau thăng hoa là tan vỡ

Rất tiếc tình yêu lớn ấy đã không thể khỏa lấp những khác biệt giữa Fonda và Vadim.

Sau khi ngọn lửa yêu đương bùng cháy ở Pháp, năm 1963 Fonda thuê một căn hộ sang trọng nằm tại một tòa nhà thế kỷ 16 ở khu Le Marais của Paris để sống cùng Vadim.

Ban đầu, họ dành phần lớn thời gian cho nhau nhưng về sau, Vadim muốn đến bar trò chuyện cùng bè bạn suốt đêm, trong khi Fonda chỉ thích ở nhà đi ngủ sớm.

Bà cố chấp nhận lối sống của ông, thứ trong mắt bà là “lộn xộn và lãnh đạm”. Ông thậm chí “để hàng chồng bát đĩa bẩn trong bồn rửa nhiều tuần liền”. Còn trong mắt Vadim thì Fonda "không thể thư giãn, luôn kiếm việc để làm, công việc, các cuộc họp, điện thoại". "Các bức tường giữa chúng tôi bắt đầu cao lên. Rồi thành một pháo đài” - ông nói.


Jane Fonda tới Hà Nội để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam

Vadim dường như không bao giờ thực sự trưởng thành. Ông yêu rồi lại yêu. Đầy sức hút nhưng thật khó giữ chân. Vấn đề là Fonda cũng thế.

Sau 3 năm sống trong hôn nhân, Vadim thuyết phục vợ đi đến “một sắp xếp” là họ sẽ mở rộng mối quan hệ để có thêm tự do. Cụ thể là ông muốn mời một vài phụ nữ quyến rũ về nhà, để họ tham gia cuộc sống trên giường cùng ông và Fonda.

Fonda chấp nhận nhưng bà ghét điều này và chưa bao giờ tận hưởng khoái cảm của quan hệ tay ba. Bực chồng, bà xoay xở để có những vụ dan díu bên ngoài và để ông phải trông thấy cảnh bà tán tỉnh những chàng đẹp trai.

Sự khác biệt giữa 2 người không chỉ dừng lại ở cuộc sống riêng tư mà còn mở rộng ra nhiều vấn đề khác như chính trị. Trong một kỳ nghỉ ở Pháp, Fonda xem một chương trình truyền hình Mỹ về chiến tranh Việt Nam và bắt đầu để ý đến chuyện này.

Bà đọc thêm sách về cuộc chiến và kinh ngạc khi biết quân đội Mỹ đã tàn phá nhiều làng mạc ở Việt Nam như thế nào. Bà quyết định phải làm gì đó. Còn phản ứng của Vadim? “Chuyện này xảy ra hàng năm trời rồi. Em quan tâm làm gì chứ?” - ông nói.

Những điểm khác biệt ấy dần đẩy họ ra xa nhau hơn, trước khi ly hôn năm 1973.

4 mỹ nhân trên xe cứu thương

Nhiều bạn bè của Vadim từng gợi ý ông làm một bộ phim quy tụ những người phụ nữ đẹp của đời mình.

Cho đến khi vị đạo diễn qua đời vào năm 2000, cảnh các mỹ nhân hội ngộ chưa từng xuất hiện trên phim, nhưng đã xảy ra ngoài đời. Đó là chuyện đầy hy hữu trên phim trường Circle Of Love (Fonda đóng vai chính) năm 1964.

Lần đó Vadim gặp tai nạn khi đang chỉ đạo diễn xuất, bị ngã từ một cửa sổ xuống sàn trường quay và gãy vai. Người tình Fonda lập tức chạy từ phòng thay đồ ra để chăm sóc ông. Vợ cũ Annette Stroyberg vừa ghé qua thăm Vadim, lao tới quỳ bên ông. Người tình cũ Catherine Deneuve đang tập kịch ở một sân khấu gần đó cũng vội vã đến trường quay.

Khi xe cấp cứu chở Vadim và 3 mỹ nhân vừa ra cổng, một chiếc xe hơi khác ập đến kịp lúc. Từ chiếc xe này, người vợ đầu Brigitte Bardot lao xuống nhập hội cùng Stroyberg, Fonda, Deneuve trên xe cấp cứu, bên cạnh người đàn ông mà họ cùng yêu.

Tả lại giây phút đó, khi nhìn 4 gương mặt đẹp thân thuộc đang cúi xuống bên mình đầy lo lắng, Vadim viết: “Tôi có thể tận hưởng khoảnh khắc ấy một cách trọn vẹn nhất”.


Dù hôn nhân tan vỡ, Fonda và Vadim vẫn là bạn, giữ liên hệ thông qua sợi dây gắn kết là cô con gái chung Vanessa. Fonda vẫn thỉnh thoảng ăn tối với chồng cũ, cho ông vay tiền khi ông túng quẫn.

Chỉ sau này, khi Fonda kết hôn với người chồng thứ ba là tỷ phú Ted Turner, họ mới mất liên lạc trong 10 năm. Vadim qua đời năm 2000. Ngày đó, Fonda và con gái Vanessa đến dự lễ tang bên cạnh vợ con mới của ông. 2 người vợ khác là Bardot và Stroyberg cũng góp mặt để đưa tiễn lần cuối người đàn ông từng rất quan trọng với họ.

MiLy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm