Hé mở tâm hồn người khơi cảm hứng bài thơ 'Hai sắc hoa ti-gôn'

19/09/2012 07:07 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH Online) - Sáng ngày 17/09, tại trụ sở Hội nhà Văn Việt Nam, số 9 - Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội, đã diễn ra Lễ tưởng niệm 100 năm sinh nhà văn Thanh Châu. Với truyện ngắn Hoa ti-gôn, nhà văn Thanh Châu đã gợi nguồn cảm hứng cho sự ra đời của bài thơ tình nổi tiếng Hai sắc hoa ti-gôn, với tác giả T.T.Kh đến nay vẫn là ẩn số.

Nhà văn Thanh Châu

Trước Lễ tưởng niệm, khán phòng tầng hai đã đông chật người, chủ yếu là những mái tóc điểm hoa râm, hoặc bạc trắng. Bởi nhà văn Thanh Châu, dù các tác phẩm sáng tác chưa dày dặn, nhưng là cái tên không thể thiếu trong trào lưu lãng mạn thời 1930 - 1945, tuy nhiên, sau năm 1945, ông sáng tác thưa thớt và “lui về ở ẩn”, tin tức về ông ít xuất hiện trên báo chí, sách cũng không tái bản hoặc xuất bản. Nên thế hệ trẻ sau này, gần như “chưa từng nghe tới nhà văn Thanh Châu".

Nhà văn Thanh Châu sinh vào năm 1912 tại Diễn Châu, Nghệ An. Theo Giáo sư Phong Lê, năm 1928, ông khởi sự nghiệp văn chương với truyện ngắn đầu tay Ồn quá, đăng trên Ngọ báo (1928). Đến năm 1936, khi tập truyện ngắn Trong bóng tối gồm 13 truyện ngắn từng được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ Bảy được xuất bản, nhà văn Thanh Châu mới chính thức bước chân vào văn đàn, là một cây bút chuyên nghiệp. Từ đây, ông lần lượt xuất bản: Người thầy thuốc (1939), Bóng người ngày xưa (1941), Tà áo lụa (1942), Cùng một ánh trăng (1942), Cái ngõ tối (1944)…

Nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn Thanh Châu chủ yếu là tầng lớp trung lưu sống đời thành thị với những khát khao về tình yêu, công danh nhưng lại khó khăn mưu sinh và trắc trở tình yêu.

Các diễn giả, độc giả tham dự Lễ tưởng niệm chụp ảnh lưu niệm cùng với gia đình nhà văn Thanh Châu

Ấn tượng nhất trong kho truyện lãng mạn tình yêu của nhà văn Thanh Châu, phải kể tới truyện ngắn Hoa ti-gôn: “Những bó hoa ti-gôn với sắc hoa thẫm màu máu, hình trái tim vỡ, rất chóng tàn, sáng nào cũng có trong bình hoa của họa sư Lê Chất để giúp ông lưu giữ một mối tình rất bâng quơ mà khó quên và không thành với một thiếu nữ, sớm trở thành thiếu phụ - vợ một công chức - là Mai Hạnh”. (Giáo sư Phong Lê). Và từ đây nguồn cảm hứng cho bài thơ tình Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.Kh được tạo hình.

Lẵng hoa ti-gôn được gia đình nhạc sĩ Trọng Loan gửi tới Lễ kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn Thanh Châu

Theo lời kể của chị Quỳnh Châu, con gái của nhà văn Thanh Châu, ba của chị là một người giàu tình cảm. Ông yêu quê hương, thiên nhiên, gia đình và bè bạn. Khi về Hà Nội, nhà văn Thanh Châu trồng rất nhiều hoa:

“Một cái ấm nứt, một cái chậu vỡ, một cái bát mẻ, ba tôi đều có thể dùng để trồng lên đó những cái cây xanh tươi hay những cụm hoa rực rỡ. Rồi thi thoảng bác Bùi Hiển mang tới một khóm cúc vàng, bác Kim Lân mang sang một chùm liên đài, bác Trần Lê Văn đi Tây Bắc về mang biếu một giò phong lan. Cứ thế cái "vườn hoa" nhà tôi luôn có những loài hoa mới.

Căn gác nhỏ bên cạnh "vườn hoa" đó là nơi các bạn văn chương của ba tôi hay tới ngồi chơi. Những câu chuyện về cỏ cây hoa lá, về văn chương hội họa mà tôi hay ngồi nấp trong một góc sân để được lắng nghe. Ba tôi có một cái cối xay cà phê nhãn hiệu Pháp từ thời những năm 1879 mà có lần một họ hàng Việt Kiều đùa rằng ông nên bán cho bảo tàng ở Pari. Mỗi lần có một ít cà phê chú tôi gửi từ nông trường Thanh Hoá ra, ông lại tự tay lựa chọn từng hạt, rang, xay để pha tiếp bạn. Bác Bùi Xuân Phái nói rằng cà phê của ba tôi pha còn ngon hơn hiệu. Khi đến chơi, ông thường ngồi dựa vào cái ghế gần cửa sổ nghe bạn nói chuyện và vẽ phác họa chân dung. Một bức chân dung như thế ông vẽ ba tôi là bức tranh quý giá nhất của gia đình tôi bây giờ”.

Ban thờ được Hội nhà văn Việt Nam chuẩn bị rất chu đáo. "Gia đình tôi hết sức cảm động trước sự quan tâm của Hội", chị Quỳnh Châu, con gái nhà văn Thanh Châu chia sẻ.

Theo nhà phê bình Văn Giá, “nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Thanh Châu, thêm một lần nữa, con người và sự nghiệp của ông được nhìn nhận và ghi nhận. Tuy với một vị thế khiêm tốn thôi, nhưng lịch sử văn học Việt Nam hiện đại không thể không ghi tên ông vào trong danh sách của mình”.

Cũng trong Lễ kỷ niệm này, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam quyết định biên soạn và xuất bản cuốn Toàn tập tác phẩm của nhà văn Thanh Châu, gồm hai phần, phần một là các sáng tác của ông, phần hai là các bài viết, nghiên cứu, phê bình về văn chương/ cuộc đời nhà văn Thanh Châu vào dịp cuối năm nay. Cuốn sách do nhà thơ Hữu Thỉnh làm chủ biên, nhà phê bình Văn Giá cùng gia đình nhà văn Thanh Châu biên soạn.

An Vũ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm