Hát bội “se duyên” cùng “Shakespeare”

19/07/2012 07:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuối tuần vừa qua tại Kịch IDECAF, phiên bản đầu tiên của vở Romeo & Juliet Sài Gòn đã được trình diễn với sự kết hợp của kịch nói, múa và kỹ thuật hát bội. Vở diễn này đang tiếp tục hoàn chỉnh và sẽ có nhiều suất diễn kế tiếp trong thời gian tới, nhằm mục đích giao lưu văn hóa và góp phần bảo vệ nghệ thuật hát bội Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thể nghiệm và ý nghĩa của vở diễn đã được nhìn bằng nhiều cách khác nhau, đa phần là trái chiều. Bằng chứng là sau suất diễn đầu tiên, trong phần thảo luận với ê-kíp thực hiện, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ sự kết hợp này, thậm chí cho rằng nó khiên cưỡng, minh họa thô thiển. Những ý kiến chê bai dường như quên rằng mình đang xem kịch thể nghiệm, nên họ luôn muốn nó mẫu mực như kịch kinh điển - điều mà những người thực hiện vở này không muốn hướng tới.


Cảnh trong vở Romeo & Juliet Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Huyền

Diễn viên là trung tâm

Yếu tố thể nghiệm đầu tiên đến từ quan niệm của những người chỉ đạo nghệ thuật (chị Nguyễn Khải Thư và anh Cliff Moustache), họ muốn diễn viên hoàn toàn làm chủ sân khấu, phải xem sự sáng tạo của mình là quan trọng nhất. Romeo & Juliet Sài Gòn chỉ có cái sườn kịch bản, còn mọi tình huống diễn xuất và lời thoại đều do sự tương tác của các diễn viên mà thành. Điều này rõ ràng khác với sân khấu truyền thống, nơi kịch bản được quan niệm như là nòng cốt (chiếm đến 50%), sự đạo diễn chiếm 20% kế tiếp, phần còn lại chia đều cho diễn viên, thiết kế, âm thanh, ánh sáng, sân khấu….

Đạo diễn Cliff Moustache (giám đốc Nhà hát Nordic Black) tâm sự rằng: Chúng ta hay nói về sức sống của một loại hình sân khấu cổ điển nào đó, mà ít khi trực tiếp đề cập đến đời sống của các diễn viên hôm nay - những người giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì ngành nghệ thuật đó. Chính vì vậy, khi làm việc với các diễn viên, tôi luôn nhắc cho họ nhớ mình đang ở thời kỳ nào, hãy chứng tỏ với khán giả hôm nay rằng, kịch cổ điển vẫn có thể diễn theo cách đương đại. Bởi thực tế cho thấy, diễn viên không thể lùi lại vài trăm năm trước để diễn y chang như thời đó.

Tại Việt Nam, hát bội (còn gọi là tuồng hay hát bộ) đã là sân khấu cổ điển, với những quy chuẩn mẫu mực, nên giữ gìn vốn cổ là điều đương nhiên. Thế nhưng, sau hai tuần lễ làm việc chung, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM cho biết rằng họ đã có thêm công cụ và sự tự tin để làm nghề. Cái gì cần bảo tồn thì nên làm đến nơi đến chốn, cái gì cần thay đổi, làm mới hoặc thể nghiệm thì đừng có e dè. “Sân khấu truyền thống vốn trọng bài bản, nên chúng tôi phải nghiêm chỉnh tuân theo bài bản, ấy là điều tốt. Nhưng khi bước sang sân khấu thể nghiệm, nơi diễn viên là trung tâm, chúng tôi lại có dịp học hỏi cách làm mới, ấy lại là điều hay. Lần đầu tiên các nghệ sĩ hát bội chúng tôi được khích lệ rằng bạn là trung tâm, bạn có thể làm nhiều điều cho sân khấu nói chung mà cái cũ, cái sở trường của mình hoàn toàn không bị mai một”, nghệ sĩ Huỳnh Hữu Phước cho biết.

Hãy cho sân khấu cổ điển một cơ hội

Có một điểm tương đồng giữa kịch nói cổ điển Anh quốc và hát bội Việt Nam, đó là thời điểm xuất hiện. Hát bội Việt Nam được hình thành từ thời Tiền Lê (khoảng năm 1005), với nguồn gốc là “kinh điển kịch lệ” của kinh kịch, có nguồn gốc lâu dài tại Trung Quốc. Thế nhưng phát triển rực rỡ, hoàn chỉnh thì phải đến thời của Đào Duy Từ (1572-1634), mà theo sau đó là ba trường phái lớn: hát bội cung đình Huế, hát bội Quảng Nam và hát bội Bình Định. Kịch ở Anh quốc cũng thế, từ thế kỷ 11 đã hình thành, nó kế thừa tinh thần của kịch Hy Lạp và La Mã cổ đại. Thế nhưng phải đến William Shakespeare (1564-1616) - người cùng thời với Đào Duy Từ - thì kịch mới đạt đến độ hoàn chỉnh.

Xem xong vở Romeo & Juliet Sài Gòn, địa điểm mà cái chết dành cho hai nhân vật chính, là cầu Chữ Y (Sài Gòn); còn tang lễ thì theo điệu bộ hát bội, ai cũng mỉm cười. Thế nhưng, trong phần thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng “nhiều Shakespeare mà quá ít hát bội”. Thực chất thì không phải vậy, bởi cả hai chỉ là cái cớ để Nhà hát Nordic Black và Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đến với nhau mà thôi. Họ chọn Romeo & Juliet vì vở này nổi tiếng, ai cũng biết, nếu Việt Nam mà có vở hát bội nổi tiếng tương tự, họ đã chọn rồi. Hơn nữa, khi nói ít hát bội là chúng ta đang nhìn từ con mắt Việt Nam, nếu đổi ngược lại con mắt người Anh, họ cũng sẽ nói quá ít Shakespeare. Những người thực hiện muốn vở kịch thể nghiệm này ai xem cũng được, nên không đi sâu vào tính dị biệt của từng loại hình. Cliff Moustache nói: hãy cho sân khấu cổ điển một cơ hội làm mới, vì họ không diễn Shakespeare và cũng không diễn hát bội. Đây chỉ là nơi gợi nhớ đến những điều mẫu mực, còn sự gìn giữ và bảo tồn là công việc chung của cả nền văn hóa, chứ không thể của một nhà hát đơn lẻ nào đó.

Dự án này do Nhà hát Nordic Black tại Oslo, Na Uy khởi xướng, nhóm NEWS và Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM thực hiện, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội. NEWS từng thực hiện vài dự án kịch thể nghiệm tại Việt Nam như Hành trình qua bản sắc (2007), Hành trình và đích đến (2008) và Thêm một giấc mộng đêm Hè (2009).

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm