Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, người anh trai nhà thơ Lê Anh Xuân đã đi xa…

20/01/2017 18:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Giáo sư nhạc sĩ (GSNS) Ca Lê Thuần được biết đến với tư cách một nhà sư phạm, một nhà lý luận, một nhạc sĩ sáng tác và một nhà hoạt động chính trị - xã hội của nghề nghiệp mình.

Ông sinh ngày 1/4/1938. Quê quán xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sinh ra trong bối cảnh chiến tranh, cả gia đình ông đều tham gia kháng chiến. 

GS Ca Lê Thuần

GSNS Ca Lê Thuần được thừa hưởng truyền thống hiếu học và vốn kiến thức văn hóa thẩm mỹ to lớn từ một gia đình trí thức nghệ thuật, một gia đình có truyền thống làm nhà giáo. Bố là nhà giáo Ca Văn Thỉnh (giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp và sau đó là đại diện của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Indonesia và đại diện của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Campuchia dưới thời Shianuc), ông chuyên nghiên cứu sử học Nam bộ và là giáo viên Hán Nôm, mẹ là giáo viên dạy tiếng Pháp, các em ông đều là nhà giáo đồng thời là các văn nghệ sĩ được nhiều người biết đến như: nữ đạo diễn Ca Lê Hồng - Hiệu trưởng trường NTSK II TP.HCM, nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) - giảng viên trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, họa sĩ Ca Lê Thắng - giảng viên trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

Nhà sư phạm và lý luận âm nhạc

Năm 1960 ông được cử đi học tại Nhạc viện Odessa (Liên Xô cũ). Năm 1964, sắp tốt nghiệp ông phải về nước (vì khủng hoảng chính trị ở nước bạn) và giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia VN).

Năm 1972 ông trở lại Liên Xô tiếp tục học và năm 1974 tốt nghiệp 2 môn Lý luận và Sáng tác, rồi quay  trở về giảng dạy tại Nhạc Viện Hà Nội cho đến năm 1975. Sau giải phóng ông về giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM cho đến năm 1983, là trưởng khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy rồi phó Giám đốc Nhạc Viện.

Có lẽ do đam mê cùng những thiên khiếu về sư phạm, những tư duy của một nhà lý luận nên thời gian này ông chú trọng công tác giảng dạy, đào tạo nhiều hơn là sáng tác những tác phẩm, và ngay cả những tác phẩm được sáng tác cũng với mục đích để bổ sung cho giáo trình giảng dạy vì ông nhận thấy cần thiết phải có một số tác phẩm Việt Nam vừa mang âm hưởng dân tộc nhưng đồng thời cũng đạt một trình độ kỹ thuật nhất định cho các học sinh, sinh viên ngành Tây phương như violin, piano…

Một số tác phẩm của ông được dùng trong giáo trình giảng dạy của các Nhạc viện trong nước như: 12 préludes cho piano, Sonate 3 chương cho violin và piano, “Âm thanh đồng bằng” cho tứ tấu đàn dây, “Những ngày đã qua” viết cho violoncelle và piano, sau đó được chuyển thể cho violin, clarinette…

Ông là một nhà sư phạm có kiến thức uyên thâm, với phương pháp và bản lĩnh sư phạm khoa học, vững vàng ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh xuất sắc như Thụy Loan (Ban Biên tập tạp chí VHNT trước đây), PGS-TS Phạm Tú Hương (Phó Chủ nhiệm khoa Lý Sáng Chỉ Nhạc viện Hà Nội)…

Để phục vụ cho công tác giảng dạy ông còn biên dịch và biên soạn nhiều tài liệu như: “Sách giáo khoa hòa âm” tập I & II (dịch của Iu. N. Chiulin), “Đối âm chuyển động phong cách nghiêm khắc” (dịch của Taniev), “Phức điệu phong cách tự do”, “Sự liên kết giữa hòa âm và phức điệu trong ngôn ngữ âm nhạc hiện đại” (giáo trình Hòa âm hiện đại bậc Cao học), “Mỹ học âm nhạc” (Giáo trình dùng cho trường Cao Đẳng VHNT Hà Nội)…

Người tạo đà phát triển cho những khuynh hướng nghệ thuật

Chính sự nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực lý luận âm nhạc về mỹ học âm nhạc và những kiến thức hiểu biết sâu rộng về nền âm nhạc bác học và âm nhạc dân gian, ông được Đảng và nhà nước giao cho những trọng trách lãnh đạo trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ và văn hóa tư tưởng. Từ 1982-1997 ông liên tục giữ các chức vụ như: Phó Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương (1982). Phó Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương phụ trách phía Nam (1984) và sau đó là Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương kiêm Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ Thành ủy. Phó Ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy (1992). Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM (1996). Giám đốc Nhạc viện TP.HCM (1997). Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1989-1995). Thành ủy viên TP.CHM khóa 3, 4, 5. Đại biểu Quốc hội khóa 7, 8 (TPHCM). Đại biểu Quốc hội khóa 9 (Tỉnh Bến Tre)…

Với những cương vị công tác kể trên, nếu tính về thành quả có thể nói rằng ông là người đã định hướng, mở đường và tạo đà phát triển cho những khuynh hướng nghệ thuật nói chung và cho nghệ thuật âm nhạc nói riêng. Ông đã có những đề xuất mang tính chiến lược cho sự phát triển lâu dài ở tầm cao như: Thành lập các nhà hát như nhà hát kịch, nhà hát giao hưởng, đặt lại vấn đề cải cách âm nhạc cho điện ảnh, âm nhạc cho sân khấu cải lương, kịch, múa… tổ chức những diễn đàn âm nhạc, đầu tư cho sáng tác và biểu diễn khí nhạc…

Ngoài ra, ông còn là người tập hợp lực lượng, phát động những phong trào nhằm hướng mọi người đi đến một mục đích.

Nhạc sĩ sáng tác tài ba

Mặc dù phần lớn thời gian ông dành cho giảng dạy và công tác quản lý. Song cho đến nay ông cũng đã có được một số lượng tác phẩm khá lớn ở nhiều thể loại khác nhau bao gồm:

-    12 préludes cho piano (1965)

-    “Những ngày đã qua” viết cho violoncelle và piano

-    Sonate 3 chương cho violone và piano (1973)

-    Tranh giao hưởng “Dáng đứng Việt Nam” (1974)

-    Kịch múa “Người con gái đất đỏ” (1978)

-    Hợp xướng “Việt Nam tiếng hát trái tim ta” (1979)

-    Nhạc múa “Ánh sáng và bóng tối” (1980)

-    Concertino cho piano và dàn nhạc (1982)

-    Tứ tấu đàn dây “Âm thanh đồng bằng” (1987)

-    Giao hưởng thơ Ré thứ (1994)

-    Tổ khúc giao hưởng, kịch múa “Ngọc trai đỏ” (1997)

-    Âm nhạc cho kịch múa “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga (1999)

-    Ballade symphonique (2000)

-   “Thành phố quê hương “ viết cho dàn nhạc thính phòng (2001)

-    Một số ca khúc và nhạc cho sân khấu.

Đặc điểm chung trong các sáng tác của ông là: âm nhạc luôn phảng phất chất liệu của âm nhạc dân gian Việt Nam mà đặc biệt là dân ca Nam bộ, một số lớn ông viết với mục đích thử nghiệm và viết để dùng cho các giáo trình giảng dạy.

Đối với Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM ông là người đã sáng tác phần âm nhạc cho 2 vở kịch múa Ngọc trai đỏLục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga cho nhà hát. Hai tác phẩm này vừa mang tính chất hiện đại vừa đậm chất nhạc Nam bộ và được xem như “thành tựu” của nhạc hàn lâm TP.HCM.

Tranh giao hưởng “Dáng đứng Việt Nam”
tưởng nhớ nhà thơ Lê Anh Xuân

Xúc động vì người em Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân) hy sinh trong chiến đấu và những cảm xúc qua bài thơ bi tráng của chính em mình, ông viết nên tác phẩm này.

Tác phẩm chỉ gồm một chương. Tranh giao hưởng khác với giao hưởng thơ (cũng chỉ một chương) ở chỗ nó dùng ngôn ngữ của âm nhạc giao hưởng để tư duy hình tượng khắc họa nên một bức tranh, thể loại này đòi hỏi người viết phải có một sự tài tình điêu luyện trong nghệ thuật phối dàn nhạc và pha màu các âm sắc của các nhạc cụ để tạo nên một ngôn ngữ gắn kết giữa âm nhạc và hội họa. Tác phẩm được sáng tác năm 1974 và cũng là tác phẩm tốt nghiệp tại Nhạc viện Odessa của tác giả.

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm