Đưa nghệ thuật đương đại về “nơi hẻo lánh”

28/10/2012 07:01 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Không chỉ giao tiếp bằng tác phẩm, tại trại sáng tác Nghệ thuật dưới mái nhà sàn (diễn ra từ ngày 17 đến 25/10 tại Bảo tàng Văn hóa Mường, Hòa Bình), khoảng 60 nghệ sĩ đến từ 15 quốc gia có thể trò chuyện trực tiếp qua các buổi thảo luận nghệ thuật.

1. Ngay sau khi bế mạc trại, ngày 26/10, các tác phẩm thu hoạch từ đợt này đã được mang về Hà Nội và triển lãm tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

“Thứ chúng ta có thể tiếp nhận được chính là sự đa sắc thái văn hóa” - nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nói trong buổi gặp gỡ báo chí khi khai mạc triển lãm - “Trại sáng tác có thể làm những địa danh hẻo lánh thành nơi hoạt động văn hóa quốc tế. Vì thế, các trại sáng tác không bao giờ diễn ra ở những thành thị lớn”. Ông cũng cho rằng chất lượng của một trại sáng tác nằm ở giá trị trao đổi văn hóa, chứ trại không phải là nơi làm nên những tác phẩm kỳ vĩ.

Năm nay, các buổi trò chuyện về nghệ thuật được tổ chức hàng tối trong suốt hơn một tuần diễn ra trại sáng tác, không chỉ có một buổi duy nhất như trại sáng tác Đất mường 1 vào năm ngoái. Thế nên, nghệ sĩ cũng thoải mái nói mà người nghe cũng thoải mái nghe.

Tác phẩm trong triển lãm Nghệ thuật dưới mái nhà sàn

2. Tổ chức trại sáng tác thì tốn kém hơn nhiều so với việc tổ chức một triển lãm quy tụ nhiều nghệ sĩ quốc tế. Đó là nhận xét của họa sĩ Trịnh Tuân, nhà đồng sáng lập của Asia Art Link, tổ chức lên ý tưởng cho chuỗi trại sáng tác nghệ thuật đương đại từ 2008 đến nay, trong đó có Nghệ thuật dưới mái nhà sàn. Nhưng, Asia Art Link vẫn quyết tâm thực hiện bởi không có ý định “chỉ đến tập trung, đưa tranh ra triển lãm rồi rủ nhau đi du lịch”, bởi như thế nghệ sĩ sẽ không thể trao đổi và học tập nhiều ở nhau. Để hiểu nhau, chỉ có thể là cùng sống, cùng sáng tác trong một khoảng thời gian nhất định.

Một điều mà trại sáng tác hướng đến những vẫn chưa đạt được là tính xã hội hóa. Theo ông Phan Cẩm Thượng, tính xã hội hóa thể hiện ở sự tham gia của người dân địa phương, các tình nguyện viên địa phương vào các hoạt động sáng tác. Ở các trại sáng tác nước ngoài, tình nguyện viên còn mang cả xe máy đến đưa nghệ sĩ đi nơi này, nơi kia. Còn với Nghệ thuật dưới mái nhà sàn, không gian sáng tác vẫn khép kín trong Bảo tàng Văn hóa Mường. Ưu điểm là nghệ sĩ tập trung sáng tác, nhưng chính vì thế hoạt động của trại vẫn chưa có ảnh hưởng lớn đến địa phương, trước hết là chưa thu hút sự quan tâm của người dân. “Workshop tổ chức tốn kém những ảnh hưởng xã hội chưa cao”, ông nói.

Mục tiêu của trại sáng tác là đưa hoạt động nghệ thuật đương đại đến với một địa phương miền núi xa lạ với nghệ thuật đương đại - tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, chính sự xa lạ đó cũng gây nên vài khó khăn cho nghệ sĩ. Ở Hòa Bình không có cửa hàng họa phẩm nên cứ thiếu chất liệu vẽ là phải về Hà Nội mua. Điều kiện làm gốm cũng thế, có nghệ sĩ phải gửi tác phẩm đi nung tận Bát Tràng. Nhưng chính những khó khăn này càng khiến những người thực hiện quyết tâm đưa nghệ thuật về những vùng hẻo lánh.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm