Điện ảnh Việt: Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ lại... thông

28/11/2012 11:09 GMT+7 | Phim



Làm thế nào để xuất khẩu được phim ra nước ngoài? Điện ảnh VN nên đi theo hướng nào? Bí quyết thành công của các bạn đến từ đâu?

Hàng loạt câu hỏi cần thiết đã không được đặt ra cho bạn bè quốc tế là những người "đầy mình" kinh nghiệm hội nhập về sản xuất và phát hành phim trong một cơ hội quý giá như Hội thảo quốc tế “Điện ảnh VN thời kì đổi mới” tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ 2-2012. Tuy nhiên cũng thật may khi những kinh nghiệm thành công lại được đại diện của các nền điện ảnh thế giới tự nguyện chia sẻ...

Vẫn chuyện “nhà nước”- “tư nhân”

Đoàn làm phim “Đêm tĩnh lặng” của Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ kinh nghiệm làm phim độc lập
Quá nhiều thời gian của cuộc hội thảo quốc tế mang chủ đề “Điện ảnh VN thời kì đổi mới” kéo dài 3 tiếng được các nhà làm phim VN đăng đàn để tiếp tục những câu chuyện nội bộ đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở các diễn đàn của ngành điện ảnh: Phim tư nhân- phim nhà nước; phim thị trường- phim nghệ thuật, phim khán giả- phim giải thưởng. Và tất nhiên, vẫn là cách đặt vấn đề chia điện ảnh Việt ra hai phe đối lập: “tư nhân, thị trường” và “nhà nước, nghệ thuật”, dẫu rằng sự đối lập được bọc lót bằng những câu nói ngoại giao.

Sáng 26.11, 11 đoàn làm phim đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand, Nhật Bản, VN tham dự Haniff đã lần lượt ra mắt và giao lưu với báo chí. Các đoàn làm phim sẽ tiếp tục có các buổi giao lưu với khán giả tại các rạp chiếu phim trong khuôn khổ LHP QT.

Một đại biểu dự hội thảo nhận xét: Lạ thật, tại sao cứ đi tranh luận mãi về những điều không hề đối lập. Chẳng phải, cái đích hoàn hảo nhất cho một bộ phim là vừa có giá trị nghệ thuật cao để giành được giải thưởng, vừa được khán giả yêu thích để thu được bộn tiền mà đầu tư cho các tác phẩm tiếp theo hay sao? Nói “Tôi làm phim nghệ thuật, tôi không cần doanh thu” hay “Phim tôi được khán giả yêu thích, tôi không thèm giải thưởng” xét cho cùng đều là những cách nói kiểu “nho còn xanh lắm”! Nếu có đạo diễn nào đó làm ra những phim vừa được giải thưởng vừa làm phòng vé “cháy”, thì hẳn, đó sẽ là người đầu tiên rút lui khỏi những cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu giữa hai ý kiến không hề đối lập này.

Không biết bạn bè quốc tế dự hội thảo có cảm nhận ra sao khi ngồi nghe những câu chuyện nội bộ của các nhà làm phim Việt. Chỉ thấy những người ngoại đạo quan tâm đến điện ảnh VN hỏi nhau: Nói mãi ở hội thảo trong nhà chưa đủ sao? Đây là hội thảo quốc tế cơ mà?
Các đại biểu dự hội thảo
Các bạn nên, các bạn phải...

Tuy không được hỏi nhưng các nhà làm phim quốc tế vẫn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, suy nghĩ quý báu. Một trong những kinh nghiệm quan trọng được đại diện các nền điện ảnh Singapore, Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc đưa ra cho các nhà làm phim VN là dòng phim độc lập.

Ông Philip Cheah, nguyên Giám đốc LHP QT Singapore cho rằng: “Các bạn nên quan tâm đến các LHP, bởi vì đó là nơi các nhà làm phim trẻ có thể tìm kiếm nguồn tài trợ. Điện ảnh của các bạn nên hướng tới sự phong phú, khác biệt trong đời sống giữa các thành phố lớn như HN, TP.HCM với vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Và hơn hết, các bạn cần có dòng phim độc lập mang màu sắc riêng”.

Theo bà Chalida Uabumrungjit, Giám đốc LHP QT phim ngắn và video Bangkok: “Trong vòng 15 năm qua, dòng phim độc lập của Thái Lan rất phát triển. Phim độc lập có thể khó cạnh tranh về doanh thu nhưng lại tạo ra nhiều giá trị về văn hóa và tri thức, quảng bá được rất nhiều cho đất nước khi tham dự các LHP QT”.

Ông Antoine de Clermont-Tonnerre, Giám đốc Uni France thì đề cao sự hợp tác quốc tế trong việc phát triển điện ảnh: “Nếu các bạn muốn phát triển điện ảnh VN thì việc hợp tác với nước ngoài là rất quan trọng. Các bạn đã có 2 bộ phim hợp tác là Chơi vơi và Bi, đừng sợ được xuất hiện ở rất nhiều LHP QT, vì nó đáp ứng được các yêu cầu về nghệ thuật và kỹ thuật của thế giới”.

Đại diện của điện ảnh Pháp cũng đưa ra những gợi ý để xuất khẩu phim Việt: “Các bạn nên mời giám đốc nghệ thuật của các LHP QT, các nhà phát hành phim lớn trên thế giới đến VN, hãy mời họ ở những khách sạn sang trọng, những nhà hàng đẹp và chiếu phim cho họ xem. Chắc chắn họ sẽ chọn được những bộ phim phù hợp để giới thiệu nó trong các sự kiện điện ảnh họ tổ chức. Uni France sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong việc này”.
Đoàn làm phim “Đam mê” đại diện điện ảnh VN tranh giải tại Haniff lần thứ 2 Ảnh: Đ.H 
Những thành công vượt bậc của nền điện ảnh Hàn Quốc đã khiến cho phát biểu của đại diện xứ Kim chi nhận được sự thu hút sự chú ý đặc biệt của hội thảo. Giám đốc CJ E&M, Hàn Quốc cho rằng điện ảnh VN hiện đang có rất nhiều điểm tương đồng với điện ảnh Hàn Quốc trước đây. Để thành công, điện ảnh VN cần quan tâm đến những điểm mấu chốt như: Chất lượng phim, hạn ngạch phim nước ngoài, chú trọng phát hành, xây dựng các cụm rạp lớn và đa năng và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Theo ông, một trong những bí quyết để điện ảnh Hàn thành công trong thị trường nội địa là Nhà nước phải đặt hạn ngạch, yêu cầu các rạp chiếu phim phải dành một số thời gian nhất định trong năm cho phim nội. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng chịu khá nhiều sức ép về hạn ngạch phim từ những hiệp định tự do quốc tế mà Hàn Quốc tham gia. Chúng tôi cũng có những lo lắng, những vấn đề nhất định phải tính toán nếu trong tương lai hạn ngạch phim bị bãi bỏ”- đại diện Hàn Quốc nói.

Điện ảnh Việt Nam nên làm gì?

“Muốn bán được phim ra nước ngoài, các bạn phải làm phim về những câu chuyện của chính mình, về văn hóa, cuộc sống riêng ở nước bạn. Hãy kể chúng theo cách mà người nước khác có thể hiểu được. Học hỏi kinh nghiệm từ các nền điện ảnh lớn là cần thiết, nhưng các bạn đừng rập khuôn theo Hollywood, đơn giản là các bạn sẽ không làm được như họ”. (CLIFF CURTIS, diễn viên, nhà làm phim độc lập Hollywood)

“Để thu hút khán giả trong nước, các bạn vẫn còn thiếu những bộ phim lãng mạn và hài hước. Để đưa ra nước ngoài, các bạn phải tạo ra một dòng phim riêng biệt chỉ VN mới có. Phải làm thế nào đó để có được những ấn tượng, những hình ảnh mà khi nhắc tới điện ảnh VN, thế giới nghĩ ngay đến nó”. (Giám đốc CJ E&M, Hàn Quốc)

“Các bạn phải biết thế mạnh của mình là gì. Nếu đã biết rồi thì hãy tiếp tục làm, không cần phải đổi sang thể loại khác. Với tôi, sự nên thơ, nhẹ nhàng chính là điểm mạnh làm nên thành công của điện ảnh VN trong quá khứ. Những bộ phim như Cánh đồng hoang của các bạn vẫn làm tôi rung động sâu sắc cho đến tận bây giờ. Và tôi rất mong được gặp lại sự nên thơ trong các bộ phim của VN”. (Bà CHALIDA UABUMRUNGJIT, Giám đốc LHP QT phim ngắn và video Bangkok)

Theo Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm