Đi tìm đẳng cấp của xiếc Việt

24/11/2012 15:30 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - “Có người trong BTC hỏi giám khảo: "Tại sao diễn viên Mông Cổ nháy mắt cũng đúng nhạc?" Đó là đẳng cấp, đó là điều chúng ta đang thiếu”  - NSND Vũ Ngoạn Hợp, GĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam – tâm sự sau Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ 4 vừa diễn ra tại Hà Nội. Ông tham dự liên hoan này với vai trò là Trưởng BGK.

TT&VH đã trao đổi với ông với NSND Vũ Ngoạn Hợp và đạo diễn NSƯT Tạ Duy Ánh, Phó GĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

 

NSND Vũ Ngoạn Hợp (bìa trái) và đạo diễn NSƯT Tạ Duy Ánh

Bài học từ liên hoan xiếc

* Việt Nam với 5 đoàn và 5 tiết mục tham gia liên hoan xiếc đều là tiết mục mới và những nghệ sĩ trẻ. Xiếc Việt Nam đã làm được gì từ liên hoan này?

- NSND Vũ Ngoạn Hợp: Sau mỗi kì liên hoan thì xiếc Việt Nam lại có sự chuyển mình và phát triển tốt. Các giám khảo Mỹ, Mông Cổ... những người thường xuyên theo dõi các liên hoan xiếc lớn trên thế giới đã chúc mừng chúng ta, họ nói Việt Nam đã giới thiệu được nhiều tiết mục mới và các nghệ sĩ trẻ.

Xiếc là nghệ thuật dành cho tuổi trẻ, nếu cứ dành cơ hội cho "cây cao bóng cả" thì sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đặt ra quy chế, những người đã đoạt giải rồi thì thôi không tham dự, để dành cho các bạn trẻ hơn.

* Nhưng cũng phải công nhận bên cạnh các tiết mục đoạt giải, các tiết mục khác chưa thực sự ấn tượng?

- NSƯT Tạ Duy Ánh: Xiếc là nghệ thuật dành cho tuổi trẻ, khi tuyển vào trường đào tạo các cháu rất nhỏ. Trong thời gian tập 5 năm ở trường, các em đạt được một mức độ nhất định cũng là sự nỗ lực lớn.

Chúng ta thấy rõ các tiết mục còn khiếm khuyết nhiều khi mải miết theo đuổi vấn đề kỹ thuật chưa có sự đầu tư về nghệ thuật kỹ lưỡng, như đầu tư âm nhạc, đạo cụ, trang phục và quan trọng hơn là phong cách dàn dựng lối diễn cho các diễn viên trẻ.

Qua kỳ liên hoan này, chúng ta được giao lưu với các nghệ sĩ xiếc quốc tế, góp phần nâng cao trình độ của chúng ta lên. Một số tiết mục của chúng ta đã có những ý tưởng tốt, dàn dựng từ âm nhạc, trang phục và bố cục của tiết mục đã xuyên suốt từ đầu đến cuối. Chứng tỏ chúng ta bắt đầu hội nhập dần với xiếc quốc tế.

* Từ hàng ghế khán giả, nhiều người cảm thấy bất ngờ vì sức hấp dẫn của xiếc ngoại. Họ không nghĩ rằng đi xem xiếc lại nhận được những cảm xúc đến thế. Như các tiết mục của Mông Cổ, Mỹ... có sự kết hợp chặt chẽ giữa âm nhạc và diễn xuất tạo hiệu quả đồng bộ cả về mặt kỹ thuật và nghệ thuật. Nhưng dường như ở xiếc Việt Nam, mặt nghệ thuật vẫn còn khá non?

Tiết mục “Tạo hình trên cao” của Trường Xiếc Việt Nam đoạt Huy chương Bạc. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

- NSND Vũ Ngoạn Hợp: Có người trong BTC hỏi giám khảo: "Tại sao diễn viên Mông Cổ nháy mắt cũng đúng nhạc?" Đó là đẳng cấp, đó là điều chúng ta đang thiếu.

Giám khảo chấm theo thang 10 điểm kỹ thuật và 10 điểm nghệ thuật, nếu kỹ thuật được 10 điểm nhưng nghệ thuật chỉ đạt 5 điểm thì cũng chỉ là trung bình. Trong nghệ thuật bao gồm nhiều thứ: âm nhạc, trang phục, ý tưởng dàn dựng, cách "chơi" ánh sáng và đặc biệt là phong cách biểu diễn của nghệ sĩ.

Chúng ta trước đây chỉ dùng nhạc làm nền cho tiết mục, diễn viên cứ diễn, nhạc cứ "chạy", nhưng hiện nay phải thấy âm nhạc là phần hồn của tiết mục. Nếu chỉ sai một nốt nhạc, diễn viên có một động tác lệch nhạc đi thì tiết mục có vấn đề rồi. Mọi người sẽ thấy những tiết mục xiếc được huy chương vàng trong liên hoan lần này đúng từng nốt nhạc.

Câu chuyện xiếc "Làng tôi"

* Nhân nói về sự phát triển của xiếc, mấy năm gần đây, dư luận rất quan tâm đến tác phẩm xiếc "Làng tôi" của nghệ sĩ Nhất Lý cùng các cộng sự. Đó không chỉ là một tiết mục xiếc đơn thuần mà là một vở diễn, có sự kết hợp giữa xiếc và các đạo cụ mang bản sắc dân tộc, lấy hình tượng cây tre làm trung tâm... Đó có phải là một hướng đi của xiếc?

- NSƯT Tạ Duy Ánh: Trên thế giới người ta làm những chương trình xiếc kết hợp như thế này từ khá lâu rồi. Trong tác phẩm, người xem được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật, có nhạc, hát, múa, ánh sáng, kịch... nhưng xiếc vẫn là chủ đạo.

Trong chương trình xiếc "Làng tôi", các nghệ sĩ xiếc còn phải biết múa đương đại, biết diễn xuất... Quan trọng là chúng ta đưa được bản sắc dân tộc vào xiếc, từ đạo cụ bằng tre nứa đến âm nhạc dân tộc như ca trù. Chương trình đã ra mắt mấy năm rồi và hiện nay vẫn đang đi biểu diễn ở Pháp và Đức.

- NSND Vũ Ngoạn Hợp: Cách đây 7 – 8 năm có nhà nghiên cứu nói rằng, thấy xiếc Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài nhưng đấy là người Việt Nam diễn xiếc chứ không phải xiếc Việt Nam, dù chúng ta cũng mặc trang phục dân tộc, âm nhạc dân tộc.

Nhưng hiện nay, chính những khán giả nước ngoài xem chúng ta biểu diễn đã phải công nhận rằng, đó là xiếc Việt, không giống bất cứ xiếc nước nào khác, đó là bản sắc Việt. Có tiết mục đi diễn tại nước ngoài đã giành được những giải thưởng xứng đáng, xiếc Việt Nam hoàn toàn tự tin trên tất cả các đấu trường.

Thảo Vy - Yên Khương (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm