Đạo diễn Bùi Quốc Bảo: Trưởng thành nhờ… kịch ma

29/09/2014 10:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vài năm trở lại đây, các sân khấu tại Sài Gòn đã có thêm vài nhân tố mới đáng chú ý, trong đó có đạo diễn - biên kịch Bùi Quốc Bảo (sinh 1976), đang hút khách. Tác giả này đã viết hàng trăm kịch bản video hài và kịch ngắn, hàng chục vở diễn truyền hình, hàng chục kịch bản sân khấu, 5-6 kịch bản phim dài tập… Bùi Quốc Bảo cũng đã viết và dựng khoảng 15 vở kịch dài, gồm bi kịch, hài kịch và kịch kinh dị.

TT&VH Cuối tuần có cuộc đối thoại với Bùi Quốc Bảo khi anh đang hoàn thiện bản dựng kịch bản cải lương Cõng mẹ đi chơi.

Thời cơ từ Sân khấu Thế Giới Trẻ

* Anh đã từng có khoảng 6 năm thất nghiệp với nghề đạo diễn, đó có phải là dịp để anh viết được nhiều kịch bản không?

- Tôi học đạo diễn, tốt nghiệp Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM năm 2004. Tuy nhiên tôi vẫn còn nợ bài báo cáo tốt nghiệp, vì lúc đó, trường “ưu ái” cho sinh viên đạo diễn từ từ tìm ý tưởng cũng như điều kiện để làm vở diễn tốt nghiệp.

Thật sự lúc đó tôi không tự tin vào chuyên môn của mình, những gì được học ở thầy cô chưa thật sự thẩm thấu vào tôi. Vì vậy tôi làm rất nhiều công việc từ biên tập truyền hình, đạo diễn kịch truyền hình, đạo diễn các ti-vi show, sản xuất phim và viết kịch bản - công việc chính của tôi từ trước tới giờ. Lúc đó, kịch bản của tôi viết… chưa hay, theo đánh giá của chính tôi.

Nhưng từ khi tôi bắt đầu dựng vở cho đến sau này, tôi hiểu về sân khấu hơn, tôi tự tay chuyển cảm xúc văn học sang cảm xúc sân khấu, tôi mới “vỡ” ra nhiều điều. Từ đó, mọi người đánh giá kịch bản của tôi có tiến bộ hơn hẳn giai đoạn trước. Như vậy phải nói, công việc đạo diễn đã giúp công việc biên kịch của tôi rất nhiều.  


Đạo diễn Bùi Quốc Bảo

* Đạo diễn giúp kịch bản lên tay, nhưng có phải từ/nhờ kịch bản mà con đường đạo diễn của anh đã mở ra không?

- Đúng là như vậy. Nếu không nhờ kịch bản Lầu hoang (thể loại ma/kinh dị - PV), tôi thật sự không biết mình sẽ bắt đầu công việc đạo diễn như thế nào. Bởi vì mỗi sân khấu đều có các anh chị đạo diễn gạo cội, sẽ không có nhà sản xuất nào bạo gan giao cho một đạo diễn mới toe như tôi.  

Lúc đó Sân khấu Thế Giới Trẻ mới thành lập, đang cần nhân sự mới, nên tôi mới đủ can đảm cầm kịch bản đến xin làm đạo diễn. May mắn cho tôi lúc đó chỉ đạo nghệ thuật của sân khấu cũng là thầy chủ nhiệm của tôi - NSND Trần Ngọc Giàu. Với khởi đầu tốt đẹp đó, tôi đã có thể làm công việc yêu thích của mình cho đến ngày hôm nay.

* Nhìn một cách thẳng thắn, anh thấy nghề đạo diễn sân khấu có phải là mảnh đất dễ thở và dễ sống với những người mới bắt đầu (như anh đã từng) không?

- Dễ thở và dễ sống còn tùy theo quan điểm, nhu cầu của từng người. Tôi chỉ khoanh vùng trong công việc, nếu đạo diễn yêu nghề, say nghề thì với sự phát triển mạnh mẽ của sân khấu tại Sài Gòn, họ hoàn toàn có thể cháy hết mình với đam mê của mình.

Tôi đã phải bỏ ra 6 năm trời để tìm một cơ hội thì các bạn khác cũng nên kiên nhẫn trau dồi chuyên môn, vun đắp cảm xúc và tự học hỏi bằng nhiều công việc liên quan tới sân khấu. Để khi thời cơ chín muồi, các bạn sẽ nắm bắt được cơ hội. Hiện nay, có rất nhiều đạo diễn trẻ năng động khi tự thành lập các nhóm kịch cà phê và tôi tin rằng các bạn sẽ nhanh chóng trưởng thành để trở thành những đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp.


NSƯT Bảo Quốc và Gia Bảo trong vở ma/kinh dị Lầu hoang, kịch bản mở ra cơ hội đạo diễn của Bùi Quốc Bảo sau 6 năm thất nghiệp

Cần đề cao những thông điệp hướng thiện

* Anh viết và dựng khá nhiều chất liệu kịch, thế nhưng trong sâu thẳm trái tim và tâm hồn mình, anh thích nhất thể loại nào?

- Sân khấu chỉ chia ra hai thể loại hài kịch và bi kịch. Hiện giờ thì có thêm trào lưu kịch kinh dị. Nếu xem các tác phẩm của tôi thì đa số là sự trộn lẫn của ba thể loại: hài, bi và kinh dị. Đó cũng là cách để tôi chinh phục khán giả trẻ, cũng như “chơi” với nghề.

Tuy nhiên, yêu thích nhất là thể loại bi kịch. Bởi vì những câu chuyện buồn thường bắt các nhân vật phải đấu tranh với cuộc sống, đấu tranh với ước mơ của mình. Trong bi kịch, các nhân vật luôn phải vươn lên để tồn tại, tâm lý của họ luôn được đẩy đến đỉnh điểm cảm xúc. Yêu và ghét rất rõ ràng.

Một lý do riêng tư là con người tôi ở ngoài đời khá hiền lành, nhút nhát và khép kín. Nên những vở bi kịch là nơi để tôi giải tỏa cảm xúc của mình, cũng như cất lên tiếng nói mà trong cuộc sống thường nhật tôi không đủ can đảm để nói.

* Anh quan niệm như thế nào về một kịch bản và bản dựng mà anh muốn hướng đến (bất kể thể loại)?

- Tôi rất thích câu hỏi này. Dù thể loại nào đi chăng nữa thì một tác phẩm nghệ thuật phải đảm bảo ba yếu tố chân, thiện, mỹ. Công việc của biên kịch và đạo diễn phải luôn phản ánh cuộc sống chân thật, truyền đạt những cảm xúc đẹp đẽ và có những thông điệp hướng thiện rõ ràng.

Cuộc sống hiện nay, theo báo chí, có quá nhiều tin tức mang tính tiêu cực. Con người càng sống khô khan và dễ xung đột nhau. Tôi muốn tác phẩm của mình nhắc khán giả những cảm xúc đẹp, đó là tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình đồng bào, sự hy sinh, chia sẻ, đồng cảm với nhau… Những cảm xúc đẹp là làn nước mát đem lại sự thăng bằng trong tâm hồn, cũng như gột rửa những cảm xúc tiêu cực.

Một tác phẩm sân khấu sẽ thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người đạo diễn. Vì vậy non nớt hay già dặn, lệch lạc hay chín chắn… những điều đó sẽ in dấu lên tác phẩm của người đó mà không ai có thể giúp họ được.

“Là biên kịch và đạo diễn, tôi rất mong muốn sự phản biện của diễn viên để tác phẩm hoàn thiện và đa chiều hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều diễn viên quá bận rộn và lơ là trong việc sáng tạo vai diễn. Tôi thấy hơi buồn và mất lửa khi diễn viên chỉ tập tuồng bằng cái xác mà hồn họ đã đi nơi nào…” (Tâm sự của đạo diễn Quốc Bảo)

Bùi Quốc Bảo học lớp diễn viên Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM được 2 tháng thì nghỉ về quê. Sau đó anh mê nghề biên kịch, nhưng không có nơi nào dạy nên đi học đạo diễn. Tốt nghiệp Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM năm 2004. Anh bắt đầu được biết đến khi kịch bản ma - kinh dị Lầu hoang gây ấn tượng với công chúng và giới làm nghề. Từ đó công việc đạo diễn và biên kịch song hành trên con đường sự nghiệp và nó đã giúp anh trở thành gương mặt trẻ khá tiêu biểu của Sân khấu kịch Sài Gòn.

Anh hâm mộ Nguyễn Ngọc Tư và khao khát truyền “sức sống mãnh liệt” trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đến với khán giả xem kịch.


Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm