Cuộc trò chuyện cuối cùng với nhạc sĩ An Thuyên...

04/07/2015 04:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây tròn một tháng, trong một ngày Hà Nội cũng nóng như chảo lửa như chiều qua (3/7) khi nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời, PV Thể thao & Văn hóa đã có cuộc gặp với ông tại trụ sở Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trên phố Trích Sài nhìn ra hồ Tây, một tổ chức phi chính phủ do ông làm Chủ tịch.

1. Có lẽ đây là “cuộc gặp gỡ cuối cùng” của nhạc sĩ An Thuyên với báo giới, và đặc biệt với tôi (PV) bởi đây là lần đầu tiên và cuối cùng được tiếp xúc với một nhạc sĩ được phong hàm Thiếu tướng.

Như đã viết trong bài Nhạc sĩ An Thuyên: Yêu lớp trẻ như yêu bản thân mình!, mở đầu cuộc trò chuyện ông nói ngay: “Viết tôi thế nào cũng được, tôi không cần phải xem lại nhưng phải làm thế nào cho... khác lạ đi”, bởi trong vòng chưa đầy một tiếng tiếp tôi, điện thoại ông liên tục reo và luôn có khách ghé thăm, khiến ông luôn bỏ dở câu chuyện. Dường như ông đang rất bận và có rất nhiều việc phải làm gấp.


Nhạc sĩ An Thuyên

Bởi thế, vừa viết xong bài, tôi gửi ông xem lại ngay để ông bổ sung thêm, bởi cuộc gặp ngắn ngủi sao có thể hiểu hết về một con người có hàng mấy chục ca khúc nổi tiếng và nhiều tác tác phẩm âm nhạc lớn thuộc hàng "cây đa, cây đề" làng âm nhạc Việt Nam…

Tôi dự định, sắp xếp để sớm có dịp gặp ông, nghe ông kể tiếp về 2 ca khúc mà ông viết khi mới ngoài 20 tuổi: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác. Ông nói rằng, đó là hai ngọn lửa đầu tiên trong cuộc đời âm nhạc của ông, 2 ca khúc được ông yêu nhất làm bừng lên sự nghiệp sáng tạo của ông đến hôm nay vẫn cháy...

Thế rồi, tin ông ra đi như sét đánh ngang tai...

2. Trong tâm sự với tôi, có lúc vị nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm Thiếu tướng tự nhận mình là “người điên khùng vô lối”! Ông nói: “Từ rất lâu rồi, khi ông mới nổi danh ấy, từng có phóng viên một tờ báo đến gặp ông rồi về viết rằng: “An Thuyên không có dáng dấp nghệ sĩ ngay từ khuôn mặt...”, khiến ông “giật cả mình”. Nhưng đến giờ ông vẫn thích bài viết đó, nhớ từng câu chữ, bởi “không điên khùng vô lối không phải An Thuyên”.

Ông kể về 20 năm gắn bó và làm Hiệu trưởng trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ông đã cống hiến hết tuổi trẻ và nhiệt huyết ở đó.

Ông nhắc tới cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, một nhà quân sự, chính trị tài danh, đã phát hiện ra khả năng quản lý của ông, đưa ông về trường khi còn rất trẻ. Ông luôn biết ơn các thế hệ lãnh đạo và các đồng đội thời ấy, luôn biết hy sinh cá nhân vì sự nghiệp chung, “vì nhân dân quên mình".

Ông kể về cảm giác khi khận quyết định nghỉ hưu năm 2009. Dù những cống hiến của ông được ghi nhận, từ binh nhì ông đã thành Thiếu tướng, có huân chương, nhưng nghỉ hưu là lúc năng lực quản lý và chất xám mạnh nhất, nhà trường cũng làm công văn xin An Thuyên ở lại, nhưng ông không tham quyền cố vị, về là về thôi!

Nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ rằng, về hưu ông “luôn phải tự dồn mình đến chân tường” để bắt đầu một sự nghiệp. Ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp VN (thành lập 27/12/2013 với sự đồng tình ủng hộ của 7 bộ, ngành). Đến nay, Hiệp hội có 300 người, nhưng An Thuyên không kết nạp thêm nữa bởi “làm văn hóa doanh nghiệp khó hơn hiệu trưởng nhiều”.

Hôm đó, trước khi chào nhạc sĩ để về, ông nói: “Đừng viết về sáng tác nhé, giờ mà sáng tác chắc gì đã hơn, nhưng được sáng tác thì... sướng lắm!”.

Nhạc sĩ An Thuyên bị choáng mệt vì nhồi máu cơ tim, ông nhập viện (Bệnh viện Quân đội 108, Hà Nội) chiều 3/7 và đột ngột từ trần vào lúc 16h30 cùng ngày.


Thiếu tướng nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam

Nhạc sĩ An Thuyên, tên khai sinh là Nguyễn An Thuyên, sinh ngày 15/8/1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành khóa V, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VI, Phó Chủ tịch thường trực, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII.

Nhạc sĩ An Thuyên công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An từ năm 1967. Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, là nhạc công ở Đoàn Văn công Quân khu 4. Từ năm 1981 đến năm 1988, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc bậc Đại học. Sau khi tốt nghiệp, năm 1988, ông về Phòng Văn nghệ quân đội và đến tháng 8 năm 1992, ông về công tác ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) cho đến khi nghỉ hưu.

Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ An Thuyên đạt nhiều giải thưởng ở thể loại ca khúc như giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc, 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy); Giải thưởng Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994); Giải Nhất của Bộ VH-TT và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995); các giải thưởng Hội Nhạc sĩ VN: Chín bậc tình yêu (1992, giải Nhì), Bài ca người tình báo (2000, giải Nhất), Đi tìm bóng núi (2004, giải Nhất), Phật bà nghìn mắt nghìn tay (giải Nhì 2004), hợp xướng Chào Việt Nam thênh thang mùa Xuân (2004, giải Nhì).

Ngoài ra, ông còn sáng tác rất nhiều các tác phẩm ở các thể loại như khí nhạc, nhạc phim, nhạc múa và viết nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...

Năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Lam Anh

An Như
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm