Công diễn kịch "Nhà Ôsin": Hip-hop và kịch Nguyễn Huy Thiệp

10/12/2012 10:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bản thân đạo diễn - NSND Lê Khanh cũng là người đọc Nguyễn Huy Thiệp như bao độc giả khác. Chị nói: "Ai từng đọc Nhà Ôsin có lẽ đều thắc mắc không biết vở diễn sẽ lên sân khấu như thế nào, nó không phải vở kịch có kết cấu dễ hấp dẫn khán giả thông thường".

"Không kịch tính, không có những màn mâu thuẫn đối kháng để dẫn đến xung đột, càng không éo le, rắc rối", Lê Khanh chia sẻ với người viết.

Nguyễn Huy Thiệp không còn bi quan

NSND Lê Khanh
Trước buổi tổng duyệt Nhà Ôsin cuối tháng 11/2012, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ với người viết vài cảm nhận bi quan. Nhưng sau khi được xem vở trên sân khấu, thái độ ông thay đổi gần 180 độ. Kết thúc vở kịch, tác giả có vẻ vui, ông xuống hàng ghế đầu chúc mừng đạo diễn, “ôm hôn thắm thiết” (như lời Lê Khanh). Bi quan chuyển thành lạc quan.

Vở kịch được kể từ góc nhìn của Thủy Trần, một nhân vật phụ, khi cô đến thăm ngôi nhà của người bạn là Oanh Bé. Trong nhà có người chủ là ông đại tá cùng dàn Ôsin đông đảo. Sau đó, cuộc trở lại của người con dâu ông đại tá là Oanh Lớn chấm dứt cuộc sống nhàm tẻ nhưng ẩn chứa nhiều giông bão trong ngôi nhà.

Gặp Lê Khanh trước buổi công diễn (kể từ 8/12 tại Nhà hát Tuổi trẻ), chị rất tươi tỉnh. Buổi sáng, chị đến Cục Biểu diễn Nghệ thuật rồi quay về Nhà hát Tuổi Trẻ gặp gỡ các diễn viên, hớn hở khoe Cục đã cấp phép. Chị đứng nói chuyện với vài diễn viên của Nhà Ôsin bên ngoài phòng tập, nơi Chí Trung cùng đoàn của anh đang tập vở Lời thề thứ 9. Bên ngoài, trên tấm bảng trắng, cạnh tên vở Nhà Ôsin có dòng chữ "Đã cập bến thành công!". Lê Khanh cười bảo, có lẽ do Chí Trung viết.

"Tôi cho phép mình nghỉ ngơi hoàn toàn trong một ngày sau buổi duyệt". Nhà Ôsin bản "chạy thử" nhận được nhiều lời khen từ bạn bè, đồng nghiệp. Cuộc hành trình của nó thậm chí còn chưa bắt đầu, nhưng người viết lờ mờ nhận ra đây là vở diễn có khả năng làm đọng lại thứ gì đó trong lòng khán giả.

"Đó là những buổi đầu vẫn còn tơi tơi, xốp xốp", Lê Khanh nói về các buổi duyệt. "Mỗi lần diễn thử là một lần nhận ra những gì còn chưa ổn để sửa chỗ này một chút, chỗ kia một chút". Chị rất tâm đắc với khả năng tuyệt vời của sân khấu là tự làm mới qua từng đêm diễn. Không có vở diễn nào có hai đêm giống nhau y hệt, dù đều cùng một khuôn mà ra.

Chờ đợi Lê Khanh

Một vở kịch như Nhà Ôsin khó dựng hay dễ dựng? Điều đó có lẽ tùy thuộc vào cách cảm nhận tác phẩm của người dựng khi nó còn là kịch bản trên giấy. Người ta cũng chẳng chú ý đến kịch bản giấy nhiều như thế nếu nó không xuất thân là tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, một trong những nhà văn có tiếng vang nhất Việt Nam mấy chục năm qua.

Khó gọi ra một thông điệp chính, một từ khóa chủ đề từ Nhà Ôsin như người ta vẫn làm với các tác phẩm khác, dù tên vở kịch nghe thì sáng rõ, lại có vẻ thời sự nữa. Nhưng chuyện Ôsin đâu phải là chủ đề chính của vở kịch. Vai chính đại tá và cả vai Thủy Trần, người đứng bên ngoài cuộc sống trong ngôi nhà, cũng truyền tải những thông điệp có sức nặng.

Cảnh trong vở Nhà Ôsin

Nhà Ôsin không phải vở kịch đầu tay của chị. Trước đây, năm 2005, chị từng giới thiệu vở Từ thiên đường đi về phía Bắc 3km. Sau đó, trong suốt mấy năm nay, Lê Khanh vẫn dựng kịch nhưng chỉ diễn nhà trường, với dàn diễn viên sinh viên.

Việc ít thấy ai nhắc đến Từ thiên đường đi về phía Bắc 3km cũng có lý do của nó. Nhà Ôsin của Nguyễn Huy Thiệp thì ngay khởi đầu đã danh tiếng hơn thật, nhưng cũng là một thử thách. Nhưng với những gì Lê Khanh đã "trình bày" trước khán giả, đây là một cơ hội lớn của chị, một bước đi tiếp theo nhiều khả năng mang lại thuận lợi cho sự nghiệp đạo diễn của nghệ sĩ này.

Hip-hop và kịch Nguyễn Huy Thiệp

Hình thức của vở kịch là một trong những điều đầu tiên Lê Khanh nghĩ đến khi bắt tay vào dựng. Chị chọn hình thức đương đại. Bối cảnh, trang phục, đạo cụ, tất cả đều phục vụ mục đích phản ánh nội tâm nhân vật và những vấn đề của xã hội. Có thể coi đây là một ý thức chuyên nghiệp hóa.

Lê Khanh quyết tâm trẻ hóa, có thể thấy điều đó nếu nhìn dàn diễn viên nhiều gương mặt mới và cả cái tên Viết Thành, cựu trưởng nhóm nhảy Big Toe, làm biên đạo hình thể. Thế là, cả một đội vũ công vào vai các ô-sin phụ và xuất hiện trong các phần chuyển cảnh bằng những màn hip-hop, rap.

Theo nữ đạo diễn, chị muốn mượn hình thức sân khấu đó để chuyển tải sự khốc liệt, những đợt sóng ngầm trong tâm lý xã hội. "Điều đó không phải là quá nghịch chiều trong mỗi con người. Chỉ trong một ngày, một người cũng có lúc này lúc kia, điều đó không có gì kỳ lạ. Tôi chỉ muốn bắt lấy những khoảnh khắc rất tự nhiên đó của con người".

"Ở đây tôi muốn kết hợp tối đa các thành phần tạo nên vở diễn: âm nhạc, ánh sáng, trang trí, cảm xúc diễn viên. Bốn khía cạnh này sẽ hoàn thiện lẫn nhau, đan xen vào nhau và không có dấu vết gì của mỗi thành phần riêng lẻ. Cùng một vấn đề, một xúc cảm, tất cả thành phần sẽ cùng phối hợp để thể hiện", Lê Khanh chia sẻ.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm