Có không trống đánh xuôi kèn thổi ngược?

02/08/2014 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, việc cấp phép trong lĩnh vực hoạt động văn hóa ở nước ta, từ triển lãm cho tới phát hành sách, album nhạc, live show của ca sĩ đã có những bất cập, không biết đâu mà lần.

Đã từng có trường hợp triển lãm ở địa phương này bị từ chối cấp phép thì ở một địa phương khác lại được cấp phép. Album Đàn ông là thế của nhóm VBoys không được Sở VH,TT&DL TP.HCM cấp phép vì có một số “ca từ không hợp lệ”. Nhưng cũng album này mang về tỉnh Cà Mau thì “hợp lệ” và album vol.5 của Quang Hà bị Nhà xuất bản Âm nhạc từ chối cấp phép, nhưng lại được Sở VH,TT&DL TP.HCM cấp phép. Và gây ồn ào trong dư luận một dạo là show ca nhạc của Chế Linh được diễn tại Hà Nội, nhưng đến TP.HCM thì tạm thời chưa được tiếp nhận để cấp phép biểu diễn với lý do “chưa phù hợp với tình hình thành phố hiện nay”.

Tình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương trong việc cấp phép như nói trên có nhiều nguyên nhân. Có địa phương thực hiện chặt chẽ đầy trách nhiệm, nhưng cũng có khi do biện pháp “an toàn”. Sở VH,TT&DL, nhà xuất bản ở một số địa phương do bộ phận thẩm định cấp phép còn hạn chế về chuyên môn, hoặc do thiếu những thông tin (nhất là việc được phép lưu hành một số bài hát trước năm 1975). Cũng có khi là do quan hệ “thân thiết” nên việc cấp phép không đúng quy định hoặc mang yếu tố cảm tính. Cũng có tình trạng một số nhà xuất bản có dấu hiệu “bán giấy phép”, nên việc thẩm định và cấp phép có phần “cởi mở” hơn…

Ngoài ra, một số vấn đề không thể quy định cụ thể, như lời ca, hình ảnh (trong video), tranh vẽ (trong triển lãm)… có nơi cho là phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, nhưng cũng có nơi cho là bình thường. Việc xuất phát từ nhận thức khác nhau của cá nhân (hoặc hội đồng) thẩm định chuyên môn để cấp phép ở những địa phương khác nhau cũng sẽ dẫn đến tình trạng nêu trên.

Kết quả là lĩnh vực cấp phép trong lĩnh vực văn hóa diễn ra “thiên hình vạn trạng”, có khi không theo một quy chuẩn tối thiểu. Được hay không có khi mang đầy cảm tính hoặc thiếu thuyết phục. Những điều này chính là “khe hở” để một số nhà sản xuất, phát hành “chạy” giấy phép cho những sản phẩm mà đúng ra không nên phổ biến, điển hình là có khá nhiều quyển sách bị thu hồi, dù đã có một nhà xuất bản thẩm định và cấp phép.

Sự “lệch pha” (nơi thì không cấp phép, nơi thì đồng ý cấp phép) giữa các địa phương khi xét cấp phép trong một số trường hợp cụ thể làm cho nghệ sĩ hoang mang. Đối với sản phẩm văn hóa là album nhạc hoặc sách, với những trường hợp “lệch pha” nói trên, thì việc ngăn chặn phổ biến tác phẩm bằng cách không cấp phép là vô hiệu. Bởi sau khi được một địa phương khác cấp phép, album nhạc, sách sẽ quay lại phát hành mạnh mẽ tại TP.HCM - nơi đã từ chối cấp phép.

Việc mỗi địa phương có quyền đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép với cùng một sự kiện, một sản phẩm văn hóa dễ tạo cho mọi người liên tưởng đến tình trạng “cát cứ”. Mặc khác, với những lý do thiếu thuyết phục, nhất là đối với nghệ sĩ hải ngoại dễ tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng tung tin thất thiệt.

Làm thế nào để có một quy chuẩn tương đối “chấp nhận được” trên lĩnh vực cấp phép đối với những hoạt động văn hóa để không diễn ra tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, có phải là “nhiệm vụ bất khả thi” của cơ quan quản lý văn hóa?


Không phải… phim, phạt kiểu gì?

Đại diện Cục Điện ảnh hiện vẫn chưa biết Căn hộ 69, “phim tươi mát” gây xôn xao dư luận vừa qua thuộc… thể loại gì để áp dụng quy chế phạt khi “phim” này nhà sản xuất không có tư cách pháp nhân, không có chức năng sản xuất phim, tác phẩm cũng không qua thẩm định, cấm phép - tức… không phải là phim! Hiện nay việc phát hành trên mạng tất cả các loại hình - văn học, âm nhạc, điện ảnh... kể cả tổ chức sự kiện trên mạng ngày càng trở nên phổ biến không cần qua bất cứ khâu thẩm định, cấp phép. Vì vậy sẽ ngày càng xuất hiện những sản phẩm văn hóa “vô thể loại” nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý văn hóa?

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm