Chuyện một người Do Thái phục vụ Chính quyền Việt Minh

20/05/2014 17:39 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Việt Nam, Tình yêu của tôi” là cuốn tự truyện của Ernst Frey, một người Do Thái ở Vienna (Áo), kể lại chuyện đời mình bằng bút pháp chân thực, đầy ắp sự kiện trong suốt 13 năm sống và chiến đấu tại Việt Nam cùng Chính quyền Việt Minh.

Sách thuật lại hai mảng đời rõ rệt: Phần đầu tính từ ngày anh còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Chuyện bắt đầu từ khi anh còn là một cậu bé sống với mẹ, khi ba anh còn phải ra trận trong thế chiến lần thứ nhất. Ernst Frey đã sớm giác ngộ, nhận ra những điều tồi tệ của chế độ Áo thời đó, nên anh đã tích cực hoạt động trong Hội thanh niên trung học xã hội chủ nghĩa.

Chính vì hành động dán băng rôn, khẩu hiệu suốt dọc đường từ nhà đến trường mà anh đã bị cảnh sát bắt giam lần thứ nhất, khi vẫn còn là một cậu bé học sinh. Chỉ vài ngày nằm trong buồng giam ẩm thấp, hôi thối, bẩn thỉu với vô vàn chấy rận cũng đủ cho cậu làm quen với cảnh tù tội và hình dung ra con đường hoạt động chông gai phía trước.

Lần bị bắt kế tiếp trong buổi họp gỡ bí mật của đại biểu Đoàn thanh niên thanh niên xã hội chủ nghĩa toàn nước Áo, anh bị tòa án tuyên phạt nhiều năm tù giam. Nhờ tình cờ có chuyện thay đổi chế độ mà anh may mắn được trả lại tự do. Nhưng "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa", vốn sinh ra đã là người Do Thái nên anh không có quyền sống trên quê hương mình, tức thành phố Vienna, thủ đô nước Áo, khi bọn Quốc xã lên cầm quyền, sát nhập Áo vào Đế chế Đức dưới thời Hitler. Vậy nên, để giữ lấy mạng sống cho mình, anh chỉ còn cách trốn ra nước ngoài một cách bán công khai.


Bìa cuốn sách Việt Nam, tình yêu của tôi

Phần thứ hai là từ tháng 4/1938, trên đường trốn chạy sang Thụy Sĩ, anh bị cảnh sát Áo bắt và giam giữ nhiều tháng. Khi được trả lại tự do, anh lại vượt biên thành công sang Thụy sỹ rồi đến Pháp với mục tiêu tham gia Binh đoàn Quốc tế trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Nhưng anh lại đầu quân cho Đội quân Lê Dương và được điều động đến Algeria. Đến năm 1941, anh tình nguyện sang Đông Dương.

Vốn là đảng viên Đảng cộng sản Áo nên anh đã tìm cách bắt liên lạc với Đảng cộng sản Đông Dương khi Đảng còn hoạt động bí mật trong thời kỳ trước năm 1945. Thời gian đóng quân ở Việt Trì, anh đã thành lập ngay trong doanh trại chi bộ cộng sản. Nhưng rồi do Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, anh và các bạn trở thành tù binh của Nhật, bị đưa lên vùng rừng núi Tuyên Quang để đào đắp, xây dựng phòng tuyến quân sự dưới sự cai quản hà khắc của binh lính Nhật.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nước Nhật đại bại, Cách mạng tháng Tám thành công, trở về Hà Nội, anh chạy sang hàng ngũ Việt Minh, gặp lại đồng chí Trường Chinh mà anh đã làm quen từ trước, rồi qua đó gặp được các đồng chí khác trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.

VIỆT NAM, TÌNH YÊU CỦA TÔI
Tác giả: Ernst Frey
Dịch giả: Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh NXB Tri thức, 7/5/2014
Số trang: 412
Kích thước: 13 x 20,5 cm
Giá: 100.000 đ
Từ đó, anh mang tên Việt Nam là Nguyễn Dân, được Đảng phân công làm nhiều việc khác nhau như ra báo tiếng Pháp, huấn luyện quân sự cho bộ đội ta, làm tuyên truyền viên, vận động cho đợt tổng tuyển cử đầu tiên sau khi nước Việt Nam dành được độc lập, làm phó cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh phụ trách Khu 6, đóng quân ở thị xã Quảng Ngãi, chỉ huy trận đánh Pháp trên đèo An Khê, được phong hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, ra hoạt động ở Việt Bắc, giữ nhiều chức vụ cao trong chính quyền Việt Minh cho đến ngày anh được Đảng và Chính phủ ta tổ chức hồi hương về Vienna vào tháng 9/1950 và sống cho đến năm 1994 thì mất tại đó.

Vốn không phải là nhà văn, nhà báo mà chỉ là một người Do Thái run rủi bị truy đuổi, đẩy ra khỏi quê hương, lại là một quân nhân, Ernst Frey kể lại chuyện đời mình bằng bút pháp chân thực, đầy ắp sự kiện trong suốt một thời gian dài từ đầu những năm 30 cho đến cuối năm 1950, khi anh rời Việt Nam trở về quê hương sau 13 năm lưu lạc. Đó là một quá trình chuyển biến nhận thức từ một cậu bé hồn nhiên, vô tư cho đến lúc đã trở thành đảng viên cộng sản khi còn khá trẻ, rồi trở thành một người đàn ông già dặn ở tuổi 37.

Anh từng tuyệt đối tin tưởng vào chế độ cộng sản, vào triết thuyết Mác-Lê Nin, vào Liên Xô. Anh không hề giấu giiếm những ưu, khuyết điểm của bản thân, cũng bộc lộ tình cảm và suy nghĩ cá nhân mình đối với một số vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta và nhiều vấn đề trọng đại của nước Việt Nam trong những ngày nước sôi lửa bỏng sau Cách mạng tháng Tám hay trong giai đoạn đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1992, sau mấy chục năm đứt đoạn liên lạc, khi có điều kiện nối lại quan hệ với phía Việt Nam, Ernst Frey vẫn dành cho đất nước ta và Đại tướng Võ Nguyên Giáp một tình yêu sâu nặng, thể hiện trong lá thư ông gửi cho đại tướng: "Ở cuối cuộc đời mình, tôi chẳng tin rằng do ngẫu nhiên mà nhận được lá bài hòa giải. Tất cả tình yêu mà tôi dành cho Việt Nam và dân tộc này, ở chừng mực nào đó, tập trung vào cá nhân đồng chí, và sự chân thành của đồng chí đã làm tôi vui sướng biết bao. Đối với tôi thì Việt Nam, dẫu có những khó khăn về ngôn ngữ, là quê hương mình mà năm 1950 tôi phải để lại. Đó cũng là đất nước duy nhất mà vì nó, tôi sẵn sàng hy sinh cả máu mình".

Cuốn tự truyện của Ernst Frey đã cung cấp cho người đọc một lượng thông tin đồ sộ, nhiều mặt, khách quan về những biến cố quan trọng trong lịch sử nước ta dưỡi nhãn quan của một người châu Âu, sau khi anh ấy đã trực tiếp tham gia vào các sự kiện đó. Bởi thế, tự nó, cuốn sách đã mang một giá trị lịch sử nhất định.

Trần Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm