Chen chân xem hát ca trù

15/06/2012 10:19 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội (24, Tràng Tiền) tối 13/6 đã không đáp ứng đủ chỗ ngồi cho khán giá đến với chương trình Ca trù đàn hát khuôn của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức.

Hơi bất ngờ vì với một chương trình âm nhạc cổ truyền như Ca trù mà cách giờ diễn khoảng 20 phút, hầu như đã không còn ghế trống. Không ít khán giả đến muộn thậm chí không vào được khán phòng.


Nghệ nhân Kim Đức trong buổi diễn.

Trong khán phòng khá hiện đại của L'Espace, một không gian diễn xướng đặc biệt dành cho ca trù được dựng lên một cách trang trọng, linh thiêng, tái hiện không gian Hát cửa đình với bố cục gồm hai con hạc hai bên, ở giữa là bàn thờ, trung tâm của sân khấu là nơi biểu diễn.

Các học trò của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức đã ca những bài bản như Bắc phản, Hồ Tây, Bút huê thảo, Tràng An hoài cổ, Tiếng Dương Tranh - những tác phẩm được trích từ thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến. Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức trình bày bài Tỳ bà hành - một tác phẩm lớn dành riêng cho những bậc thầy. Kép đàn NSND Xuân Hoạch và trống chầu Quang Minh cùng các ca nương đã tạo nên bộ ba trên sân khấu ca trù. 

Nếu không tính đến sự cố âm thanh với micro dẫn chương trình, sự thay đổi nội dung (không có tọa đàm như đã thông báo), Ca trù đàn hát khuôn của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức và các truyền nhân quả là một đêm trình diễn khó quên. Trong suốt một tiếng đồng hồ của chương trình, ngoài những đoạn dẫn song ngữ trước mỗi phần trình diễn, duy chỉ có tiếng vỗ tay tán thưởng dành cho các nghệ sĩ chứ không có tiếng thì thầm trò chuyện to nhỏ như các chương trình khác. Ngay cả với những khán giả đến đây lần đầu tiên vì tò mò cũng rất tập trung lắng nghe. Chưa kể, khi ghế phụ được kê thêm vẫn không đủ, có những khán giả sẵn sàng ngồi xuống sàn để thưởng thức. Quả là một sức hút khó tả của ca trù!

Ca trù đàn hát khuôn là lời tri ân của những truyền nhân Nguyễn Khánh Linh, NSƯT Đoàn Thanh Bình, Phó Hà My, NSND Xuân Hoạch, Quang Minh với nghệ nhân Phó Thị Kim Đức- người đã tâm huyết cả đời với nghiệp đào nương. Ở tuổi 82, nghệ nhân Kim Đức tiếp tục truyền giữ loại hình nghệ thuật tinh hoa này với một phương pháp sư phạm mà bà đã mất nhiều năm tháng và công sức để nghiên cứu.

Lam Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm