"Bếp núc" truyền hình thực tế: Những bài học cay đắng

23/08/2012 11:00 GMT+7 | Truyền hình thực tế


American Idol của 2 mùa gần đây đã thẳng tay cắt bỏ những tiết mục làm trò, gây cười, vốn là yếu tố câu khách từng được khai thác triệt để.

Dẫu vậy, không phải lúc nào “món ăn” được nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế chế biến cũng đánh lừa được khán giả, nhất là khi nó xuất hiện với mật độ dày đặc. Thậm chí, sự quá tay của nhà sản xuất trong một số chương trình đã khiến chính những người trong cuộc bị tổn thất, tổn thương.

Tìm đến cái chết vì bị tổn thương

Cho đến nay, chưa có chương trình truyền hình thực tế nào ở Việt Nam gây ra những hệ quả nghiêm trọng ngoài sự cố thí sinh Quỳnh Anh trong chương trình phát sóng của Vietnam’s got talent. Khi nhà sản xuất sử dụng hình ảnh với những lời tâng bốc thái quá của gia đình cô bé này về khả năng ca hát của con em mình so với thực tế diễn ra khiến dư luận bức xúc.

Quỳnh Anh và gia đình đã không chịu nổi những trận cuồng phong chỉ trích, lên án của dư luận đến mức phải gửi đơn cầu cứu đến Quốc hội. Còn trên thế giới, đã có nhiều sự cố nghiêm trọng xảy ra trở thành những bài học cay đắng cho những nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế.

Trước khi tham gia Britain’s got talent, nha sĩ về hưu Alyn James cảnh báo rằng mình có nguy cơ tự sát rất cao nếu tiết mục tranh tài của ông trở thành trò hề cho khán giả truyền hình.



Ian Benardo kiện American Idol và cho rằng BTC đã chơi 'đểu' mình khi khuyến khích anh thu hút khán giả bằng hành động gây sốc nhưng sớm đánh rớt, gây cho anh những tổn thất về tinh thần. Ảnh: REUTERS

Từ chuyện của James, người đứng đầu Quỹ Sức khỏe Tâm thần, ông Andrew McCulloch, đã đặt ra một vấn đề nghiêm trọng: “Mang những người dễ bị tổn thương ra để cười nhạo là không được. Điều đó vượt xa mọi ranh giới đạo đức. Tôi sợ rằng điều tồi tệ nhất sẽ không thể tránh khỏi. Nếu một người phải chịu quá nhiều áp lực tinh thần, một ngày nào đó anh ta sẽ kết thúc cuộc sống của mình”.

Sự thật, số lượng người có liên quan đến những áp lực mà các chương trình truyền hình thực tế gây ra tìm đến cái chết ngày càng tăng. Và rõ ràng những điều này xảy ra hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.

Để tăng cảm xúc cho người xem, các chương trình truyền hình không ngần ngại chọn những người có tâm lý không ổn định, dễ xúc động để đưa lên sóng. Khi khán giả cảm thấy thích thú chứng kiến những thí sinh khóc lóc, đau khổ, những người trong cuộc phải chịu nhiều áp lực để chống chọi với những lời gièm pha và xét nét của thiên hạ.

Gia đình của cô gái xương thủy tinh Phương Anh đã thẳng thừng từ chối mọi cuộc tiếp xúc với báo chí trong và cả sau khi cuộc thi Vietnam’s got talent kết thúc vì lý do rất đơn giản và thực tế: “Cảm ơn vì sự quan tâm nhưng càng xoáy sâu vào tổn thương thể xác mà Phương Anh đang mang càng khiến cho chúng tôi bị tổn thương tinh thần” - mẹ Phương Anh chia sẻ.

Rõ ràng không phải ai cũng sẵn sàng và đủ mạnh mẽ để chấp nhận những câu chuyện cổ tích do nhà sản xuất nhào nặn nhằm phục vụ cho mục đích quảng bá chương trình của mình.

“Đế chế” cũng lung lay

Gã khổng lồ American Idol từng điêu đứng khi dính đến vụ kiện với thí sinh mà mức bồi thường phía nguyên đơn đưa ra lên đến 300 triệu USD. Nguyên đơn là một thí sinh đã từng tham gia American Idol 2006 - Ian Benardo. Theo nguyên đơn, các nhà sản xuất của chương trình đã lật mặt anh một cách trắng trợn.

Khi Ian tham gia vòng thi thử giọng, anh được các nhà sản xuất định hướng về phong cách của mình. Họ động viên anh thu hút sự chú ý bằng “gay” hóa bản thân. Nhưng cuối cùng anh bị buộc rời khỏi cuộc thi như “một mối nguy hiểm”. Anh cho rằng những nhà sản xuất đã cố tình dùng anh như một chiêu để tự tiếp thị và thu hút sự chú ý cho cuộc thi. Điều đó đã gây thiệt hại to lớn cho danh dự, nhân phẩm cũng như những vết thương về tinh thần cho chàng trai trẻ này.

Không chỉ thế, sau hàng loạt vụ tự vẫn của thí sinh vì xấu hổ, công chúng đồng loạt chỉ trích các chương trình truyền hình thực tế. Thậm chí những chương trình vô hại, như The X Factor, American Idol, Britain’s got talent, American’s got talent,… cũng bị tẩy chay khi sử dụng quá nhiều xì-căng-đan để quảng bá cho chương trình.

American Idol của 2 mùa gần đây đã thẳng tay cắt bỏ những tiết mục làm trò, gây cười, vốn là yếu tố câu khách từng được khai thác triệt để. Ngoài việc những giọng ca xứng đáng có nhiều đất hơn để thể hiện tài năng, nhà đài cũng hạn chế được những trường hợp các thí sinh bị đem ra để chọc cười người xem. Tuy nhiên, không phải chương trình nào cũng có được sự mạnh dạn này, bởi nếu thiếu những giây phút gây cười đến ngớ ngẩn, truyền hình thực tế có thể sẽ không còn là chính mình.

Nói về truyền hình thực tế, những tình huống gây cười, sốc, bất ngờ là điều không thể bỏ qua. Nhưng không phải các chương trình ở nước ngoài sốc thế nào thì ta cũng phải sốc thế đấy. Đã có quá nhiều dẫn chứng cho thấy sự tàn nhẫn của thể loại truyền hình này trên thế giới, còn với Việt Nam, nơi có lối sống và nền văn hóa Á Đông, nếu không tìm ra được những góc nhìn phù hợp thì những vụ việc chấn động chắc chắn sẽ không còn quá xa vời.

Trở thành thảm họa

Năm 2008, chương trình Extreme makeover của đài ABC đã bị lên án khi vô tình khiến em gái của một người chơi phải tự vẫn. Năm 2011, chồng của nữ diễn viên truyền hình thực tế Taylor Arm (The Real Housewives of Beverly Hills) cũng đã tìm đến cái chết do những cáo buộc về việc bạo hành gia đình được công khai trên truyền hình. Được dẫn dắt bởi cựu chính trị gia Jerry Springer, Jerry Springer Show được xem là nơi mà các vấn đề rắc rối của gia đình được đem ra thảo luận để khán giả và chuyên gia có thể cùng nhau tìm hướng giải quyết.

Nhưng trái ngược với những lời giới thiệu “mật ngọt”, Jerry Springer Show bị nhận xét là một trong những “chương trình truyền hình tệ nhất trong lịch sử” do tờ TV Guide bình chọn. Khai thác những câu chuyện gây tranh cãi, như “Bạn trai tôi là phụ nữ”, “Tôi đã ngoại tình”…, Jerry Springer Show luôn kết thúc bằng những màn ẩu đả, cãi vã giữa các khách mời cùng những màn cổ vũ động viên của khán giả. Nhiều khách mời của chương trình này đã phải tìm đến cái chết vì bị tổn thương trước những lời chế giễu.

Theo Người lao động

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm