Bao giờ khán giả mới hết “thờ ơ”?

25/11/2012 08:20 GMT+7 | Truyền hình thực tế


(Thethaovanhoa.vn) - Đêm công bố kết quả của chương trình Việt Nam Idol hôm 23/11 vừa qua, khi 3 thí sinh Thanh Tùng, Anh Quân và Bảo Trâm đứng vào top nguy hiểm, hai giám khảo của cuộc thi này đã có lời “trách móc” đến khán giả.

Từ sự "trách móc" khán giả của giám khảo

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: “Tôi có cảm nghĩ là kết quả này không công bằng, không phải là khán giả không nhận ra đâu là giọng hát tốt, đâu là giọng hát kém. Tôi nghĩ khán giả chưa thật sự quan tâm đến các thí sinh cũng như cuộc thi…”.

Còn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì cho rằng: “Tôi bất ngờ khi Bảo Trâm ngồi trong ghế nguy hiểm này. Tôi nghĩ có nhiều người thích, nhưng họ vẫn còn thờ ơ… Tôi mong rằng khán giả thích một ai đó thì xin đừng thờ ơ để rồi hối tiếc”.

Có lẽ cả 2 vị giám khảo này “trách” khán giả “xịn” - những khán giả biết được hay, dở của thí sinh, giống như giám khảo - vì đã không nhắn tin bầu chọn nên để những khán giả “không xịn” làm sai lệch kết quả, không như ý muốn của hai giám khảo.

Việc nhắn tin bầu chọn là quyền của khán giả, nếu nói như 2 giám khảo Quốc Trung và Quang Dũng thì lý do là vì khán giả không quan tâm, thờ ơ với thí sinh và chương trình. Nếu họ thờ ơ, không quan tâm thì có lẽ họ đã không xem, nhưng quảng cáo trên chương trình này vẫn ào ào, chứng tỏ lượng người xem là rất lớn.

Thí sinh Bảo Trâm, 1 trong 3 thí sinh trong top nguy hiểm do “kết quả không công bằng”

Đến một sự thật...

Và có lẽ cả giám khảo cũng phải tập chấp nhận một sự thật, khán giả bình chọn là chuyện của khán giả, không nhất thiết phải giống các giám khảo, bởi tiêu chí duy nhất của họ là “thích”, mà cái “thích” của khán giả có khi không phải là hát hay, hát tốt. Thực tế của thị trường âm nhạc cho thấy nhiều giọng ca bị giới chuyên môn đánh giá thấp nhưng họ lại được đông đảo công chúng yêu thích và có số lượng fan cực lớn. Đó cũng là đặc điểm của khán giả Việt Nam hiện nay.

Cội nguồn của việc khán giả bầu chọn để quyết định những ngôi vị cao nhất của cuộc thi, xuất phát từ việc phục vụ “thượng đế” của các đài truyền hình nước ngoài. Vì là kênh truyền hình thu tiền, nên các nhà đài nước ngoài phải điều tra, tìm hiểu xem các khách hàng của mình thích nội dung gì để xây dựng nội dung hầu có nhiều người xem nhất. Với những gương mặt ca sĩ mới từ các cuộc thi, người xem đài thích ai thì cứ việc bầu người đó, sau này nhà đài sẽ cho họ tha hồ thưởng thức ca sĩ đó hoặc tương tự như vậy…

Việc Quốc Trung và Quang Dũng mong muốn khán giả bầu chọn “chính xác” như giám khảo là mong muốn tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn lại không như thế, bởi khán giả không phải là giám khảo. Nhất là “gu” thẩm mỹ của khán giả và những người làm nghề âm nhạc ở Việt Nam hiện nay có một khoảng cách khá xa… và với tình hình như hiện nay thì không biết đến bao giờ khán giả mới hết “thờ ơ”?

Hải Long
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm