"Bài hát yêu thích" là bài hát nào?

12/03/2012 07:43 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH Cuối tuần) - 50 triệu đồng trao thưởng cho bài hát đứng đầu Bảng xếp hạng trong tháng, 40 triệu cho ca sĩ thể hiện, 10 triệu cho nhạc sĩ sáng tác; 1 tỷ đồng cho ca sĩ và 300 triệu đồng cho nhạc sĩ có bài hát đứng đầu Bảng xếp hạng năm; khán giả bình chọn đúng bảng xếp hạng tuần được 2 triệu đồng, đúng bảng xếp hạng tháng được 15 triệu. Như vậy vị chi số tiền riêng cho giải thưởng Bài hát yêu thích trong năm 2012 này là 3,46 tỷ đồng. Tiền sản xuất chương trình (nghe đâu) là 1,3 đến 1,5 tỷ/show. Xấp xỉ 20 tỷ (tương đương 1 triệu USD) cho một bảng xếp hạng âm nhạc trong năm - có lẽ đây là bảng xếp hạng ca khúc “đắt giá” nhất thế giới.

Trong live show thứ ba chương trình Bài hát yêu thích phát sóng trên VTV3 tối Chủ nhật 4/3, trả lời câu hỏi “Bảng xếp hạng bài hát yêu thích có cần thiết cho thị trường âm nhạc hay không?”, nhạc sĩ Huy Tuấn nói: “Một bảng xếp hạng cần thiết cho tất cả các thị trường âm nhạc, nhất là với một thị trường đang đi những bước đầu tiên như Việt Nam. Bởi mọi người đều tìm thấy mình ở đó. Khán giả thấy sự đồng cảm trong các bài hát, ca sĩ biết được bài hát của mình được yêu thích như thế nào còn nhạc sĩ, nhà sản xuất thì biết xu hướng âm nhạc ra sao để điều chỉnh. Bảng xếp hạng góp phần cho thấy sự phát triển chung của ca nhạc nước nhà”. Một câu trả lời xác đáng. Nhưng để có một bảng xếp hạng ca khúc được yêu thích với những mục tiêu như vậy, hoàn toàn không đơn giản với thực tế thị trường ca nhạc Việt Nam hiện nay.

Thu Minh đang dẫn đầu Bài hát yêu thích tháng 3 với ca khúc Bay

Nếu lấy những bảng xếp hạng ca khúc trên thế giới làm chuẩn, danh giá như Billboard của Mỹ, láng giềng như Korea Hot 100 hay Kpop Hot 100 của Hàn Quốc, xa hơn là Japan Hot 100 của Nhật Bản hoặc “hẻo lánh” một chút như Turkiye Top 20 ở Thổ Nhĩ Kỳ…, thì thấy chúng đều đưa ra kết quả dựa trên sự thống kê của một hệ thống kiểm toán uy tín là Nielson Soundscan trong 3 lĩnh vực: số lượng băng đĩa bán ra trên toàn thế giới; số lần phát trên sóng phát thanh và số lượng mua trên mạng. Thực tế này cũng chính là những gì ca sĩ Thanh Bùi chia sẻ với khán giả trong chương trình Bài hát yêu thích tuần vừa rồi về bảng xếp hạng ca khúc yêu thích ở Úc. Nghĩa là các bảng xếp hạng này được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở những việc diễn ra tự nhiên trong đời sống, đó là đời sống thực của âm nhạc, chứ không được liệt kê ra để cho một nhóm người bầu chọn và cũng chẳng có buổi biểu diễn nào được tổ chức để vận động bầu chọn. Và “chuẩn” của sự yêu thích cũng được quy rất chuẩn bằng giá trị kinh tế dựa theo một logic thực tế: Chỉ cái gì phải bỏ tiền ra để sở hữu mới chứng tỏ bạn thật sự cần/yêu thích chúng!

Trước khi có Bài hát yêu thích, ở Việt Nam đã có một bảng xếp hạng ca khúc từng đúng như “định nghĩa” trên đây của nhạc sĩ Huy Tuấn, được mệnh danh là “hàn thử biểu” của thị trường ca nhạc, khiến cả ca sĩ, nhà sản xuất lẫn công chúng đều chờ đợi, đó là Làn sóng xanh, khởi đầu từ năm 1997. Kết quả của bảng xếp hạng này căn cứ vào phiếu bầu của công chúng, còn điều kiện để ca khúc tham gia bầu chọn là ca khúc đã được ghi âm và phát hành trên thị trường. Thời kỳ uy tín nhất của bảng xếp hạng này cũng chính là thời kỳ quy trình bầu chọn được thực hiện một cách “tự nhiên” nhất. Tuy nhiên, một giai đoạn sau đó, phiếu bầu bị chi phối bởi các fan club của ca sĩ, những người điều hành bảng xếp hạng buộc phải dùng nhiều “biện pháp kỹ thuật” để can thiệp. Và rồi, kết quả như mọi người đã thấy, Làn sóng xanh vẫn tồn tại, nhưng giờ đây nó mang tính chất một cuộc chơi nhiều hơn là một bảng xếp hạng đúng nghĩa. Các nhà sản xuất âm nhạc không còn dùng nó để “đọc” xu hướng thị trường. Đấy cũng là lý do khiến những bảng xếp hạng khác rục rịch ra đời, trong đó có Bài hát yêu thích.

Trở lại với Bài hát yêu thích và tham vọng trở thành một bảng xếp hạng ca khúc mới đáng giá ở Việt Nam (phải đáng chứ, vì hàng chục tỷ được bỏ ra cơ mà), nếu nhìn vào quy trình để đi đến kết quả sau cùng sẽ thật khó biết đích xác: Bài hát yêu thích của ai, hay Ai yêu thích bài hát đó?

Khán giả ư? Không sai và cũng không hẳn. Theo thể lệ bình chọn, khán giả gửi tin nhắn sẽ quyết định 25% kết quả; số lượt xem/nghe bài hát trên mạng quyết định 15% kết quả. Tổng hợp lại, khán giả quyết định 40% kết quả bảng xếp hạng. Nhưng khán giả không có quyền bỏ phiếu cho bài hát mà họ yêu thích trong vô số bài hát đang sống với họ hàng ngày, mà chỉ được chọn trong số đã được một ban tuyển chọn 15 người “lọc” trước (sau đó được trình diễn trong các live show). Vì vậy kết quả này có thể được “dịch” là: Bài hát được tuyển chọn được khán giả yêu thích.

Căn cứ vào con số treo thưởng của ban tổ chức, cuộc chơi đổi tên thành Ca sĩ yêu thích có lẽ thích hợp hơn là Bài hát yêu thích khi khoản tiền thưởng dành cho ca sĩ cao gần gấp 3,5 lần tiền thưởng cho cha đẻ của bài hát được yêu thích.

Song, không tin vào đám khán giả có lẽ bát nháo này, 60%kết quả bảng xếp hạng được quyết định bởi một hội đồng bầu chọn gồm 120 người do ban tổ chức mời. Được xem như những “đại cử tri” với lá phiếu có giá trị hơn hẳn, nhưng hội đồng này (và cả hội đồng tuyển chọn 15 người nói trên), chiếm đa số là các nhạc sĩ sáng tác, nhà sản xuất âm nhạc, nhà báo mà phần đông trong số họ đang… nuôi “gà” (là các ca sĩ), lại phải tuân thủ nguyên tắc “bình chọn dựa trên sự yêu thích cá nhân một cách trung thực theo cảm nhận của mình và không chịu tác động nào từ bên ngoài” (thể lệ của chương trình) mà ai cũng biết là chả có gì kiểm soát được.

Hai cái kết quả này “trộn” lại với nhau thì sẽ cho ra cái gì? Thật khó có thể nói đó là kết quả Bảng xếp hạng bài hát yêu thích khi chủ thể của hành động yêu thích này lại được pha trộn theo kiểu... đầu người, đuôi cá. Nhưng một cuộc chơi hoành tráng mới của nhà đài với sự tham gia của các nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ với hy vọng thu hút sự quan tâm của khán giả xem truyền hình thì hoàn toàn có thể. Có lẽ đấy cũng là lý do nhà tổ chức phải vời ngay đạo diễn Việt Tú vào “giải cứu” cho show diễn thứ ba sau hai show đầu tiên kém hấp dẫn.

Vân Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm