Vì sao vụ xét xử Bạc Hy Lai lại được dư luận rất quan tâm?

23/08/2013 15:02 GMT+7 | Trong nước


Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị đưa ra xét xử, cả thế giới quan tâm theo dõi. Đây là việc chưa từng xảy ra dù trước đây Trung Quốc cũng đã hai lần đưa Ủy viên Bộ Chính trị, gồm cựu Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng (đã mất) và cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ ra trước vành móng ngựa. Tội danh khác nhau cũng như tính nhạy cảm về chính trị đã khiến mức độ quan tâm tới vụ án Bạc Hy Lai cao hơn hẳn so với vụ án Trần Hy Đồng và vụ án Trần Lương Vũ.

Theo tờ Minh báo của Hồng Công, ngoài tuyên bố của chính quyền, hai phái tả, hữu ở Trung Quốc đều không có ai tin rằng vụ Bạc Hy Lai là một vụ án hình sự đơn thuần. Ý nghĩa chính trị của vụ án Bạc Hy Lai không chỉ nằm ở xuất thân thuộc phe "Thái tử" (con cháu quan chức cấp cao) của nhân vật này, mà còn nằm ở chính sách “xướng hồng đả hắc” (hát nhạc đỏ, tấn công tội phạm) đầy tranh cãi mà Bạc Hy Lai đã cho thực thi ở Trùng Khánh. Hơn nữa, yếu tố chính trị của vụ án Bạc Hy Lai còn được nhìn thấy từ việc cả hai phe tả, hữu ở Trung Quốc đều muốn lợi dụng vụ án này để “làm phách”, nhằm đạt được lợi ích và khuếch trương thanh thế.

Đối với phái hữu, vụ án Bạc Hy Lai là cơ hội tốt nhất để họ vạch trần thể chế hiện hành, mượn cớ “đánh” Bạc Hy Lai để xem xét lại Cách mạng Văn hóa, thanh toán Mao Trạch Đông. Phái hữu cũng hy vọng thông qua việc xét xử Bạc Hy Lai buộc giới chức cấp cao Trung Quốc tiếp tục công bố thêm nhiều vụ bê bối tham nhũng khác, từ Bạc Hy Lai truy tiếp tới Chu Vĩnh Khang (cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) và tốt nhất là tới cả cựu lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân. Cho dù không lật đổ được chế độ hiện hành, nhưng phái hữu mong muốn chí ít khiến giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bối rối, dẫn tới việc nội bộ bị chia rẽ. Trên thực tế, từ khi Bạc Hy Lai bị bãi miễn chức vụ vào ngày 15/3/2012 tới trước Đại hội 18, mục tiêu này đã tiến gần tới hiện thực.

Đối với phái tả, do trong gần 30 năm cải cách mở cửa, họ gần như bị gạt ra bên lề. Chính sách mới của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh đã châm lại ngọn lửa hy vọng của họ. Nhưng khi đứng trước thời điểm “sắp vào Thường vụ Bộ Chính trị”, Bạc Hy Lai lại cố tình giữ khoảng cách đối với phái tả. Dẫu vậy, khi bị “ngã ngựa” vào năm ngoái, Bạc Hy Lai đã lập tức trở thành “thần tượng” của phái tả. Việc Bạc Hy Lai bị đưa ra xét xử, trên thực tế, đã hoàn thành quá trình “phong thánh” đối với nhân vật này.

Đối với chính quyền Trung Quốc, việc xét xử Bạc Hy Lai là muốn thể hiện với dân chúng quyết tâm chống tham nhũng và nhằm nhanh chóng lật sang chương mới, đặt dấu chấm hết cho sự hỗn loạn về tư tưởng ở trong và ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng xem xét tình hình hiện nay, mục tiêu chống tham nhũng xem ra rất khó có thể thực hiện được, còn mục tiêu chấm dứt sự hỗn loạn về tư tưởng có đạt được hay không cần phải quan sát tiếp.

Nói tóm lại, mọi người dường như đều cho rằng tội mà Bạc Hy Lai phạm phải giống như “tội đáng ghét” mà nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc đã nói. Tức là ban đầu, Bạc Hy Lai bị người khác coi là “đáng ghét”, cho nên, cuối cùng đã phải mang tội. Nhưng việc phán quyết tội của Bạc Hy Lai không hề dễ. Trong bối cảnh Trung Quốc thiếu niềm tin chung vào tư pháp, phán quyết nặng cho Bạc Hy Lai sẽ làm phái tả tức giận, nhưng nếu phán quyết nhẹ cho Bạc Hy Lai thì lại đắc tội với phái hữu. Vấn đề lớn nhất hiện nay là hai phái không chịu “lấy lòng” nhau.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm