Ông Hồ Tri Liêm & ông Đoàn Sinh Hưởng: Những vị tướng làm bóng đá

08/08/2009 11:36 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Quân khu 4 là của tướng Hưởng. Ở Thể Công có tướng Liêm. Ông Đoàn Sinh Hưởng hàm trung tướng, nhìn Quân khu 4 là thấy dáng hình ông. Ông Hồ Tri Liêm là thiếu tướng về hưu, người từ 3 năm nay hễ Thể Công ở đâu là chỗ đó có ông!

CEO Hồ Tri Liêm

“Xin các đồng chí trật tự, khi chúng ta liên hoan thì mọi người thoải mái nói chuyện, còn bây giờ, hãy nghe xem Thể Công của chúng ta trong tương lai sẽ thế nào”, ông Hồ Tri Liêm hắng giọng trước cử tọa hàng trăm người tề tựu ngày Thể Công kỷ niệm 53 năm thành lập đội bóng (2007).

Người viết chưa khi nào thấy ông nói nhiều như hôm ấy. “Thể Công sẽ rất mạnh. Thể Công sẽ trở lại. Chúng tôi hứa như thế. Thể Công sẽ hợp tác với Bayern Munich của Đức, sẽ có một trung tâm đào tạo VĐV đồ sộ ở Hòa Lạc (Hà Nội)”.

Tướng Hồ Tri Liêm làm bóng đá chỉ là giúp cho lính cũ - Ảnh:VSI

Bản thân tướng Liêm không bao giờ hình dung, rằng: ông, một người ngoại đạo với bóng đá, lại có ngày là CEO (giám đốc điều hành) của 1 CLB bóng đá, lại đứng bục diễn thuyết trước đám đông toàn những người tập bóng đá từ tấm bé, lăn lộn với sân cỏ cả cuộc đời và rất nhiều đã góp tay xây Thể Công thành một tượng đài (và dĩ nhiên có cả những người làm cho cái tượng đài ấy sụp đổ năm 2004).

Ngày ông Liêm đến với bóng đá cũng là ngày ông đến với Thể Công. Trước, ông là Tư lệnh Bộ tư lệnh Thông tin. Rồi về hưu. Thể Công được chuyển giao từ Cục Quân huấn sang cho Viettel năm 2005. Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Anh Xuân trước là lính của ông, nay mời sếp cũ ra quản lý đội bóng.

Thể Công dưới bàn tay của tướng Liêm vừa có hay mà cũng códở. Nhưng dởít hơn hay. Cái dởđa phần xuất phát từviệcông không đi lên từ bóng đá. Vàcái hay là do ông không thọc tay vào chuyện chuyên môn. Chỉ đôi khi, ông nhiệt tình và lo cho đội bóng quá mới đá nhầm sân.

“Này, ông cho chúng nó tập nhè nhẹ thôi để cuối tuần nó còn đá chứ”, ông Liêm đi như chạy từđầu sân bên này sang đầu sân bên kia ở sân tập Mỹ Đình để “nói chuyện” với Tomas Viczko, người dẫn dắt Thể Công năm 2007. Hôm ấy mới là thứ 3, Thể Công phải thứ 7 mới đá. Sự nhiệt tình và lo lắng của một người không hiểu chuyên môn huấn luyện đã làm ông sốt sắng. Tomas chỉ cười.

“Ông làm như thếđấy à! Tôi nói này. Nghe đây! Quay lại nghe tôi nói! Phải có có cách để giữ chân cho cầu thủ chứ. Tập mà chấn thương nhiều thế à!”. Khẩu khí đúng là của một Tư lệnh. Tướng Liêm quát HLV Galhidi ở sân Nhổn trong một buổi chiều mùa 2008, lính Thể Công không hiểu sao đá giao hữu với Ninh Bình chấn thương hàng loạt. Lý do không phải là tập, chỉ do bản thân các cầu thủ thiếu kinh nghiệm và không biết kiểm soát bản thân. Như cú bật cao không cần thiết của hậu vệ Duy Linh ngã xuống gãy tay. Cú đi bóng chọc tức đối thủ của Bảo Khanh khiến anh ăn thẳng cú đạp vào cổ chân.

Tướng Liêm chăm lính thì phải biết. Hè nắng như đổ lửa ra sân tập. Ông khệ nệ khênh 2 thùng “bò húc” ra phát cho các cầu thủ. Tự bóc rồi trao tận tay từng cầu thủ. Nghe nhiều người bảo lính Thể Công tập nặng mà vẫn chưa thực khỏe, tối ông mua sữa bột của Mỹ phát mỗi cầu thủ 2 thìa. Uống cho nó có dinh dưỡng để chạy cho nhanh.

3 năm làm bóng đá, ông Hồ Tri Liêm cũng đã biết ứng phó với những vấn đề chỉ có ở bóng đá. Lần Thể Công mượn Trung Kiên từ TMN.Cảng Sài Gòn mùa 2007, (nay là TPHCM), đội mất cả trăm triệu đồng, nhưng Kiên không đá, ít tập. Kiên muốn về Ninh Bình đá nốt nửa mùa, nhưng đợi đến ngày chốt xong danh sách giữa mùa ông mới thanh lý. Kiên nửa mùa bơ vơ. Xong vụ ấy, ông hỏi người viết: “Cậu thấy tôi làm thế có hợp lý không? Thể Công đâu phải cái chợ!”.

Nhưng cũng vì mới chỉ là người làm bóng đá 3 năm, nên nhiều khi ông quên khuấy cách quản lý“rất bóng đá” ấy. Vụ Francois được cho rời Thể Công để về T&T HN là một nước cờ sai lầm. Đối thủ như mèo hóa hổ khi có cựu tiền đạo Thể Công. Bây giờ, ai cũng bảo Thể Công đã rất dại.

Không biết ông nghĩ sao, nhưng mùa này và cả lượt về nữa, ít khi ông cười. Hôm thua vỡ mặt trước Thanh Hóa với tỉ số 2-4, người Viettel không có ai ra Hàng Đẫy, nỗi xấu hổ với trận thua Đồng Tháp trước đó quá lớn. Chỉ mình tướng về hưu Hồ Tri Liêm thẫn thờ tới chục phút trên khán đài. Trận sau, ông cứ đứng dưới đường piste, tựa lưng vào bờ tường, thẫn thờ như anh lái xe mất chìa khóa. Nhưng nỗi đau ấy chỉ như cái kim chích vào da so với nỗi đau Thể Công thua Quân khu 4 với tỉ số 0-3 và lóp nga lóp ngóp ở dưới bảng xếp hạng lúc lượt đi.

Thể Công của Viettel, lại cóCEO làtướng vềhưu Hồ Tri Liêm màthếư? May màThểCông giờ cũng chỉcách vạch trụhạng vài centimet và lại đứng trên Quân khu 4.

“Big boss” Đoàn Sinh Hưởng

“Quân khu 4 mới là đội bóng quân đội. Chúng tôi làm bóng đá vừa thành công mà có bản sắc đậm đà”, hồi giữa mùa, người Quân khu 4 ra ngoài Hà Nội họp hành ở Bộ Quốc phòng vẫn tâm đắc, tự hào như thế, và cũng không quên “đá” vài câu về cái sự thất thế của Thể Công để so sánh giữa “lính tỉnh lẻ” với “lính Thủ đô”.

Bỏ qua chuyện Quân khu 4 và Thể Công tiếng là cùng đội bóng quân đội, cọ kẹ nhau cái tiếng cái miếng, phải thấy đội bóng Quân khu mang hình hài của trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Tư lệnh Quân khu 4.

Tướng Đoàn Sinh Hưởng mê bóng đá từ bé.

Khác với CEO Hồ Tri Liêm, tướng Đoàn Sinh Hưởng thực sự là người đã tái sinh đội bóng Quân khu và là một “big boss”-ông chủ lớn thực sự.

Ông về Quân khu 4 làm Tư lệnh (người đứng đầu của 1 trong 7 đơn vị quân sự cao nhất chia theo khu vực địa lý của đất nước) cũng là lúc mà đội bóng đang đứng bên bờ vực giải thể. Yêu bóng đá từ nhỏ, chơi bóng đá từ bé, đam mê bóng đá hơn các vị tướng lĩnh khác, nên ông quyết giữ và quyết nuôi nó. Quân khu 3 giải tán đội bóng. Đội bóng Quân khu 7 giải thể, bán suất ở hạng Nhì cho bên Công an. Nhưng ông Hưởng quan niệm: Quân khu 4 phải tồn tại và phải là niềm tự hào của người lính.

Cũng vì yêu bóng đá, và có biết tí chút về chuyên môn như thế nên tướng Hưởng như vị Giám đốc kỹ thuật. Nhiều khi vai trò của ông với HLV Vũ Quang Bảo cũng chẳng khác Calisto với Huỳnh Ngọc San ở ĐTLA. Ông hầu như tuần nào, thậm chí ngày nào (thời gian này) cũng xuống sân xem đội tập. Trận nào đá ở Vinh ông cũng ngồi họp kỹ chiến thuật trước trận đấu. Ông không cầm sa bàn, nhưng đội hình thế nào, xếp vị trí nào đôi khi cũng thể hiện tâm tưởng của ông.

Ngày nhỏ ông hay đá bóng buổi trưa. Giờông chỉthị cầu thủcủa mình chiều chiều ra sân tập sớm nhất Việt Nam, từlúc 14h00 (trong khi nhiềuđội là 16h00). Ngày trước ông đi lính chiến đấu không có lễ tết. Giờ Quân khu 4 tập miệt mài. Tết Nguyên đán năm rồi, đội không nghỉ, đóng quân ở Thành Long tập thông Tết.

“Cậu phải bắt nó đọc xem người ta viết gì về nó. Chứ nó như thế là rất tệ”, ông Hưởng bảo anh phiên dịch ở đội dịch bài báo trên TT&VH cách nay ít lâu viết về Lazaro từ một tá điền hái cà phê ở Brazil trở thành công thần ở Quân khu 4. Ông Hưởng sâu sát từng chuyện rất nhỏ ở đội, bởi là tướng thì phải “ba cùng” với quân mới ổn.

2 lần gần nhất Quân khu 4 ra Thủ đô đá với T&T HN, ông Hưởng không đi cùng, nhưng máy điện thoại của ông luôn mở, nối với khu kĩ thuật của đội. Xong trận, thấy HLV Vũ Quang Bảo trên sân Hàng Đẫy đứng xoay người hướng về phía Nam, như đối diện với Tư lệnh, báo cáo tướng Hưởng.

Ông Hưởng xây cho Quân khu 4 hình ảnh của một đội bóng nhà nghèo, dù người ta vẫn hồ nghi, chưa chắc nó đã thực nghèo. Năm đội lên hạng (2008), ông thưởng nóng cho các cầu thủ tô phở và hột trứng vịt lộn, còn tiền thưởng như thế nào không kể. Mùa này khi đội chơi tưng bừng, các cầu thủ vẫn ăn đạm bạc, thưởng chỉ 50 triệu/trận thắng, bằng “cái móng tay” của Thể Công (nhưng tin từ các nơi khác cho biết Quân khu 4 cũng sộp lắm).

Quân khu 4 là của tướng Hưởng. Đội bóng ấy hơn 30 năm giờ gắn liền với hình ảnh củaông. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sắp về hưu. Cả Cục quân huấn và Quân khu đang lo sau thời tướng Hưởng, vị Tư lệnh tương lai có yêu bóng đá như thế? Nếu đội mà lại đúng thời điểm Quân khu 4 có thêm vị tướng về hưu, nguy lắm!

Không hiểu, chiều Chủ nhật này, tướng Hưởng có ra Thủ đô và gặp tướng Liêm ở Hàng Đẫy?

Cùng là tướng, cùng có hàng ngàn lính trong tay. Nói tất thảy nghe răm rắp. Tướng Liêm thậm chí còn bảo lãnh, xin giúp được cho Quốc Vượng ra trại sớm. Vậy mà cả tướng Hưởng và tướng Liêm đều không trị được mấy cầu thủ ngoại. Cầu thủ ngoại về Thể Công vẫn quậy, vẫn phải dùng tiền ra khích lệ. Quân khu cũng phải tăng 500 USD cho Lazaro mỗi tháng mà vẫn không ổn.

 
Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm