Triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957

10/09/2014 12:59 GMT+7 | Bản tin văn hóa

(Thethaovanhoa) -Triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957 do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội tổ chức vừa khai mạc sáng 8/9 thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. 150 hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý được trưng bày, tái hiện một giai đoạn lịch sử đặc biệt giúp "người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến”. Triển lãm nhằm cung cấp cho công những nhận thức đúng hơn về cuộc cách mạng ruộng đất trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta những năm 1946-1957

“Làm nhiều, được ít, thuế nặng. Lại thêm nước lụt, vỡ đê, mất mùa. Đến nỗi chết đói hoặc bán vợ, bán con, hoặc đem thân làm nô lệ,...” Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về sự cùng khổ của nhân dân trước cải cách ruộng đất. Lần đầu tiên công chúng, đặc biệt là thế hệ ngày hôm nay biết đến những gian khó thực sự của người nông dân trong công cuộc cải cách ruộng đất 1946 - 1957.
Đối lập với những hình ảnh, hiện vật về sự nghèo khó, khổ cực, thiếu thốn của tâng lớp nông dân là những hiện vật, hình ảnh về cuộc sống xa hoa của tầng lớp địa chủ trước cải cách. Từ không gian trong nhà, đến trang phục gấm lụa hay thậm chí cả đồ dùng phục vụ địa phủ hút thuốc phiện.
Mùa hè năm 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những hạn chế trong cải cách ruộng đất. Đến tháng 12/1957, Người đã thẳng thắn phát biểu trong hội nghị toàn quốc tổng kết công tác sửa chữa những sai lầm của quá trình thực hiện cải cách ruộng đất. Gia đình anh Lê Văn Luân trước đây phiêu bạt khắp nơi đi ở cho địa chủ, sau cải cách ruộng đất, vợ chồng, cha con đã được sum họp một nhà. Cuộc cải cách đã phân chia lại ruộng đất cho đa số nông dân miền Bắc; xóa bỏ giai cấp địa chủ, xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến.
Người dân được chủ động tham gia lao động sản xuất. Tượng “Trâu về với chủ” của tác giả Song Văn, sáng tác năm 1960 là một trong những tác phẩm phản ánh rõ nét và khái quát xã hội lúc bấy giờ. Những tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất là một trong những tư liệu quý giá, đánh dấu quá trình người dân được làm chủ cuộc sống của mình.
Một triển lãm ấn tượng, với những tư liệu quý giá lần đầu tiên được công bố, trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất 1946 - 1957 mang tới cái nhìn toàn diện và khách quan về một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của dân tộc. Qua đó củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, Chính phủ và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957” sẽ diễn ra đến hết năm 2014.
Bích Thủy  - Tuấn Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm