"Mumbai Diaries" muốn học theo "Triệu phú ổ chuột"

25/01/2011 14:32 GMT+7 | Phim

(TT&VH) -Nói tới phim Ấn Độ là người ta nghĩ ngay đến những yếu tố đặc trưng: nhiều màu sắc, nhiều màn múa hát, và rất trong sáng, ít khi sex. Tuy nhiên, trong tác phẩm điện ảnh mới mang tựa đề Mumbai Diaries – được chiếu ở khắp nước Mỹ hôm 21/1 – lại không hề có một điệu múa hay một ca khúc nào, nhưng lại có không ít ám chỉ đến sex.

1. Mumbai Diaries là một trong những bộ phim Ấn Độ đầu tiên cố gắng thâm nhập vào thị trường phương Tây sau thành công của siêu phẩm Triệu phú ổ chuột. Và nếu như Triệu phú ổ chuột chỉ mang bối cảnh Ấn Độ, còn đạo diễn là người Anh; thì Diaries là sản phẩm Ấn Độ 100%: các nhà làm phim, kinh phí, câu chuyện, bối cảnh và ngôn ngữ đều là của Ấn Độ (phim tiếng Hindu nhưng lồng khá nhiều tiếng Anh – ngôn ngữ quan trọng thứ 2 của Ấn Độ). Như vậy, có thể xem đây là một làn sóng mới của điện ảnh Ấn Độ nhằm chinh phục khán giả phương Tây. Và để làm được điều đó, họ sẵn sàng “dẹp bỏ” những yếu tố truyền thống của Bollywood.

Có thể thấy, “làn sóng” mới này được hình thành sau khi các nhà làm phim đúc kết được những thực tế từ thị trường. Rõ nhất là ở Triệu phú ổ chuột – bộ phim không mang những sự hào nhoáng, bóng bẩy đặc trưng của Bollywood, nhưng đã chinh phục được cả giới phê bình và khán giả, “rinh” được 8 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất. Trong khi nhiều phim mang đậm phong cách truyền thống Bollywood hơn lại thất bại. Điển hình là năm 2005, phim nhạc Cô dâu và Định kiến của Ấn Độ, được dàn dựng theo tiểu thuyết kinh điển của Jane Austen, đã không gây được ấn tượng với khán giả ở thị trường Mỹ nên chỉ thu về được 6,6 triệu USD.


Cảnh trong phim Mumbai Diaries
Các nhà làm phim Ấn Độ tin là đã đến lúc người Mỹ quan tâm tới một bộ phim Ấn Độ làm theo phong cách phương Tây. Thực tế là Mumbai Diaries được trình chiếu tại 70 rạp ở 37 thành phố Mỹ và Canada – “rầm rộ” hơn bất cứ một bộ phim Ấn Độ nào khác. Phim không chỉ được chiếu ở những thành phố lớn như New York và Los Angeles, mà còn xuất hiện ở những thành phố nhỏ hơn như Kansas City và Columbus, Ohio.

“Những bộ phim như Triệu phú ổ chuột đã mang đến cho người xem một cách nhìn mới về cuộc sống ở Ấn Độ không giống như cách mô tả hào nhoáng đặc trưng của Bollywood” - Kiran Rao, đạo diễn kiêm tác giả kịch bản phim Mumbai Diaries – trả lời phỏng vấn qua điện thoại. “Tôi nghĩ phim Mumbai Diaries sẽ mang đến cho khán giả một viễn cảnh hoàn toàn khác về đất nước chúng tôi, đặc biệt là về Mumbai – một thành phố của tương lai nhưng đầy rẫy những sự mâu thuẫn".

2.Mumbai Diaries kể những câu chuyện rất thú vị về 4 nhân vật: Shai (Monica Dogra), một chủ ngân hàng đầu tư lớn lên ở Mỹ về nghỉ phép ở Mumbai; Arun (Khan), một họa sĩ tài năng nhưng ẩn dật mà Shai gặp và qua đêm cùng; Munna (Prateik), một người đàn ông trẻ đẹp trai kiếm sống bằng nghề giặt quần áo, người mà Shai thích kết bạn mặc dù không cùng đẳng cấp; và Yasmin (Kriti Malhotra), một phụ nữ trẻ đã kể câu chuyện bí mật của mình, nhưng trong phim khán giả hầu như chỉ nhìn thấy cô qua các băng video.

Trong phim có sự thủ diễn chính của siêu sao Aamir Khan – “phu quân” của đạo diễn Rao đồng thời là nhà sản xuất phim. Khan cho biết, vợ chồng anh không có ý định định nghĩa lại nền điện ảnh Ấn Độ hay làm một bộ phim chỉ cốt chinh phục khán giả Mỹ. Tuy nhiên, với khán giả Ấn Độ thì đây là một phim ‘bất thường’, không phải kiểu phim mà họ vẫn thường xem, không phải phim thuộc dòng chủ đạo và cũng không phải phim nghệ thuật, mà ở giữa 2 thể loại này”.

Mumbai là thành phố của 14 triệu dân. Đạo diễn Rao giải thích, chị chọn Mumbai làm bối cảnh phim vì coi đây như một sự “tôn kính tới thành phố này. Tôi muốn Mumbai là nhân vật thứ 5 trong phim, một nhân vật cũng phức tạp và nhiều sắc thái như 4 nhân vật kia. Mumbai là thành phố hòa trộn giữa New York và Los Angeles. Đây là trung tâm kinh doanh và giải trí của Ấn Độ, là thành phố của các di dân từ khắp thế giới và cả Ấn Độ, vì vậy Mumbai tràn trề sinh lực”.

Top 10 phim ăn khách
cuối tuần qua
ở thị trường Bắc Mỹ:

1. No Strings Attached: 20,3 triệu USD

2. The Green Hornet: 18,1 triệu USD

3. The Dilemma: 9,7 triệu USD

4. The King's Speech: 9,2 triệu USD

5. True Grit: 8 triệu USD

6. Black Swan: 6,2 triệu USD

7. The Fighter: 4,5 triệu USD

8. Little Fockers: 4,4 triệu USD

9. Yogi Bear: 4 triệu USD

10. TRON: Legacy: 3,7 triệu USD

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm