“Tái sinh” 2 nhạc cụ Nhã nhạc đã thất truyền

30/12/2010 11:32 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Ngày 29/12, tại Hiển Lâm Các - Đại nội Huế, đã diễn ra lễ bàn giao bộ Biên chung, Biên khánh - nhạc khí nhã nhạc Việt Nam do Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia Hàn Quốc phục chế. Đây là 2 nhạc cụ đã “thất truyền” về cách thức chế tác, chỉ còn được lưu giữ như những cổ vật.

1. Biên chung, biên khánh là 2 bộ nhạc cụ gồm nhiều chiếc chuông đồng, khánh đá được sắp xếp theo một thứ tự âm thanh nhất định, thuộc dàn huyền nhạc (nhạc treo) trong hệ thống đại nhạc (thuộc nhã nhạc). Đây là 2 loại nhạc cụ cung đình độc đáo trong nhã nhạc của một số nước Đông Á, trong đó có Hàn Quốc, Việt Nam và tất cả chúng đều có nguồn gốc lâu đời trong văn hóa Trung Hoa cổ đại. Chúng rất được ưa chuộng trong nhã nhạc Trung Hoa, về sau được du nhập sang Triều Tiên và Việt Nam.

Nghệ nhân Kim Hyunkon bên bộ biên khánh do ông phục chế
Ở nước ta, 2 nhạc cụ này được dùng trong nhã nhạc thời Lê (1427- 1788) và thời Nguyễn (1802-1945) và được xem là những bộ nhạc cụ nghi lễ quan trọng của nhã nhạc.

Đến đầu thế kỷ 20, kỹ thuật chế tác 2 loại nhạc cụ này đã thất truyền ở Việt Nam và nay chỉ còn lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế với tư cách là hiện vật bảo tàng với số lượng và chất lượng hạn chế.

Năm 2010, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã hợp tác với Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia Hàn Quốc cùng nghiên cứu phục chế hoàn chỉnh bộ biên chung, biên khánh của nhã nhạc Việt Nam với việc sử dụng hoàn toàn nguyên liệu truyền thống của Việt Nam (mà chủ yếu là vật liệu địa phương tại Huế) dưới sự tài trợ của Hàn Quốc. Được sự góp sức của nghệ nhân Kim Hyunkon (Hàn Quốc), chương trình đã phục chế hoàn chỉnh 2 loại nhạc cụ này như nguyên mẫu.

Cụ thể, bộ biên chung phục chế gồm 12 chiếc chuông bằng đồng, quai chuông đúc hình 2 con “bồ lao”, giữa thân “bồ lao” có móc để treo chuông lên giá. Chuông được đúc rỗng, thành chuông đúc 5 đường gờ nổi song song, 4 đường gờ có đúc nổi 9 nút nhỏ ở mỗi đường để làm điểm gõ. Bộ biên khánh gồm 12 khánh đá hình chữ L góc tù có móc để treo chuông lên giá. 

GS-TS Tô Ngọc Thanh và nghệ nhân Lữ Hữu Thí (đã 100 tuổi, là nghệ nhân nhã nhạc cuối cùng còn lại của Đội Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn) đang gõ thử âm thanh của bộ biên chung


2. Nghệ nhân Kim Hyunkon, 75 tuổi, có hơn 50 năm nghiên cứu, chế tác nhạc cụ truyền thống và được xem là người duy nhất có khả năng phục chế biên chung, biên khánh tại Hàn Quốc. Ông cho biết: do có cùng nguồn gốc, nhã nhạc Việt Nam có mối liên hệ gần gũi với nhã nhạc của Triều Tiên. Cả hai nền nhã nhạc đều sử dụng nhạc khí biên chung, biên khánh nên những kinh nghiệm phục chế của Hàn Quốc đã được ứng dụng sang Việt Nam.

Chuông, khánh của nhã nhạc tái xuất 

Dự kiến trong năm tới, bộ biên chung, biên khánh này sẽ được nghiên cứu về hình thức diễn tấu một cách hoàn chỉnh để trình diễn tại các lễ hội quan trọng như Lễ tế Xã tắc, Lễ tế Giao và tại Festival Huế 2012.

Tuy nhiên, biên chung, biên khánh của Việt Nam và Hàn Quốc có hình dáng khác nhau. Chuông của Việt Nam có phần miệng khum lại nên âm vang dài hơn. Chuông của Hàn Quốc và Trung Quốc có phần miệng thẳng xuống và hơi chếch ra phía ngoài nên âm vang ngắn hơn. Về biên khánh thì của Hàn Quốc có độ cong ở góc sau, biên khánh của Việt Nam thẳng góc nên dễ làm hơn. Ông khẳng định, bản thân rất hài lòng về âm thanh của 2 loại nhạc cụ vừa được phục chế. Tỷ lệ đồng, thiếc, chì được pha rất đúng nên âm thanh tốt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Park II Hun, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia Hàn Quốc đặc biệt đánh giá cao giá trị di sản văn hóa nhân loại nhã nhạc cung đình Huế và những nét tương đồng với nhạc tế lễ Jongmyo của Hàn Quốc (âm nhạc nghi lễ thờ cúng tổ tiên của hoàng gia được trình diễn tại miếu Jongmyo) đều sử dụng nhạc khí biên chung, biên khánh như là nhạc cụ tiêu biểu.
Trần Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm