“Chạy” nhiều nhưng chưa ra chiến thuật

16/09/2011 10:05 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Sau lời ướm của BTC (ở đây là đại diện báo Pháp Luật TP.HCM-PV), “ngôi sao truyền thông” trong những ngày vừa qua, ông Nguyễn Đức Kiên (chủ tịch CLB HN.ACB), tiếp tục là người đầu tiên đăng đàn. Thế rồi cuộc hội thảo diễn ra rất sôi nổi, nhưng có vẻ như nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tất cả chỉ dừng lại ở những lời hứa, hô quyết tâm…

Chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên: Đề nghị thay tất!

“Sau buổi tổng kết mùa giải, tôi gọi cho anh Hỷ (chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ) nói nội dung cần gì để làm cho bóng đá tốt hơn. Tôi chờ anh Hỷ ăn cơm xong, tôi nói thẳng, đề nghị thay BTC giải vì không làm tròn nhiệm vụ. Giải về đích không an toàn.

Nhưng tôi không hiểu sao khi xem VTV phát những phát biểu của anh Nguyễn Lân Trung lại rất khác. Tôi rất thất vọng. Chính vì vậy cả tuần nay tôi không nói gì cả, dù nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của báo chí. Tôi không muốn gây ra những hiểu lầm. VFF là một tổ chức xã hội. Ghế trong VFF là của các CLB, chúng tôi là thành viên. Nên nếu ban chấp hành (BCH) không làm được thì chúng tôi có thể yêu cầu thay đổi người”, ông Nguyễn Đức Kiên mở đầu.

Ông Kiên tiếp: “Tôi nói với anh Đức trong 14 CLB, mỗi nơi khác nhau, mỗi đội tính cách khác nhau, nhưng tôi tin rằng ngồi lại thì sẽ có tiếng nói chung. Tôi không thể hiểu nổi tại sao trước mỗi trận đem cọc tiền tỷ đến kêu đá tốt để thưởng. Phải ghi rõ trong điều lệ không cho phép dùng tiền kích thích trận đấu. CLB tôi quy định hẳn hoi, đá thắng sân khách, sân nhà thế nào… ngay từ đầu mùa. Các đội bóng tư nhân, VFF đều có thể kiểm soát tài chính CLB nhưng tại sao VFF không làm? Liên đoàn bóng đá châu Âu có quy chế kiểm soát tài chính CLB.

Là thành viên VFF, chúng tôi có quyền thay thế người trong BCH chứ. Tôi nói thật là không có thời gian làm Chủ tịch VFF như anh Hỷ đề nghị. Rất cảm ơn anh Hỷ vì hiện tại tôi rất bận. Nhưng nếu 10-15 năm nữa khi nghỉ hưu, tôi có thời gian thì nói thật sẽ suy nghĩ nghiêm túc vấn đề nếu được đề nghị như thế”.

Chủ tịch CLB HA.GL Đoàn Nguyên Đức: Xử lý BTC giải và trọng tài

“Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nạn bạo lực sân cỏ, nếu đội ngũ cầm cân nảy mực (trọng tài) thực sự nghiêm. Trọng tài làm bậy, tôi cho rằng những người điều hành biết hết. Nhưng tại sao chúng ta không xử thật nghiêm?! Ngay cả những người không chuyên, làm nghề bác sỹ, nhưng cũng có thể cầm còi cơ mà?! Chúng ta hoàn toàn có thể thuê trọng tài, có bao nhiêu tiền đâu?! Thậm chí để cho trọng tài nữ bắt bóng đá nam cũng được.

Hiện nay, không bao giờ có sự sòng phẳng của trọng tài khi Đà Nẵng đá với HA.GL, ĐT.LA... Một điều chắc chắn là Đà Nẵng không cho tiền trọng tài. Vậy thì tại sao? Chủ tịch Hội đồng trọng tài Nguyễn Văn Mùi là người Đà Nẵng. Mỗi khi các trọng tài bắt trận có Đà Nẵng luôn gặp những khó khăn vô hình. Ông Mùi nên nghỉ đi thì trọng tài mới công tâm được. Nếu có một anh nào đó chơi không sạch thì việc này là của VFF, VFF phải điều tra và xử lý. Đây là trách nhiệm của VFF, CLB không thể can thiệp được.

Sau buổi hôm nay, anh Dũng nên trao đổi lại, bàn thảo lại các nội dung cần thiết. Bản thân tôi rất lo bóng đá tiếp tục đi xuống. Tôi xây nguyên học viện bóng đá và khách sạn 5 sao. Chứng tỏ tôi rất yêu bóng đá. Tôi sẵn sàng làm mọi việc để bóng đá Việt Nam tốt lên.

Tôi đề nghị anh Dũng trước tiên nên xử lý BTC giải và trọng tài. Bóng đá Việt Nam đang đi xuống. Nếu chỗ VFF, anh Hỷ, anh Tuấn không cải tổ quyết liệt đội ngũ trọng tài, chúng tôi không thể tiếp tục hợp tác được”.

Chủ tịch CLB ĐT.LA Võ Quốc Thắng: Tôi nuôi bóng đá, chứ bóng đá có nuôi tôi đâu

“Tôi rất là buồn khi biết anh Long, anh Tuấn rút lui. Còn những phát biểu của anh Kiên, tôi cho rằng tức nước vỡ bờ thôi. Tôi hoàn toàn ủng hộ những gì anh Kiên phát biểu hôm tổng kết.

Có một chuyện cũ rồi, tôi không muốn nhắc lại. Nhưng trong trường hợp của trọng tài Xuân Hòa cách đây hơn 3 năm, BTC đã làm không đúng chức năng. Họ ép trọng tài phải thay đổi quyết định. Tôi thấy anh Hòa là người dũng cảm, anh bỏ nghề luôn. Chúng ta mất đi một người có tâm với nghề. Chúng ta không cần phải đi tận đẩu tận đâu để học hỏi cung cách làm bóng đá, mà cứ nhìn qua Nhật Bản, Hàn Quốc mà học.

Sau khi ĐT.LA xuống hạng, có người nói tôi hết máu bóng đá rồi. thực tế không phải. Tôi nuôi bóng đá, chứ bóng đá có nuôi tôi đâu?! Nhưng, tôi có cách làm của tôi và có trách nhiệm với bóng đá địa phương. Tôi hiểu rằng xã hội còn dành nhiều sự quan tâm cho bóng đá lắm”.

Chủ tịch CLB K.KH Lê Tiến Anh: Phòng ban nào của VFF cũng có cơ cấu

“Theo quan điểm của tôi, các anh phê phán trọng tài và ban tổ chức, tôi ủng hộ, nhưng lỗi nằm ở cả hệ thống. Tại sao tôi lại nói thế, bởi khi bầu VFF, các anh cũng cơ cấu cả rồi. Phòng nào ban nào cũng đã cơ cấu. Các doanh nghiệp rõ ràng thiếu sự quan tâm đến những người mình đã đề cử. Nếu như VFF triệu tập và nghe ý kiến của các bộ phận thì sẽ có rất nhiều.

Tôi đồng ý với anh Kiên và anh Đức. Không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp. Không thể nói việc phá giá thưởng cao là do các ông chủ.

Nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào cái sai từng bộ phận thì không ổn. Một điều tôi thắc mắc là, tại sao có Cầu thủ xuất sắc mà không có Còi vàng xuất sắc, Cờ vàng xuất sắc trong tháng? Ví dụ trận K.KH-HN.T&T, trọng tài chính và trọng tài biên trao đổi rất thẳng thắn. Các giám sát trận đấu, giám sát trọng tài có những quyết định can đảm, quyết liệt phải được đề cao. Tại sao các anh không công khai biên bản giám sát đối với các trọng tài và trận đấu. Mỗi lần đặt ra vấn đề, anh Đức nói đúng, nếu nói kiện thì chúng tôi có thể kiện rất nhiều. Nhưng kiện thì được gì? Khi không công bố thì chúng tôi biết làm sao được?

Rõ ràng doanh nghiệp đang làm bóng đá, chính vì vậy nên trả lại các quyền quyết định cho các doanh nghiệp vì sự phát triển chung của bóng đá. Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay VFF cũng nên có đại hội bất thường. Công ty tôi có 24 Cty con, khi có vấn đề về quản lý cũng đại hội bất thường. Sự điều chỉnh là để phù hợp với thời cuộc.

Cái thay đổi này cần phải có sự nhìn nhận trong cả hệ thống chứ không phải chỉ thay vài cá nhân”.

Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Eximbank: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Vấn đề thứ nhất: Tôi đồng tình với anh Đức là vấn đề nổi cộm hiện nay là giá trị của cầu thủ đã vượt xa mặt bằng xã hội và vượt xa giá trị sử dụng của các câu lạc bộ. Theo tôi đây cũng là điều đáng báo động. Ví dụ anh này 3 tỷ thôi, anh kia trả gấp 2, 3 lần để lấy cầu thủ tạo ra môi trường đua tranh của các ông bầu, dẫn tới cái giá trị không thật của các cầu thủ. Tạo ra vấn đề về việc giáo dục và đào tạo các cầu thủ.

Nhưng trách nhiệm này là do ai? Không thể là VFF. VFF chỉ cố gắng tạo ra sân chơi bình đẳng. Tôi không cấm định giá cầu thủ. Đó là quyền của các ông chủ CLB. VFF cũng có trách nhiệm nhưng quyền và tiền của các ông chủ CLB, chúng tôi không thể quản lý. Các anh hãy tự trả lời. VFF không thể có quy định chế tài vì đó là thỏa thuận giữa 2 đối tác với nhau. Chúng tôi không thể can thiệp.

Thói quen của các ông chủ của chúng ta là thưởng lớn. Bây giờ không thưởng là không đá. Lương cao. Cầu thủ bây giờ đá ổn định hay không không biết nhưng rất nhạy về điểm và thưởng. Điều này có nên chế tài hay không? Tôi cảm thấy không ổn.

Vấn đề trọng tài: Hạn chế của trọng tài là đã để xảy ra những chuyện đáng tiếc, trình độ nghiệp vụ không theo kịp nhịp độ trận đấu quá nhanh. Trên thế giới cũng có rất nhiều.

Nếu là sai sót về nghiệp vụ thì chúng ta không thể bác bỏ được, chúng ta có thể thông cảm. Nhưng nếu dùng quyền lực để gây nhiễu loạn kết quả, nâng đội này, ém đội kia là không thể chấp nhận. Như 2 ông trọng tài đó tôi cho rằng sẽ phải xử lý.

Mấy hôm nay có một số tờ báo đã phỏng vấn. Có người hỏi tôi có phát biểu quá nặng với 2 trọng tài đó hay không. Tôi nói rằng đối với trọng tài có khuyết điểm như vậy, có nhiều phút sai sót nhưng có những trận đấu ảnh hưởng quyết định tới số phận người khác. Tôi phải nói như vậy để các trọng tài khác không làm tương tự trong các mùa giải khác nữa. Khi quyền lực không được kiểm soát thì sẽ rất nguy hại.

Bên cạnh việc nghiêm khắc như vậy, tôi cũng đồng ý là chế độ cho trọng tài cũng phải xem lại. Tôi cũng quan liêu, duyệt kinh phí nhưng không theo dõi được phân bổ. Ví dụ duyệt taxi từ sân bay về Hà Nội 90.000đ, trong khi năm nay chi phí đã lên tới 250.000đ. Vậy thì trọng tài biết ăn vào đâu? Chỉ có ăn vào đội bóng thôi.

Tôi xin đề nghị phải xem lại chế độ cho các trọng tài để họ yên tâm sống. Khi họ đã được đãi ngộ thì họ phải làm việc đàng hoàng. Nếu có sai sót bất cập sẽ bị trừng phạt đích đáng.

Giải pháp thứ 3 là mỗi sân đấu có 4 camera, 2 ở đầu sân và 2 ở trung tâm. Tôi nghĩ với biện pháp như vậy và sự quyết liệt của ban điều hành, các bất cập có thể được hạn chế. Tôi xin đảm bảo VFF sẽ hết sức để bảo vệ sự bình đẳng cho các mùa giải chừng nào tôi còn ở đây.

Có những chuyện về cải tiến điều hành tôi đã nói rồi. Tôi có yêu cầu sáng thứ Hai họp giao ban trực tuyến ở TP.HCM và Hà Nội với ban trọng tài, ban quản trị. Nếu có nghi vấn là phải giải quyết ngay. Hiện nay, tôi nắm vị trí Phó chủ tịch và tài trợ. Nếu Eximbank tiếp tục tài trợ chúng tôi sẽ có điều khoản chẳng hạn, như nếu có vấn đề thì trừ thẳng vào tài trợ 500 triệu chẳng hạn.

Tôi cũng có điều nói về các CLB, các ông chủ rằng: Câu hỏi đặt ra là ai chỉ đạo, ai mua chuộc các trọng tài làm việc đó? VFF? Tôi đề nghị bên cạnh việc yêu cầu VFF nhận trách nhiệm và cải tổ các bộ phận yếu kém, các ông chủ cũng cần xem lại vai trò của mình trong việc đẩy giá cầu thủ và gây ra các bất cập. Tôi đề nghị các ông bầu ngồi cam kết với nhau rằng các đội đều sẽ chơi sạch. Nếu các anh chơi sạch thì nền bóng đá mới bay cao đi xa được.

Tôi có kinh nghiệm, mỗi khi gặp nhau thì mọi người nói rất hăng, nhưng khi mời họp thì không ai đi. Có lần mời hầu như các anh không ai dự. Với cái lối suy nghĩ những người ngồi đó là những thằng ngu, ngồi mát ăn bát vàng…, thì không thể giải quyết được gì, cũng hơi cực đoan và có thiếu sót. Chúng ta nên hết sức bình tĩnh ngồi lại với nhau và tìm ra giải pháp.

Quy định mới của FIFA thì Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải là Ủy viên Ban chấp hành VFF. Bây giờ chỉ còn 2 người, một là anh Dương Vũ Lâm (TP.HCM), hai là anh Nam Hùng (Tiền Giang) là chưa có kiêm nhiệm những ban bệ khác của VFF. Thế nhưng anh Nam Hùng không có chuyên môn trọng tài, trong khi anh Vũ Lâm lo cho 2 đội bóng của TP.HCM. Đây là vấn đề khó mà hiện BCH VFF phân vân. Thế nên vấn đề này có lẽ xin AFC, FIFA thư thả lại đến năm 2013 để VFF có thời gian chuẩn bị người.

TÙY PHONG (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm