Phải xếp hạng các di sản văn hóa phi vật thể

01/06/2009 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam vừa thay mặt cho hơn 1.000 hội viên cả nước và BCH hội gửi tới Quốc hội bản góp ý của hội về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Để hiểu rõ hơn các góp ý của hội, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với GS-TSKH Tô Ngọc Thanh.

Không chỉ “kiểm kê” mà cần xếp hạng

* Thưa ông, ý kiến nổi bật của ông là đối với Di sản văn hóa phi vật thể phải tiến hành xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh chứ không chỉ “kiểm kê”? Tại sao vậy, thưa ông?

GS-TSKH Tô Ngọc Thanh
- Phải có sự bình đẳng giữa Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT). Nếu đọc lại Luật Di sản văn hóa 2001, sẽ thấy là trong 74 điều có 63 điều về di sản văn hóa (DSVH) vật thể, chỉ có 11 điều dành cho DSVHPVT, mà trong đó dường như chỉ toàn những “khẩu hiệu” cho DSVHPVT chứ hầu như không có những quy định và chế tài cụ thể.

Luật ghi nào là khuyến khích, động viên, tôn vinh... nhưng phải cụ thể là ai tôn vinh, tôn vinh cái gì, lúc nào, như thế nào với chuẩn thế nào chứ?! Đấy là (mang tính) chủ trương, đường lối hơn là luật... Trong Nghị định 92 hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa cũng chỉ dừng lại ở mức nêu đầu việc, còn ai, cơ quan nào có trách nhiệm và phải làm những gì để thực hiện những đầu việc đó thì cả Nghị định lẫn Luật (hầu như) đều không cho biết. DSVHPVT chỉ được nhắc đến một dòng trong trách nhiệm của UBND tỉnh và huyện trong việc: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát huy DSVH vật thể và DSVHPVT ở địa phương mình”. Và, cũng chỉ chung chung vậy thôi. Như thế là một cách làm cho có, chứ không phải làm cho được.

Năm 2001, khi chuẩn bị dự thảo luật, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cũng mở hội thảo như lần này. Trong hội thảo đó, tôi cũng đã đề nghị việc xếp hạng và công nhận các DSVH PVT, thậm chí còn dự thảo sẵn 22 điều để thực hiện chủ trương này nhưng không được chấp nhận. Người ta trả lời tôi rằng việc này quá phức tạp, không khả thi nên bỏ. Nhưng nếu phức tạp đến nỗi không xét được thì sao UNESCO lại có thể xét DSVHPVT toàn thế giới để chọn ra được những kiệt tác của nhân loại, trong đó có Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam?

* Luật hiện hành quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức việc lập hồ sơ khoa học cho các DSVHPVT ở địa phương, nhưng theo quan điểm của cơ quan quản lý thì việc này quá phức tạp, cho nên dự thảo luật chỉ đề xuất việc “kiểm kê DSVHPVT ở địa phương” thôi. Ông đề nghị phải đưa ngay vào luật việc xếp hạng và cấp bằng công nhận DSVHPVT (như đối với văn hóa vật thể), như vậy thì lại càng quá sức?

- Tôi cho rằng xếp hạng DSVHPVT, không khó gì cả. Cứ đưa ra tiêu chí là có thể tiến hành lập hồ sơ xếp hạng. DSVH vật thể xếp hạng được thì tại sao DSVHPVT lại khó khăn? Tôi cũng sẵn sàng đóng góp cho việc xây dựng tiêu chí xếp hạng DSVHPVT, nhưng bây giờ chưa phải là lúc để đưa ra.


Theo ông Thanh, các DSVHPVT như hát Dô cũng cần được xếp hạng
như đối với các di tích vật thể


* Thật ra mục tiêu lớn nhất của chúng ta là bảo tồn các DSVHPVT. Theo ông việc xếp hạng sẽ có ý nghĩa như thế nào với việc bảo tồn?

- Xếp hạng và cấp bằng công nhận là cấp cho DSVHPVT một cơ sở lý luận và pháp lý để trên cơ sở đó nhân dân và lãnh đạo địa phương chọn lọc và có kế hoạch bảo vệ và phát huy; là cơ sở pháp lý để ngăn chặn những xâm hại, làm méo mó bản chất và hình thức của di sản.

* Qua theo dõi Liên hoan dân ca VN trên truyền hình, nhiều người mới bất ngờ nhận ra rằng, chỉ riêng đối với loại hình dân ca thì khối lượng các DSVHPVT đã rất lớn. Ông có nghĩ rằng nếu xếp hạng thì số lượng DSVHPVT sẽ rất lớn, không kém gì các DSVH vật thể?

- Hiện nay số lượng di sản vật thể được xếp hạng đã mấy nghìn di tích, vậy tại sao DSVHPVT lại không được đến mấy nghìn? Mỗi một dân tộc trong 54 dân tộc anh em, ít nhất cũng có thể kể đến một hai DSVHPVT tiêu biểu, xứng đáng ở cấp quốc gia. Như thế đã có cả trăm rồi. Chưa kể đến sự phong phú đa dạng của DSVHPVT ở từng địa phương... Số lượng cụ thể không phải là tôi không ước đoán được, nhưng chưa tiện nói ra (cười).

Chúng tôi đã “tổng kiểm kê” di sản phi vật thể rồi!

* Trở lại với việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT. Cơ quan chức năng cho rằng việc tổ chức lập hồ sơ khoa học DSVHPVT là công việc phức tạp, đòi hỏi cán bộ có chuyên môn cao và phải cần chi phí tương đối lớn, nên đến nay chưa có địa phương nào triển khai được việc này...

- Có thể là vì người ta chỉ quen làm bảo tồn bảo tàng (liên quan đến DSVH vật thể) cho nên mới thấy việc này là khó. Tại sao họ không phối hợp với Hội tôi (Hội Văn nghệ Dân gian VN), Hội VHNT các Dân tộc thiểu số và Hội KH Lịch sử VN? Không nói đến việc tổng kiểm kê, ngay cả việc lập hồ sơ DSVH PVT cũng không có gì khó cả, nếu cần, tôi huy động hơn 1.000 hội viên của tôi ở các tỉnh cùng làm là xong ngay, nhanh hơn và kỹ hơn. Nói thật là chúng tôi đã tổng kiểm kê xong rồi với hơn 4.000 trang bản thảo về tất cả các loại hình DSVHPVT của tất cả các dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước và sắp sửa in ra thành sách.

* Việc kiểm kê di sản phải theo những tiêu chí khoa học và đầy đủ. Xin ông cho biết hội đã “tổng kiểm kê” như thế nào, bắt đầu từ bao giờ và bao giờ kết thúc?

- Chương trình của chúng tôi khởi động từ 2002, với tên gọi “Tầm nhìn 2010”, mục đích là tổng kiểm kê các DSVHPVT bởi vì ngay từ lúc đó, chúng tôi đã nhận định rằng, đến 2010 nếu không kịp kiểm kê, thì những người lưu giữ các DSVHPVT có thể đã ra đi hết. Không làm ngay thì chúng ta sẽ không biết xưa kia chúng ta có những cái gì. Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu, trong quá kiểm kê, nếu thấy di sản nào nguy cấp thì sẽ chi tiền khôi phục lập tức. Kết quả “tổng kiểm kê” của hội có các thông tin sau: Tên loại hình di sản, nơi tồn tại, thời điểm diễn ra, người lưu giữ (nghệ nhân), tình trạng (nghệ nhân còn sống hay đã chết? Di sản đã mai một hay đã mất? Việc khôi phục đã làm, đang làm, hay chưa làm? (vì sao); và cuối cùng là kiến nghị phương pháp phục hồi. Sách đang biên tập, có thể ra tập đầu tiên khoảng 500 trang, sau đó sẽ ra 7-8 tập. Bộ sách này sẽ là danh mục về DSVHPVT để phục vụ tra cứu. Việc tổng kiểm kê được tiến hành do các hội viên của hội và làm một cách hoàn toàn... tự nguyện. Hội viên trước khi vào hội là đã được tập huấn về DSVH PVT nên làm rất chuẩn và hiệu quả.

* Ông nói không chỉ tổng kiểm kê mà còn tiến hành phục hồi các di sản nguy cấp. Xin hỏi các ông đã “cứu” được bao nhiêu DSVHPVT rồi?

- Đã cứu được 118 di sản. Chúng tôi khôi phục và truyền dạy để di sản trở thành một bộ phận trong đời sống của dân chứ không phải là cứu bằng cách quay băng hình rồi cất vào tủ. Ví dụ, làng Teng (Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã mất nghề thổ cẩm từ lâu lắm, đồng bào không còn mặc trang phục truyền thống nữa. Chúng tôi tìm các nghệ nhân còn lại, cấp cho họ khung cửi, các vật liệu cần thiết, và cấp kinh phí để họ để mở lớp truyền dạy; đồng thời mời các cô gái đến học, mỗi buổi học mỗi học viên được bồi dưỡng 20 ngàn để ăn trưa. (Kinh phí của Quỹ Ford cấp thông qua Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam). Tới nay, làng Teng đã trở thành trung tâm dệt thổ cẩm của vùng, và những người được truyền dạy khóa đầu tiên trở thành “thầy” để đi dạy nghề dệt cho các làng xung quanh. Bây giờ dệt làng Teng làm không đủ để bán, và toàn dân đều mặc áo dân tộc do chính họ dệt ra.

Có thể kể thêm đến những DSVHPVT được phục hồi như hát Dô (Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội), hò Cửa đình và múa hát Bài bông ở Phú Nhiêu... Bây giờ đang chuẩn bị khôi phục Rò Băm của người Khmer (Nam Bộ) - một hình thức sân khấu cổ truyền về sử thi Ramayana của Ấn Độ, diễn trong 30 đêm.

* Xin cám ơn ông.

Nghệ nhân dân gian sẽ đi về đâu?

Trả lời câu hỏi, nếu sau này, Nhà nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân trên lĩnh vực DSVHPVT thì danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” do Hội Văn nghệ Dân gian VN phong tặng sẽ có vị thế như thế nào? GS-TSKH Tô Ngọc Thanh cho biết: “Từ năm 2002 đến nay, Hội đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho trên 120 vị của cả nước, cả người Kinh lẫn đồng bào dân tộc thiểu số. Hội cũng đã xuất bản sách giới thiệu công trạng của các nghệ nhân dân gian. Sách này đã gửi sang UNESCO ở Paris và đã nhận được lời biểu dương. Các nghệ nhân dân gian được phong tặng có thể coi là “tương đương” với Nghệ nhân nhân dân. Nhưng tôi không biết là Nhà nước có định “chuyển ngang” họ sang ngạch Nghệ nhân nhân dân hay không, hay là vẫn để họ ở “hệ thống” khác? Nếu tích hợp “Nghệ nhân dân gian” vào hệ thống phong tặng nghệ nhân của Nhà nước, thì Hội sẽ ngừng phong tặng Nghệ nhân dân gian, còn nếu không thì chúng tôi sẽ lại tiếp tục...”.

Nguyễn Mỹ (thực hiện)
 
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm