Cuộc cách mạng dở dang

30/08/2011 13:12 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - V-League đã qua tuổi thứ 11 và cũng đã kết thúc giai đoạn 10 năm thử nghiệm để trải qua mùa giải chuyên nghiệp chính thức đầu tiên, nhưng cho tới bây giờ, vẫn chưa có đội bóng chuyên nghiệp nào đủ khả năng tự nuôi sống bản thân.

Theo quy luật thông thường của bóng đá thế giới, một CLB chuyên nghiệp thực thụ sẽ có 3 nguồn thu chính là quảng cáo tài trợ, bán vé và bản quyền truyền hình, trong đó với những đội bóng nổi tiếng và thương hiệu có sức lan tỏa lớn thì tiền bản quyền truyền hình mà họ nhận được sẽ là con số cực lớn.

Thế mới có chuyện M.U dù thua Barcelona trong trận chung kết Champions League mùa bóng vừa qua, nhưng M.U vẫn được Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) chia cho 53,2 triệu euro tiền bản quyền truyền hình, trong khi phần của Barca “chỉ” là 51 triệu euro.

Tất nhiên, sẽ là rất khập khiễng nếu như mang so sánh M.U, Barcelona với những HN.T&T hay V.HP, HA.GL ở V-League.


Phải còn rất lâu nữa bản quyền truyền hình mới có thể trở thành khoản thu lớn của các đội bóng V-League

Hiện tại, việc truyền hình trực tiếp V-League vẫn mang tính chất phục vụ là chính, và theo tiết lộ của ông Phạm Nhật Vũ, người đứng đầu đơn vị đang nắm giữ bản quyền truyền hình V-League trong thời hạn 20 năm, thì AVG vẫn chưa có lợi nhuận trong năm đầu tiên đứng ra phân chia bản quyền V-League cho các đơn vị truyền hình khác, song điều này đã nằm trong tính toán của AVG.

So với khi bản quyền truyền hình V-League còn được VFF chia nhỏ để bán cho các đối tác khác nhau như VTV, VTC, HTV, từ ngày AVG nắm giữ bản quyền, tỷ lệ ăn chia tiền bản quyền truyền hình giữa VFF với các đội bóng đã được thay đổi theo chiều hướng có lợi hơn cho các CLB.

Cụ thể, thay vì tỷ lệ ăn chia theo công thức 50-35-15 của mùa trước, nghĩa là VFF hưởng 50%, CLB chủ nhà hưởng 35% và đội khách hưởng 15%, từ mùa bóng năm nay, tỷ lệ này đã được điều chỉnh lại là 40-40-20, nghĩa là VFF 40%, CLB chủ nhà 40% và đội khách 20%.

Thay đổi này được coi là một sự điều chỉnh hợp lý, bởi các CLB mới là chủ thể chính trong những show diễn trên sóng truyền hình V-League nên họ xứng đáng nhận được phần chia cao nhất có thể. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, truyền hình V-League ở VN vẫn mang tính chất phục vụ là chính nên chưa thể là “con gà đẻ trứng vàng” như bên trời Âu, và các đội bóng VN sẽ còn phải chờ rất lâu nữa mới có thể hy vọng vào việc bản quyền truyền hình sẽ trở thành một nguồn thu đáng kể của họ.

Bóng đá ở VN bây giờ dù mang tiếng chuyên nghiệp nhưng về bản chất các đội bóng vẫn chỉ là những cỗ máy tiêu tiền, thậm chí còn chưa thể tự nuôi sống mình chứ không nói tới chuyện sản sinh lợi nhuận, nên việc bản quyền hình ảnh của họ không có sức hấp dẫn về khía cạnh thương mại là chuyện vô cùng dễ hiểu.

Bởi thế mới nói mùa giải 2011 có thể coi là cuộc cách mạng về vấn đề bản quyền truyền hình, xét theo khía cạnh thời hạn nắm giữ bản quyền truyền hình của AVG hay tỷ lệ ăn chia giữa VFF và các CLB…, nhưng để cuộc cách mạng này mang lại những thay đổi có tính bước ngoặt lại là chuyện của tương lai rất xa.

Nhật Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm