World Cup 1966 nhuốm màu doping

06/10/2011 08:56 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH)- Nếu không có các nhà sử học tại đại học Berlin's Humboldt thì có lẽ sự thật về 3 cầu thủ đội Tây Đức dương tính với chất cấm tại World Cup 1966 mãi là một bí mật.

1966 là thời điểm được coi là “thời kì đồ đá” của luật chống doping bởi đó là năm đầu tiên Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) chính thức áp dụng việc kiểm tra dương tính với chất cấm trong môn thể thao Vua này. Ở kì World Cup nói trên, ĐT Anh đã xuất sắc đánh bại Tây Đức với tỉ số 4-2 để đăng quang ngôi vô địch. Không một ai nghi ngờ gì về những bí mật ẩn đằng sau trận đấu này trong vòng 45 trôi qua cho đến tận bây giờ.

Trong quá trình nghiên cứu đề tài về lịch sử bóng đá, các nhà nghiên cứu ở đại học Berlin's Humboldt đã vô tình phát hiện ra vết đen của FIFA. Manh mối mà họ có được chính là bức thư được viết vào ngày 29/11/1966 trong đó có nêu chi tiết việc 3 cầu thủ được giấu tên của đội Tây Đức bị phát hiện dương tính với chất cấm. Cụ thể, trong bức thư Chủ tịch ủy ban y tế của FIFA, Yugoslav Mihailo Andrejevic đã thông báo cho người đồng nghiệp, Chủ tịch của Liên đoàn vận động viên Tây Đức, bác sĩ Max Danz, về việc kiểm tra chất cấm tại kỳ World Cup này. Trong đó, ông Andrejevic khẳng định rằng có dấu hiện về chất ephedrine, thường có trong thuốc trị cảm lạnh, ở 3 cầu thủ của Tây Đức. Dù chất ephedrine có tác dụng thông mũi trong trường hợp nhiễm lạnh hoặc đề phòng co thắt phế quản khi bị hen nhưng nó cũng là một chất kích thích nên được liệt vào danh sách  chất bị cấm của FIFA.

Sự cố này không hề ngẫu nhiên hay tình cờ bởi trước đó, tất cả các đội bóng tham dự đã nhận được danh sách về những chất bị cấm từ ủy ban y tế của FIFA và tất nhiên ephedrine cũng nằm trong đó. Tuy nhiên kỳ lạ là không hề có một thông báo nào về sự việc nói trên từ FIFA cũng như không có án cấm được đưa ra dù trước đó cơ quan nắm quyền cao nhất của làng bóng đá thế giới đã thực hiện việc tuyên truyền và quảng bá rầm rộ cho việc áp dụng quy trình thử chất cấm trước mỗi trận đấu. May sao cuối cùng ĐT Tây Đức vẫn không thể đánh bại được ĐT Anh để lên ngôi vương, nếu kết quả trận chung kết đi ngược lại với thực tế, đây sẽ là bê bối khó có thể dung thứ trong lịch sử World Cup.



Vụ việc 3 cầu thủ Tây Đức dính doping đã bị giấu nhẹm- Ảnh Internet

Vẫn còn những “điểm đen”

Tuy vậy, khi bí mật trên bị phơi bày, dư luận đã vô cùng bức xúc và đặt ra câu hỏi liệu trong làng bóng đá thế giới còn những bê bối nào bị giấu nhẹm bởi FIFA hay không?

Hồi tháng 5 vừa qua, chính huyền thoại bóng đá người Argentina, Diego Maradona trong chương trình truyền hình The Football Show đã tiết lộ rằng đội bóng xứ Tango đã dùng doping để giành vé tham dự World Cup 1994.

Đáng buồn hơn khi lời nói từ chính miệng cựu cầu thủ của Argentina khẳng định Chủ tịch Liên đoàn bóng đá nước này, ông Julio Grondona là người đứng ra đạo diễn cho vụ việc. Maradona cho biết trong trận đấu play-off với ĐT Australia để tranh vé dự World Cup 1994, các tuyển thủ Argentina đã được bí mật cho dùng chất kích thích được pha vào cà phê được phát cho cầu thủ trước trận đấu. Sau đó, tất cả những người tham dự trận đấu nói trên đều cảm thấy khỏe khoắn lạ thường, chạy hùng hục trên sân mà không hề biết mệt. Kết quả chung cuộc là Argentina giành chiến thắng 2-1 sau 2 lượt trận và giành vé đến Mỹ dự World Cup 1994.

Theo quy định của FIFA, trước mỗi trận đấu, tất cả các cầu thủ 2 đội đều phải trải qua khâu kiểm tra doping, một việc vốn quá quen ở thời điểm lúc đó chứ không còn sơ khai như hồi năm 1966. Vậy sơ hở của nhà chức trách nằm ở đâu? Theo Maradona, các trận đấu trước đó anh và đồng đội đều phải trải qua kỳ kiểm tra doping, nhưng trận đấu nói trên thì hoàn toàn ngoại lệ. Chính hành động "vạch áo cho người xem lưng" của cựu danh thủ 50 tuổi lại càng dấy lên những hoài nghi về những điều mà FIFA và các liên đoàn thành viên cùng bắt tay nhau che giấu người hâm mộ, để cuối cùng môn thể thao Vua mất đi những nét đẹp vốn có của nó.

Sau World Cup 2010, FIFA cho biết đó là giải đấu thứ 4 trong 4 năm liên tiếp họ tổ chức thành công mà không phát hiện bất cứ trường hợp nào dương tính với chất cấm. Thống kê và số liệu đưa ra rất được người hâm mộ hưởng ứng nhưng liệu còn sự thực nào ẩn giấu đằng sau?

Cẩm Oanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm