HLV Trần Anh Hiệp và chuyện lạ của đi bộ Việt Nam

11/02/2013 13:57 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn lại 2 năm qua, VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc là một trong ít gương mặt có sự bùng nổ chóng mặt nhất của làng thể thao Việt Nam. Phía sau hiện tượng Thanh Phúc có công lớn của HLV Trần Anh Hiệp. Phải trải qua 10 năm nhọc nhằn, HLV này mới có được những ngày vui với đi bộ, vốn là môn ít được quan tâm và hầu như chẳng được đầu tư đến nơi đến chốn.

Olympic London 2012 là sân chơi có quy mô lớn nhất mà thầy trò Anh Hiệp-Thanh Phúc
từng được tham dự. Ảnh: MM

Với những chiến công của học trò ở sân chơi khu vực rồi châu lục, công sức gây dựng môn đi bộ của HLV Trần Anh Hiệp cuối cùng cũng đơm hoa, kết trái. Hay ở chỗ, anh khởi nghiệp là một VĐV thuộc tổ cự ly trung bình, chứ chẳng liên quan gì đến môn đi bộ cả.

Vất vả đường đời làm huấn luyện

Bây giờ, HLV Anh Hiệp có 2 VĐV tài năng là chị em Thanh Phúc - Thanh Ngưng trong tay. 2 VĐV này sớm tỏa sáng ở đường đi bộ 20km nội dung nam, nữ quốc gia trong 5 năm qua, rồi vươn tầm ra cấp độ khu vực ở SEA Games 2011. Lần đầu tiên đi bộ Việt Nam tham dự SEA Games với mục tiêu học hỏi, cọ xát nhưng đã gây chao sóng khu vực, thầy trò ông Hiệp mừng phát khóc.

Để có được những trái chín vào lúc này, có không ít những sự kiện vui buồn trong suốt 8 năm qua.

Có lẽ kỷ niệm đầu tiên chính là giải trẻ điền kinh quốc gia 2001 được tổ chức ở TP.Đà Nẵng. Do cơn mưa vào buổi sáng trước giờ thi, khiến thầy trò Anh Hiệp chủ quan, nghĩ BTC sẽ lùi giờ thi đấu ở môn đi bộ.

Đến lúc đến sát giờ ra sân Chi Lăng, thầy trò Anh Hiệp tái mặt khi các VĐV đã bước vào vạch xuất phát. Chỉ kịp khởi động nhẹ, đeo giày, cô học trò nhỏ Thanh Hải đã miệt mài cất bước trên đường đua. Nhọc nhằn đến thế, cô học trò này cũng đoạt HCĐ, món quà ý nghĩa đầu tiên trong sự nghiệp HLV đi bộ cho ông thầy Anh Hiệp của mình.

Rất nhiều VĐV đi qua, nhưng có lẽ tâm sức của HLV Anh Hiệp dành cho chị em Thanh Phúc-Thanh Ngưng là nhiều nhất, đặc biệt là cô chị Thanh Phúc. HLV Anh Hiệp cho biết: "Phúc bây giờ đã vô địch SEA Games, rồi đoạt vị trí thứ 3 ở giải châu lục. Nhưng thực tế con đường đi của Phúc gian nan và vất vả hơn cậu em nhiều. Phúc có tài nhưng thiếu may mắn, khi môn đi bộ lúc ấy chưa thực sự được quan tâm.

Cú ngã đầu đời như việc bị tước mất HCV đi bộ ở Đại hội TDTT toàn quốc lần V-2006, rồi không được dự SEA Games 2009 vào phút chót. Bị nhiều cản lực thế, Phúc vẫn quyết tâm rồi thống trị nội dung đi bộ nữ từ 2007 đến nay. Thế nên, khi Thanh Phúc có được thành tích hôm nay,  ngẫm lại hoàn toàn xứng đáng cho sự nỗ lực âm thầm của em trong suốt những năm qua".

Những kỷ niệm thầy trò cồn lên như sóng trong 3 lần Thanh Phúc vinh dự ra nước ngoài thi đấu (SEA Games 2011, giải vô địch châu Á 2012 rồi Olympic 2012), đó cũng là từng ấy lần HLV HLV Anh Hiệp được cầm quân chinh chiến nước ngoài.

"Ngày mới qua Nhật Bản chuẩn bị, thời tiết nước bạn lạnh gần 0 độ C. Nếu ở lâu, cơ địa người Việt Nam khó chịu nổi cái lạnh thấu tim gan ở bên ấy. May là chỉ sau một ngày tập trung các VĐV đã được thi đấu luôn. Nhờ thế, Thanh Phúc vẫn giữ được sự hưng phấn, mạnh mẽ hơn cả bình thường. Đến lúc nhìn Phúc băng băng về đích vượt qua các đối thủ để vào tốp 3, tôi còn bất ngờ chứ đừng nói là mọi người ở nhà", HLV Anh Hiệp hồ hởi kể lại.

Còn đến Olympic London 2012, 2 thầy trò lần đầu tiên được sang tận Anh quốc để tập huấn trước giờ thi đấu. Đấy cũng là lần đầu tiên sau cả chục năm theo nghề, HLV Anh Hiệp và học trò mới có cơ hội bước ra sân chơi lớn đến như thế. HLV Anh Hiệp thừa nhận cả 2 thầy trò thực sự choáng  khi bước về thủ đô London. Dù chỉ xếp thứ 57/61 VĐV tham dự, nhưng thành tích của Phúc vẫn vượt giới hạn bản thân, tốt nhất trong sự nghiệp của cô. Đó là dấu ấn cho tinh thần vượt khó của bộ đôi thầy trò Anh Hiệp-Thanh Phúc đã trải qua suốt 8 năm đã qua.

Nỗi lo người gõ đầu trẻ

Từ sức bật của 2 học trò cưng, HLV Anh Hiệp cũng được thơm lây. Không còn cảnh vất vả lắm mới xin được lãnh đạo TP, Tổng cục TDTT cho quân đi tập huấn một năm một lần như cũ. Trái lại, Thanh Phúc - Thanh Ngưng đều là gương mặt trọng điểm đầu tư cho SEA Games 2013 và xa hơn là các giải đấu tầm châu lục, thế giới.

Với những thành tích đã khẳng định trong năm qua, Thanh Phúc không khó để bảo vệ danh hiệu "Nữ hoàng đi bộ ĐNA". Với thành tích tập luyện khoảng 1h33'36", bây giờ Phúc còn vượt xa chuẩn B Olympic 2012 đến chừng 5 phút. Bây giờ Phúc vẫn đang duy trì phong độ để hướng tới giải vô địch châu Á dự kiến tổ chức vào tháng 5/2013 tại Nhật Bản. Chỉ cần duy trì phong độ, có khả năng Thanh Phúc sẽ đạt chuẩn để dự giải VĐTG ở Nga sau đó.

Giờ đây, ông Hiệp đang kỳ vọng vào cả vào Thanh Ngưng, khi có tuổi trẻ và sự đầu tư lớn hơn. Trong năm 2013, môn đi bộ sẽ được quan tâm, đầu tư quyết liệt. Thanh Ngưng được đưa vào nhóm trọng điểm để hướng đến ngôi vô địch khu vực.

Với thành tích tốt nhất vào lúc này, 1h28', Thanh Ngưng đã vượt qua cả đối thủ người Indonesia từng đoạt HCV SEA Games 2011 ở nội dung đi bộ 20km nam. Nếu duy trì sự tiến bộ như hiện tại, Ngưng đủ sức cùng cô chị thống trị hoàn toàn đường đi bộ Đông Nam Á.

Trải qua nhiều nhọc nhằn, buồn vui với nghề thế, HLV Anh Hiệp cuối cùng cũng được hưởng hương vị thành công, thậm chí thành công xuất thần. Tường hợp cá biệt như Thanh Phúc được đưa thẳng vào diện ''đặc biệt'', bởi chỉ sau 2 giải đấu ngắn ngủi ở Đông Nam Á rồi châu Á, Phúc đi bộ một mạch đến thẳng Thế vận hội. Có lẽ trong lịch sử đào tạo các VĐV chuyên nghiệp cũng chưa có VĐV có sự phát triển chóng mặt như Thanh Phúc.

Không còn cảnh bộ môn đi bộ bị bỏ quên, hắt hủi như trước, môn đi bộ đã nhận được sự quan tâm thực sự từ lãnh đạo đầu ngành thể thao. Đối với người dân nói chung, môn đi bộ không chỉ giúp giữ gìn sức khỏe mà còn có thể tạo bước đột phá giúp thể thao Việt Nam có nhiều Thanh Phúc, Thanh Ngưng mới. Có được một tương lai xán lạn như lúc này, dấu ấn của HLV Anh Hiệp lại càng đặc biệt hơn, đáng quý hơn, từ những đóng góp thầm lặng trong suốt những năm qua.

Thể thao Việt Nam có những bất ngờ như thế, ai ngờ đi bộ Việt Nam và phong trào đi bộ các địa phương bỗng nhiên sôi nổi nhờ một vài cá nhân vốn không được đầu tư, chăm bẵm như thầy trò Trần Anh Hiệp.

MỘC MIÊN
Thể thao & Văn hóa

Sự nghiệp VĐV của HLV Trần Anh Hiệp không thực sự nổi bật. Đã thế đến năm 2000, do dính chấn thương nặng nên anh buộc phải giã từ thi đấu để làm trợ lý cho chuyên gia điền kinh người Trung Quốc. Nhiệm vụ trong 3 năm vào nghề của HLV Anh Hiệp chủ yếu là tìm kiếm, phát hiện những VĐV cho tổ cự ly ngắn. Mãi đến năm 2004, HLV này mới chính thức chuyển sang đào tạo VĐV môn đi bộ. Đó là quyết định mạo hiểm và có phần liều lĩnh của ông thầy này, bởi môn đi bộ ít nhận được sự quan tâm và đầu tư như các môn khác. Số trung tâm đeo đuổi công tác đào tạo VĐV đi bộ gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhìn lại những ngày đầu, HLV này bồi hồi: "Ngày mới chuyển qua môn đi bộ, chẳng HLV, chuyên gia nào ở ta biết về kỹ thuật, huấn luyện môn đi bộ cả. Tôi may mắn là số ít người được học từ sơ cấp, trung cấp rồi lên cao cấp đi bộ. Lúc này ở Việt Nam, chỉ có tôi cùng trọng tài Phạm Công Hải là 2 người duy nhất được ra nước ngoài chuyên sâu đi bộ. Rõ ràng so với tổ cự ly ngắn, cự ly trung bình, sự quan tâm, đầu tư ở môn đi bộ là hạn chế rất nhiều. Sự thiệt thòi ấy khiến thầy trò tôi gần 8 năm an phận thủ thường cũng vì lẽ ấy". 

***

Việc Thanh Phúc vụt sáng chỉ trong 8 tháng ngắn ngủi không chỉ giúp ông thầy của mình mở mày mở mặt, mà còn đưa bộ môn đi bộ nước nhà bước sang một trang mới đầy hy vọng. HLV Anh Hiệp nhẩm tính vài năm trước đây mặt bằng VĐV tham dự môn đi bộ chỉ có chừng 20 VĐV ở cả đội trẻ lên đến chuyên nghiệp. Giải VĐQG gần như chỉ có 4 địa phương tham dự là Đà Nẵng, Nghệ An, Thái Bình, Quảng Ngãi. Ấy vậy mà sau sự kiện Thanh Phúc vô địch SEA Games 26, tính đầu năm 2012 đã có đến 50 VĐV tham dự giải đi bộ trẻ quốc gia. Riêng HLV Anh Hiệp liên tục nhận được điện thoại xin tài liệu, kinh nghiệm đào tạo VĐV đi bộ từ nhiều HLV trong cả nước. Ngoài sự bối rối vì bỗng trở thành người nổi tiếng, HLV Anh Hiệp tự hào vì đã ươm mầm cho bộ môn đi bộ Việt Nam có được bước phát triển như lúc này. 

***

Dù đang thành công như thế nhưng HLV Anh Hiệp lại có một nỗi lo không nhỏ khác, bởi hiện tại ở tổ đi bộ TP.Đà Nẵng, chỉ một mình HLV Anh Hiệp trông coi cả hơn chục VĐV. Khổ nỗi do được đôn lên ĐTQG, HLV này không thể chăm lo cho lứa trẻ. Nhiệm vụ quốc gia nặng nề, lại không có người hỗ trợ, nên công việc bồi dưỡng VĐV kế cận cũng bị ảnh hưởng vào lúc này. Để có được những VĐV xuất sắc như Thanh Phúc, Thanh Ngưng không phải cứ dựa vào may mắn là có được, mà nó còn là sự đào thải, chỉ dạy cặn kẽ từng động tác nhỏ nhất, đến việc phối hợp chiến thuật, thể lực, tinh thần, mới đạt tầm VĐV quốc gia, chứ đừng nói gì đến việc ra đua tranh tầm thế giới. Và việc chỉ một mình ông thầy này phải quán xuyến từ đội trẻ đến ĐTQG cũng là bất cập, khiến lỗ hổng thành tích sau Thanh Phúc, Thanh Ngưng cũng được đặt ra.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm