Thiên tài nhầm chỗ

19/10/2012 06:30 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Thập kỷ 1950-1960 Hàn Quốc có một đôi minh tinh của nghệ thuật thứ bảy là Shin Sang Ok và Choi Eun Hee. Họ đã tạo nên một cuộc cách mạng trên phim trường và phần thưởng là được làm thượng khách của một nguyên thủ quốc gia (theo báo chí) hoặc bị bắt cóc (như chính họ tự thuật). Bỏ qua khía cạnh chính trị của thời Chiến tranh lạnh đã qua từ lâu, phải lắc đầu công nhận rằng đôi khi có tài cũng bất hạnh.

Khởi đầu tươi sáng

Hàn Quốc năm 1953. Trên bán đảo Triều Tiên vừa im tiếng súng. Trong năm đó diễn ra đám cưới của nữ diễn viên Choi Eun Hee và đạo diễn mới nổi Shin Sang Ok. Cả hai đều tuổi 27. Họ còn cả tương lai trước mặt, tuy rằng nằm mơ cũng không dám hình dung ra tương lai đó sẽ giàu kịch tính ra sao. Tay trong tay, họ náo loạn nghệ thuật điện ảnh Hàn Quốc lúc đó còn đang ngoi ngóp trong đống gạch vụn nhưng đã có những mầm mống sáng ngời hy vọng. Tuy kinh tế còn khốn đốn, đạo diễn trẻ Shin Sang Ok vẫn được nhận tiền làm 2 phim mỗi năm, có phim dài đến 5 tiếng. Dĩ nhiên ông đẩy vợ vào nhiều vai chính.

Vợ chồng đạo diễn Shin Sang Ok và Choi Eun Hee

Sông có khúc, người có lúc, đôi vợ chồng tài hoa gặp khó khăn khi chính thể mới của Nam Hàn siết chặt kiểm duyệt rồi thậm chí đóng cửa trường quay của họ năm 1978. Họ lục đục trong đời tư rồi dắt nhau ra tòa ly dị.

Sự kiện ấy không qua mắt một người đàn ông ngồi cách đó 200km về phía Bắc. Người này là một fan cuồng của điện ảnh, thờ các thần tượng màn bạc như James Bond (007) hay Elizabeth Taylor, từng tự tay sản xuất phim và quá hiểu tác dụng của phim ảnh đối với truyền thông: Kim Jong Il tức Kim Chính Nhật, lãnh tụ tương lai của Bắc Triều Tiên. “Nhiệm vụ của điện ảnh là góp phần biến quần chúng thành những người cộng sản thực thụ“, chính trị gia 37 tuổi ấy tuyên bố cương lĩnh nghệ thuật của mình, “cuộc cách mạng phải bắt đầu từ hàng ngũ đạo diễn“, và ông cũng rõ rằng nội lực Triều Tiên ngày ấy chưa đáp ứng nổi kỳ vọng của mình.

Tài và tai

Một ngày đẹp trời, Choi Eun Hee nhận được giấy mời qua Hong Kong để thẩm định một hợp đồng hấp dẫn. Cô đến ngay nơi hẹn và không có thì giờ để suy nghĩ lâu: vừa nhận phòng khách sạn thì cô bất tỉnh, và khi thuốc mê nhạt đi thì cô đã ở trong dinh thự của Kim Chính Nhật.

Shin Sang Ok lo lắng qua Hong Kong tìm vợ cũ, ra tận bến tàu thủy là nơi người ta nhìn thấy cô lần cuối, không ngờ cũng bị theo đúng lối ấy để về Bắc Triều Tiên.

“Tôi sợ đến chết được“, sau này Choi Eun Hee ghi lại trong hồi ký. “Tôi không hề ăn uống, lại càng không biết chồng cũ của tôi ở ngay gần đó". Những năm tiếp theo là khóa học chính trị triền miên, với một bài thi tốt nghiệp. “Tôi vô cùng bất hạnh, nhiều lần muốn tự sát nhưng không dám, chỉ sợ gia đình mình quá đau đớn“.

Lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Il đến tận phim trường thị sát cảnh quay bộ phim Pulgasari (1985)

Shin Sang Ok ban đầu may mắn hơn. Ông được nâng niu chiều chuộng, nhưng 5 tháng sau thì tìm cách bỏ trốn và bị bắt lại. Ông nhận án tù, tuyệt thực và bị truyền đạm để sống tiếp. Ông cũng không tin là vợ cũ còn sống.

Mọi chuyện diễn ra như cổ tích: ông được thả tự do sau 5 năm, vào một buổi tối tháng 3, ông được xe đón đến dự dạ tiệc ở Bình Nhưỡng và bất ngờ thấy mặt Choi Eun Hee ở đó. “Làm sao lại đứng như trời trồng thế“, chủ nhà Kim Jong Il ân cần hỏi, “ôm nhau đi chứ?“ Ông Il khẩn khoản xin lỗi là lâu nay quá bận nên không đích thân tiếp họ được, ông chỉ mong hai người nối lại hạnh phúc xưa kia với nhau. Và truyện cổ tích trên đất Triều Tiên cũng tạm kết thúc đúng như ý chủ nhà.

Ở một bữa tiệc cocktail tiếp theo, nguyên thủ quốc gia tương lai trân trọng hỏi ý kiến họ. “Ông ấy độc thoại một tiếng liền, kể về các dự án đưa người sang Đông Đức học cắt cảnh, qua Tiệp Khắc thực tập quay phim, tới Moskva đào tạo đạo diễn..., nhưng người của ông không thể tới Pháp, Anh, Tây Đức. Điện ảnh vẫn không tiến bộ đáng kể, nay cần một thế hệ làm phim mới“.

Kết cục khá khả quan: đôi vợ chồng được đề nghị làm “vài phim có giá trị“, bù lại họ nhận ngay một tài khoản bên Áo với 3 triệu USD.

Đoạn kết kịch tính

Những năm sống ở Bắc Triều Tiên, vợ chồng Shin Sang Ok đã mường tượng được là sẽ làm “phim có giá trị“ ra sao. Nhưng sau hôm đó họ mới biết thêm được nhiều điều. Họ được đưa đến xem kho lưu trữ phim khổng lồ trên một ngọn đồi ở Bình Nhưỡng mà chỉ ai có lệnh của Kim Jong Il mới được vào: nơi đây người ta bảo quản 15.000 phim từ khắp thế giới ở nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng, cũng như các phim từng được sản xuất nội địa.

Shin Sang Ok nắm được thị hiếu của ông chủ mới, vốn hâm mộ Rambo hay Thứ Sáu, ngày 13. Choi Eun Hee an cư trong lâu đài mùa Hè của Chủ tịch, được cung cấp các mốt mới nhất và mỹ phẩm phương Tây. Kim Jong Il còn cho phép họ qua Đông Berlin quay phim, dĩ nhiên kèm nhóm hộ vệ. Một lần, trong khi đi dạo Choi Eun Hee nảy ra ý tưởng chạy vào Sứ quán Mỹ, nhưng Shin Sang Ok tái mặt: “Anh không làm gì mà không chắc chắn 100% cả, vì anh quá rõ hậu quả“.

Tổng cộng 7 phim ra đời từ tay Shin Sang Ok, với ngân sách ngoại lệ. “Có những việc chỉ có thể làm được ở đó“, ông kể. Ví dụ như phim Tale Of An Escape có cảnh một đoàn tàu nổ tung. Do quá tốn kém, đạo diễn viết thư xin và nhận được cả một đoàn tàu thật chứ không cần nhờ kỹ xảo. Thành công lớn nhất của ông là phim Pulgasari về một quái vật khổng lồ, được coi như câu trả lời cho phim Godzilla của Hollywood. Shin Sang Ok thậm chí còn được mời diễn viên Nhật qua đóng và cả những kỹ thuật viên Mỹ đã từng tham gia quay Godzilla thật!

Công đoạn tiếp thị để làm Pulgasari nổi tiếng thế giới được trao cho một công ty marketing của Áo. Khi qua đó tham dự liên hoan phim, vợ chồng Choi Eun Hee và Shin Sang Ok cắt đuôi được nhóm hộ vệ và chạy vào Sứ quán Mỹ xin tị nạn rồi từ đó về cố hương. Triều Tiên phản đối CIA bắt cóc họ, và tuyên bố rằng họ tự nguyện sang Bình Nhưỡng sống. Nhưng, như đã nói, khía cạnh chính trị ở đây không ai cần quan tâm.

Shin Sang Ok qua đời 2006, hồi ký của ông ra mắt một năm sau, với nhan đề Tôi là một bộ phim - ông đã sống một cuộc đời nhiều kịch tính hơn tất cả những phim được ông đạo diễn cộng lại.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm