Nghị sỹ Mỹ muốn siết chặt quy định về sở hữu súng

16/12/2012 12:43 GMT+7 | Trong nước


Sau khi xảy ra vụ xả súng bừa bãi sát hại hàng chục học sinh tại một trường tiểu học thuộc bang Connecticut ngày 14/12 khiến cả nước Mỹ và cộng đồng thế giới bàng hoàng, tại Mỹ đã có nhiều tiếng nói đòi siết chặt các quy định về buôn bán và sở hữu súng đạn.

Người nhà một nạn nhân khi nghe tin về vụ xả súng. (Nguồn: AP)

Trong một thông cáo báo chí ngày 15/12, Hạ nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện, John Larson cho biết ông rất đau lòng về vụ thảm sát tại bang quê hương, do vậy đã đưa ra hàng loạt biện pháp để thúc đẩy Quốc hội thông qua nhằm siết chặt các quy định về buôn bán và sở hữu súng đạn, trong có gồm cả việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với tất cả các hồ sơ xin mua súng và cấm sở hữu các loại vũ khí có khả năng tấn công.

Hạ nghị sỹ Larson chỉ trích các động cơ chính trị cản trở các nhà lập pháp có ngay các hành động để góp phần ngăn chặn các vụ bạo lực ngày càng tàn nhẫn hơn.

Ngay sau vụ thảm sát, Tổng thống Barack Obama thừa nhận nước Mỹ "đã trải qua những bi kịch thế này quá nhiều lần," đồng thời kêu gọi áp dụng mọi biện pháp để ngăn tội phạm và những cá nhân có sức khỏe tinh thần không ổn định tiếp xúc với vũ khí, trong khi vẫn bảo đảm quyền được ghi nhận trong hiến pháp về việc sở hữu súng của người dân Mỹ.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Dianne Feinstein cho rằng sau vụ thảm sát Quốc hội cần phải bắt đầu các cuộc tranh luận thấu đáo về luật súng đạn ngay trong phiên họp sắp tới. Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Jerrold Nadler nhấn mạnh "nếu không tiến hành ngay lập tức các cuộc thảo luận nghiêm túc về kiểm soát súng đạn thì không biết đến lúc nào mới thảo luận."

Một số người đã tổ chức biểu tình trước cửa Nhà Trắng đòi giới chức Mỹ phải có ngay các hành động. Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal, cũng thuộc bang Connecticut, cùng hai Hạ nghị sỹ Carolyn McCarthy và George Miller đồng thanh lên tiếng kêu gọi thông qua các luật kiểm soát nghiêm ngặt việc sở hữu súng đạn.

Bất luận có thêm nhiều tiếng nói đòi kiểm soát chặt súng đạn, các chuyên gia cho rằng các nghị sỹ của cả hai đảng, nhất là đảng Cộng hòa, đã và đang tiếp tục chịu áp lực nặng nề từ lá phiếu của các thành viên Hiệp hội súng đạn Mỹ (NRA), một tổ chức đã quyên góp gần 1 triệu USD cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 vừa qua.

Cảnh sát bang Connecticut ngày 15/12 đã công bố tên tuổi 28 nạn nhân vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, quận Newtown, trong đó có 12 cháu gái và 8 cháu trai ở độ tuổi từ 6-8. Trong số 6 người lớn bị thiệt mạng trong trường có bà Hiệu trưởng Dawn Hochsprung, người đã cùng một giám viên ra chặn đường kẻ sát nhân khi tên này cầm súng lao vào các lớp học.

Kẻ gây án được xác định là Adam Lanza, 20 tuổi. Tên này đã giết chết mẹ của y là bà Nancy Lanza tại nhà trước khi lái xe tới trường xả súng vào các em nhỏ. Cảnh sát cho biết các khẩu súng mà kẻ sát nhân sử dụng đăng ký theo tên người mẹ. Anh trai của tên sát nhân là Ryan Lanza, 24 tuổi, cũng đang bị tạm giam để thẩm vấn.

Nước Mỹ đứng đầu thế giới về nạn nhân của súng đạn. Tại Mỹ, hiện nay trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 người thương vong do súng đạn, trong đó khoảng 30.000 bị thiệt mạng. Một nguyên nhân được nêu ra là trên thế giới không nước nào người dân sở hữu súng nhiều như nước Mỹ.

Theo thống kê, với dân số hiện tại khoảng 315 triệu người, ở Mỹ hiện có tới hơn 270 triệu khẩu súng các loại. Quốc hội Mỹ năm 1994 thông qua đạo luật cấm 10 năm đối với việc buôn bán và sở hữu 19 loại vũ khí tấn công.

Đến năm 2004, đạo luật này hết hiệu lực và từ đó đến nay phe Cộng hòa vẫn phản đối mạnh mọi đề xuất luật kêu gọi kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán súng trong khi NRA, với khoảng 4,5 triệu hội viên, thì cho rằng mọi biện pháp hạn chế súng đạn là vi phạm quyền hiến định của người dân.

Năm 2008 khi ông Obama đắc cử tổng thống, những người ủng hộ quyền sở hữu súng đạn ở Mỹ đã đổ xô đi mua súng tàng trữ vì lo ngại khi lên cầm quyền ông Obama sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt việc các cá nhân sở hữu vũ khí.

Theo số liệu thống kê, ở thời điểm tháng 10/2008 khi khả năng thắng cử ông Obama ngày càng rõ, số lượng đơn xin mua súng là 1,18 triệu người và đến tháng 12 cùng năm vọt lên mức 1,52 triệu người.

Cả năm 2008 có 12,71 triệu lượt người Mỹ đăng ký mua súng, tăng 150% so với 8,95 triệu người trong năm 2002.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm