Mỹ lộ “gót chân A-sin” tại nhà Bin Laden

09/05/2011 11:12 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cuộc đột kích của Mỹ vào Pakistan để tiêu diệt ông trùm khủng bố Osama Bin Laden đã làm lộ ra một bí mật: Washington có trong tay một loại trực thăng tàng hình rất hiện đại, với độ yên tĩnh và khả năng tránh radar cao tới mức giúp lực lượng tấn công lọt qua các loại lưới phòng thủ, tới mục tiêu và trở ra một cách an toàn.

>> Chuyên đề: Osama Bin Laden đã chết

Ai đã từng ở cạnh một chiếc máy bay trực thăng đang hoạt động đều sẽ biết rằng nó vô cùng ồn ào. Động cơ phản lực của nó tạo nên những chiếc rít xé tai, lớp vỏ thì rung lên như một cái trống bị người ta gõ vào và các cánh quạt tạo ra những tiếng “phật phật phật” rất đặc trưng, có thể dễ dàng được nhận ra từ khoảng cách rất xa.

Chiếc máy bay tàng hình bí mật

Việc chế tạo ra một chiếc máy bay trực thăng tàng hình loại bỏ các yếu tố trên, vì thế đã được xem như một mục tiêu lớn, một dạng “chén Thánh” của ngành công nghiệp hàng không quân sự trên khắp thế giới.

Cho tới khi chiếc máy bay trực thăng tàng hình bí ẩn bị rơi và bị phá hủy trong vụ đột kích của lính đặc nhiệm SEAL, không ai biết được rằng có loại vũ khí vô cùng lợi hại như vậy đang tồn tại trong kho chứa của Mỹ.

Phần đuôi chiếc trực thăng tàng hình của Mỹ còn sót lại ở Pakistan

Người Mỹ đã nỗ lực bảo vệ công nghệ độc nhất vô nhị của họ bằng cách phá hủy chiếc máy bay bị hư hại sau cuộc đột kích. Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon E. Panetta nói rằng các loại trực thăng duy nhất được sử dụng trong chiến dịch là những chiếc MH-60 Blackhawk và thừa nhận một trong số chúng buộc phải bị phá hủy.

Nhưng một phần lớn của máy bay được nhà chức trách Pakistan phát hiện vẫn còn nguyên. Các bức ảnh được báo chí công bố sau đó khiến nhiều chuyên gia phân tích tin rằng đây đứng là một chiếc máy bay tàng hình rất bí mật, rất có thể là chiếc Blackhawk nhưng đã được chỉnh sửa tối đa để có khả năng tàng hình.

Thiếu tá Wes Ticer, phát ngôn viên của Sở chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt (USSOCOM) đã từ chối bình luận về chiếc máy bay. Song các chuyên gia hàng không nói rằng phần đuôi của chiếc máy bay bị rơi không giống những chiếc Blackhawk bình thường do công ty Sikorsky Aircraft sản xuất, với giá mỗi chiếc khoảng 30 triệu USD. Đáng chú ý là phần cánh đuôi được bao phủ bởi một thiết bị trông giống như cái đĩa và có thể đây là thiết bị làm giảm tiếng ồn cánh quạt đuôi.

“Những gì chúng tôi được thấy ở đây là một kiểu thiết kế cánh quạt trực thăng rất mới, không xuất hiện nhiều trong đời thường” - Loren Thompson, nhà phân tích chính sách quốc phòng ở Viện Lexington ở Arlington, Virginia đánh giá - “Dường như quân đội đã có bước tiến dài trong việc làm giảm tín hiệu radar và tín hiệu âm của máy bay.

Dựa vào phần đuôi, có thể suy đoán rằng phần cánh quạt chính cũng đã được thay đổi để máy bay giảm tiếng ồn. Ngoài ra, có thể nó được tích hợp một số yếu tố tàng hình chống radar như dùng sơn đặc biệt, thu càng đỗ vào trong thân, giảm các góc cạnh phản xạ radar.

Farhan Gandhi, một giáo sư về kỹ thuật hàng không ở Đại học bang Pennsylvania nói rằng có thể việc giảm bớt tiếng ồn ở trực thăng đã đạt được những tiến bộ khổng lồ trong vài năm gần đây. “Bạn không bao giờ có thể tạo ra một chiếc trực thăng không tiếng ồn, nhưng có những khả năng rất lớn để khiến chúng trở nên tĩnh lặng hơn nhiều so với hiện nay” - ông nói.

Khả năng lộ bí mật công nghệ?

Ý tưởng của việc chế tạo ra một loại “trực thăng yên tĩnh” không hề mới mẻ. Trong Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ và CIA đã phát triển loại trực thăng “tàng hình” Hughes 500P có biệt danh “The Quiet One” (tạm dịch Chiếc máy bay tĩnh lặng).

Chiếc máy bay tĩnh lặng Hughes 500P trong chiến tranh Việt Nam

Sản phẩm này do Công ty Hughes Aircraft sản xuất, trong đó tập trung vào việc lắp một bộ số mới cho máy bay để làm chậm tốc độ quay của bộ cánh đuôi, giúp giảm đáng kể tiếng ồn. Ngoài ra Hughes Aircraft còn thay đổi phần chóp của mỗi cánh quạt ở bộ cánh chính. Khi cánh quạt hoạt động, các phần chóp này sẽ tạo nên những cơn lốc xoáy không khí nhỏ và các lốc xoáy đó sẽ bị các cánh quạt tới sau đập vào, gây nên tiếng ồn lớn. Công ty cũng chỉnh sửa động cơ, cho phép phi công giảm tốc độ quay của cánh chính và khiến các cánh quạt êm hơn.

Hiệu quả của chiếc máy bay tàng hình này đã được ca tụng rất cao. “Tôi đã từng đứng trên bãi đỗ và cố đoán xem chiếc máy bay đó tới từ hướng nào, nhưng đã không thành công cho tới khi chiếc máy bay lù lù xuất hiện cách tôi chừng 200 mét. Ngày nay không có chiếc máy bay nào tĩnh lặng như thế” - Don Stephens, người từng quản lý một căn cứ bí mật của Quiet One ở Lào trong thời gian chiến tranh nhận xét.

John Pike, giám đốc trang web nghiên cứu chính sách quân sự GlobalSecurity.org nói rằng những năm 1980, Lầu Năm Góc tiếp tục nghiên cứu chế tạo một chiếc trực thăng tàng hình, bên cạnh các dự án máy bay tàng hình nổi tiếng khác như F- 117 Nighthawk và B-2 Spirit. Họ cũng tìm cách phát triển chiếc trực thăng tàng hình Comanche. Nhưng dự án này đã bị hủy bỏ hồi năm 2004 do chi phí phụ trội quá lớn.

Không thể biết được công ty nào đã sửa đổi những chiếc Blackhawk của lính đặc nhiệm SEAL. Nhưng có thể thấy chúng đã rất hiệu quả trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden. Hiện số lượng bao nhiêu chiếc máy bay kiểu này nằm trong kho vũ khí của Mỹ vẫn là một bí ẩn lớn.

Nhưng ít nhất 1 chiếc đã bị phá hủy. Một quan chức quân sự cao cấp giấu tên nói với hãng tin AP rằng chiếc máy bay đã không có đủ lực nâng, do bị bao quanh bởi các bức tường cao hơn 5 mét ở nhà Bin Laden. Pike tin rằng vấn đề thiếu lực nâng có thể do những những sửa đổi liên quan tới hệ thống máy móc và cánh quạt, giúp máy bay đạt được yếu tố tàng hình. Ngoài ra, các yếu tố khí động học của máy bay có thể cũng đã bị ảnh hưởng trong quá trình sửa đổi. Phải chăng đó chính là “gót chân A-sin” của thứ vũ khí siêu hạng này?

Việc xác chiếc máy bay tàng hình nằm lại ở Pakistan đã gây nên những e ngại rằng nhiều công nghệ quan trọng có thể rơi vào tay nước khác, như Trung Quốc. Gần đây nước này mới công bố chiếc máy bay tàng hình Chengdu J- 20, với những “liên tưởng” tới chiếc F- 117 của Mỹ bị bắn hạ tại Serbia hồi năm 1999, dù sau đó “liên tưởng” này đã bị bác bỏ.

Nhưng các lo ngại đã bị Rebecca Grant, chủ tịch Viện nghiên cứu độc lập IRIS chuyên tư vấn về hàng không, bác bỏ. “Có những lo ngại rằng công nghệ tàng hình có thể rơi vào những địa chỉ không có lợi” - Grant đánh giá - “Nhưng không phải cứ nhặt được một mảnh máy bay tàng hình là bạn có thể chế tạo một chiếc máy bay nghiêm chỉnh. Đó là những công nghệ vô cùng phức tạp. Phần lớn chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội được tận mắt nhìn thấy chúng”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm