"Lính chiến" trên mạng của Israel

23/11/2012 09:38 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra đã lần đầu cho thấy sức mạnh rất lớn của các mạng xã hội, khi đôi bên ra sức đánh bóng hình ảnh và tố cáo tội ác của nhau trên Facebook, Twitter, YouTube... Trong cuộc giao tranh trên không gian ảo này, phía Israel đã lấn át đối thủ nhờ tổ chức một chiến dịch quy củ, toàn diện. Đáng chú ý là đứng phía sau chiến dịch đó lại là những con người rất trẻ, mới chỉ trong độ tuổi 20.

Sau đêm đầu tiên diễn ra các cuộc không kích của Israel nhằm vào Dải Gaza hồi tuần trước, một bức ảnh đã nhanh chóng được Lữ đoàn Qassam thuộc Hamas phát tán trên mạng xã hội Twitter về hình ảnh một bé gái 11 tháng tuổi bị tên lửa quân đội Israel giết chết khi nó rơi trúng nhà bé.

"Lũ nhóc" trên không gian ảo

Sacha Dratwa, người kế thừa và phát triển chương trình của Landes
Chỉ trong vòng một giờ, phát ngôn viên Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) Avital Leibovich, đã đưa lên mạng bức ảnh đáp lời. Đó là hình ảnh của một đứa trẻ sơ sinh khác ở Israel bị thương do rocket của Hamas bắn xuống thị trấn Kiryat Malachi.

Đây không phải là lần chạm trán duy nhất trên thế giới ảo giữa Israel và Hamas. Các màn đấu khẩu tiếp theo đó giữa Israel và Hamas trên Internet đã khiến thế giới nhận ra sức mạnh tuyên truyền cực lớn của không gian ảo.

Hiện chưa rõ ai đang điều hành dịch vụ Twitter của Lữ đoàn Qassam. Nhưng tại Israel, cuộc chiến truyền thông do những con người hết sức trẻ tuổi, được giới lãnh đạo cấp cao nước này gọi đùa là "lũ nhóc", điều hành. Bộ não chiến dịch tuyên truyền trên mạng của IDF hiện nay là chàng trai nhập cư 26 tuổi tên Sacha Dratwa.

Trong 2 năm qua, Dratwa đã lãnh đạo một nhóm truyền thông được tạo ra ban đầu trong khuôn khổ Chiến dịch Cast Lead 2008, nhằm phát các đoạn video bênh vực IDF lên YouTube và Facebook. Từ năm ngoái tới nay, Dratwa và các nhân viên đã nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động. Nhóm vừa tạo ra các nội dung có thể được chia sẻ nhanh trên mạng xã hội, vừa thiết kế các trò chơi cho blog của IDF nhằm thu hút thêm người tham gia.

Nhóm cũng phát đi các đoạn video và các hình ảnh về hoạt động quân sự của IDF ở Dải Gaza, về những màn chống trả rocket Hamas bằng tên lửa Iron Dome....

“Chính quyền thường tạo ra các tuyên bố, quan điểm, mục tiêu muốn đạt được rồi chuyển lại cho "lũ nhóc" để họ sẽ đưa các thông tin này lên mạng, sử dụng một thứ ngôn ngữ mới của mạng xã hội. Và phép lạ đã xuất hiện" - Daniel Seaman, Thứ trưởng Bộ Thông tin Công cộng và Các vấn đề Do Thái - nhận xét về hoạt động của Dratwa và cộng sự.

"Với Dratwa, những gì các anh đang làm đơn giản là để "giải thích cho những người bên ngoài biết về chuyện đang diễn ra ở Israel. Chúng tôi tin mọi người đều hiểu thứ ngôn ngữ của Facebook và Twitter" - ông nói.

Ông cho biết việc đưa chiến tranh lên Twitter, Facebook, Instagram và thậm chí Pinterest là sự phát triển tự nhiên của các sáng kiến phát triển quan hệ công chúng. Mục tiêu cuối cùng của việc này là nhằm đạt tới 2 điều: kể lại câu chuyện đang diễn ra tại Israel theo thời gian thực và vượt qua rào cản của "các loại hình truyền thống cũ" để vươn tới với những người ủng hộ Israel một cách nhanh nhất.

Aliza Landes, cô gái thai nghén chiến dịch tiếp thị hình ảnh trên mạng của IDF

Sản phẩm tinh thần của nữ sĩ quan tuổi 25

Theo tờ The Tablet, cuộc chiến truyền thông mới của Israel về cơ bản là sản phẩm trí tuệ của Aliza Landes, một người Israel gốc Mỹ. Cô mới chỉ 25 tuổi khi làm sĩ quan phụ trách báo chí của IDF ở Bắc Mỹ. Cô cũng là người lèo lái các nỗ lực đầu tiên của Israel trong việc tham gia chiến tranh mạng tại Chiến dịch Cast Lead giai đoạn 2008 - 2009.

Tại Israel khi đó, Facebook mới chỉ vừa được giới thiệu, tương tự là YouTube. Người ta nghĩ rằng đây chỉ là những thứ đồ chơi cho lũ trẻ. Họ tưởng chúng chỉ là công cụ giết thời gian, chẳng ai nghĩ rằng chúng có thể là phương tiện phát tán thông tin hiệu quả".

Landes đã viết một số báo cáo thuyết phục lãnh đạo quân đội quan tâm tới chiến lược dùng mạng xã hội của cô. Nhưng nỗ lực không thành công cho tới khi cô bắt đầu tải một đoạn video lên YouTube và nó thu hút một lượng người xem lớn tới mức đủ để khiến các vị quan chức kia phải ngoái đầu chú ý.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên The Tablet, Landes nói rằng ban đầu cô dùng YouTube như phương tiện để chuyển video tới cho các phóng viên nước ngoài vốn đã bị quân đội Israel ngăn không cho vào Dải Gaza khi Chiến dịch Cast Lead diễn ra và buộc phải dựa vào các đoạn video của IDF. Khi đó, tuyên truyền trên YouTube chưa dành cho đại chúng.

Dần dần Landes bắt đầu mở rộng đối tượng phục vụ bằng cách mở một blog chính thức của IDF và cập nhật thông tin mới mỗi ngày, như con số các quả rocket đã được bắn vào đất Israel. Tới thời điểm chiến dịch Cast Lead kết thúc, cô đã bắt đầu đưa lên mạng các đoạn video lấy từ phòng phim quân sự của quân đội.

Tháng 8/2009, Landes đã thành công trong việc thuyết phục cấp trên rót vốn để cô mở chiến dịch truyền thông mới.

Thử thách lớn đầu tiên diễn ra vào tháng 2/2010, không phải trong một chiến dịch quân sự, mà là khi thảm họa động đất xảy ra ở Haiti và Israel cử một đội nhân viên y tế tới đây hỗ trợ. “Người ta gửi cho chúng tôi các đề nghị giúp đỡ thông qua Twitter và chúng tôi chuyển lại cho lực lượng chức năng" - Landes kể - "Vậy là từ vai trò công cụ tuyên truyền, mạng xã hội còn trở thành công cụ cứu trợ nữa".

Mùa Hè năm đó, Landes chịu trách nhiệm gửi lên mạng các đoạn video ghi lại cảnh đặc nhiệm Israel tấn công con tàu Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ khi nó đang trong chuyến đi nhân đạo tới Dải Gaza làm 9 người thiệt mạng.

Tới khi Landes rời khỏi quân đội vào cuối năm 2010, cô đã gây dựng được một đội ngũ 10 nhân viên rất giỏi đánh bóng tin tức về IDF, cũng chính là những con người đã hợp lực cùng Dratwa thực hiện một cuộc chiến truyền thông hoành tráng trên mạng như những gì người ta đã chứng kiến vừa qua.

Tường Linh (theo The Tablet)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm