Lãnh đạo CIA từ chức vì ngoại tình: Bê bối tình ái, vỡ lở chuyện an ninh

13/11/2012 09:05 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ David Petraeus vừa phải từ chức trong hổ thẹn khi người ta phát hiện ông ngoại tình với người viết tiểu sử của mình. Tuy nhiên không chỉ dừng ở mức bê bối tình ái cá nhân, vụ việc còn làm dấy lên những câu hỏi mới liên quan tới công tác đảm bảo an ninh tối mật ở Mỹ và vai trò của CIA trong vụ tấn công chết người nhằm vào tòa lãnh sự Mỹ tại Libya.

Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện được vụ ngoại tình giữa tướng David Petraeus và người viết tiểu sử của ông, Paula Broadwell, sau khi cô này gửi nhiều bức thư điện tử tới cho một người phụ nữ khác là Jill Kelly.

Từ bê bối tình ái tới nguy cơ bê bối an ninh

Paula dường như đã ghen tuông khi nghĩ rằng Kelly có mối quan hệ quá gần gũi với Petraeus nên có hành động nông nổi kể trên. Kết quả là FBI đã mở cuộc điều tra cách nay vài tháng sau khi họ nhận được đơn chống lại Paula.

Cuộc điều tra đã dẫn họ tới các lá thư điện tử của Paula và qua đó phanh phui ra mối quan hệ "ngoài luồng" của Petraeus, một trong những vị tướng được ca ngợi nhiều nhất Mỹ trong mấy thập kỷ gần đây.

Tướng Petraeus và cô nhân tình Paula, người đã gửi đi các lá thư ghen tuông dằn mặt "tình địch" khiến ông rơi khỏi vinh quang

Cuộc điều tra của FBI hiện mới chỉ thấy rằng đây là một vấn đề cá nhân và không có mối đe dọa an ninh nào cả.

Thế nhưng đã có những luồng ý kiến ở Mỹ nói rằng vụ việc chỉ là một bức màn để che đậy các vấn đề an ninh quan trọng hơn.

Theo kế hoạch, Petraeus sẽ phải điều trần trước Quốc hội Mỹ trong ngày 15/11 tới đây về vụ tấn công nhằm vào tòa Lãnh sự Mỹ đặt tại Benghazi, Libya trong ngày 11/9 khiến đại sứ Chris Stevens thiệt mạng. Giờ đây công việc này được giao lại cho viên phó của ông là Mike Morell. Nhưng các nghị sĩ vẫn muốn nghe phát biểu của Petraeus.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với chương trình  Face the Nation rằng Petraeus vẫn là "người của CIA" hiểu rõ nhất về những gì diễn ra tại Benghazi.

"Tôi chẳng biết có cách nào trên thế giới này giúp ta biết được chuyện gì xảy ra ở Benghazi trước, trong và sau vụ tấn công nếu tướng Petraeus không cung cấp thông tin" - Graham nói.

Petraeus đã tuyên bố ông hiện chỉ tập trung giải quyết vấn đề gia đình. Nhưng Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện cho rằng thời điểm ông nghỉ hưu như hiện nay có vẻ như nằm trong một âm mưu che đậy thông tin. Vài thành viên của Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã cho phóng viên CBS News hay rằng tướng Petraeus chắc chắn sẽ bị triệu tập để điều trần về vụ Benghazi trong tương lai gần.

Theo CBS News, Petraeus đã tới thăm Libya vào gần cuối tháng 10 và đã gọi điện cho vài thành viên của Quốc hội trước khi từ chức. Trong các cú điện này ông nói rằng video giám sát  tòa lãnh sự đã củng cố quan điểm rằng sự việc đã diễn ra tự phát chứ không có bàn tay chỉ đạo của Al Qaeda. Đây cũng là quan điểm chính quyền Obama đưa ra ban đầu. Ít nhất một nghị sĩ Cộng hòa đã phản ứng dữ dội với Petraeus vì quan điểm này.

Che đậy thông tin về vụ tòa đại sứ Mỹ ở Lybia?

Trong khi đó, một đoạn video khác cũng đã được công bố có cảnh Paula đang cung cấp tin tức về vụ tấn công tòa lãnh sự, khiến một số người e ngại rằng cô này đã được tiếp cận với thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm.

Phát biểu tại Đại học Denver hồi tháng 10 vừa qua, Paula Broadwell đã trả lời một câu hỏi về vai trò của Petraeus trong vụ tấn công Benghazi rằng: "Tôi không biết các bạn có nghe thấy chuyện này nhiều không, nhưng một đơn vị của CIA nằm trong tòa lãnh sự đã bắt một vài thành viên lực lượng nổi dậy ở Libya làm tù binh và phía lực lượng nổi dậy nghĩ rằng tấn công vào tòa lãnh sự có thể giúp đưa những tù binh này trở lại. Tuy nhiên chuyện vẫn đang được xem xét" - cô nói.

CIA, thực tế, chưa hề tiết lộ bất kỳ thông tin gì về hoạt động của họ tại Benghazi, cụ thể là đơn vị của CIA nằm trong tòa lãnh sự kể trên. CIA cũng không cho biết đại sứ Chris Stevens đã biết gì về chiến dịch của họ và mức độ nguy hiểm ông phải đối mặt.

Đầu tháng 11 này, giới chức Chính phủ Mỹ đã nỗ lực bác bỏ các cáo buộc rằng họ đã không phản ứng tốt với vụ tấn công tòa lãnh sự, bằng việc tiết lộ chiến dịch giải cứu của CIA. Các quan chức tình báo cao cấp nói rằng một số sĩ quan an ninh CIA đã tới trợ giúp các nhân viên Bộ Ngoại giao chỉ 25 phút sau khi họ nhận được cú điện thoại cầu cứu từ tòa lãnh sự. CIA cũng bác bỏ thông tin của Paula, nói rằng họ không giam tù nhân tại trung tâm CIA nằm ở Benghazi.

Hiện chưa rõ Paula đã cung cấp thông tin sai, hay cô đã chỉ thông báo lại các tin an ninh quốc gia tối mật lấy từ các nguồn tin cấp cao, gồm cả tướng Petraeus.

Tờ New York Times nói rằng trong quá trình điều tra các bức thư điện tử, FBI đã tìm thấy nhiều tài liệu mật nằm trong máy tính của Paula. Theo phóng viên John Miller của CBS News, FBI có vẻ hài lòng khi thấy Petraeus không phải người cấp các tin mật kể trên. Tuy nhiên sự việc cũng đã phát đi tín hiệu báo động cho thấy rõ ràng Paula đã được tiếp cận với các nguồn tin an ninh tối mật, vốn chỉ dành cho những quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ.


Liên tiếp các quan chức quân sự từ chức

Được biết Petraeus không phải là quan chức cao cấp duy nhất phải từ chức kể từ sau vụ tấn công Benghazi. Tướng Carter Ham cũng đang tiến hành thủ tục từ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Phi (AFRICOM). Ông là người phụ trách các hoạt động quân sự Mỹ ở Libya và khu vực phụ cận trong đêm xảy ra biến cố ở tòa lãnh sự. Ngoài ra, tướng Joseph Dunford cũng đang chuẩn bị từ chức Tư lệnh Sư đoàn Lính thủy đánh bộ số 2. Hải quân đã thay thế Charles Gaouette, Phó đô đốc chỉ huy đội tàu sân bay chiến đấu USS Stennis, vốn hoạt động tại Trung Đông, do một số cáo buộc nói rằng ông “có năng lực lãnh đạo không phù hợp”.

Tường Linh (Theo CBS News)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm