Kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên: Ông Trump kích động, bà Clinton điềm tĩnh

27/09/2016 17:16 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 90 phút tranh luận vào tối 26/9 giờ Mỹ (tức sáng ngày 27/9 theo giờ Việt Nam) tại hội trường Đại học Hofstra ở Hempstead, thành phố New York, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên.

Nhìn chung, các nhà phân tích đánh giá, bà Hillary đã có một buổi tối gây ấn tượng mạnh hơn đối thủ Donald Trump trong lần tranh luận đầu tiên này.

Gay cấn từ ngay phút đầu

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ gồm 3 chủ đề: Hướng đi tương lai của nước Mỹ, Làm thế nào đạt thịnh vượng và Đảm bảo An ninh cho đất nước. Đây là những vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay.


Bà Hilary Clinton và ông Donald Trump bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp

Ngay sau cái bắt tay trước khi bắt đầu vào cuộc tranh luận, hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã ngay lập tức có những màn tranh luận nảy lửa.

Mở đầu, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã công kích các quan điểm chính sách kinh tế của tỷ phú Trump. Bà đặt câu hỏi liệu ông Trump sẽ đưa nền kinh tế Mỹ đi về đâu khi mà các công ty thuộc quyền sở hữu của ứng cử viên này đã 4 lần tuyên bố phá sản và bản thân ứng cử viên Cộng hòa này không nộp thuế liên bang trong nhiều năm, đồng thời bà cũng thách thức đối thủ công khai hồ sơ thuế.

Đáp lại, ứng cử viên Donald Trump bày tỏ hoài nghi đối với những cam kết của bà Hillary và yêu cầu cựu Ngoại trưởng Mỹ công khai hơn 33.000 lá thư điện tử cá nhân. Ứng viên này cho rằng người lao động Mỹ đang bị cướp việc làm, giảm thu nhập bởi những thỏa thuận thương mại yếu kém, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và nền kinh tế Mỹ thì đang nợ 20.000 tỷ USD.

Liên quan tới tương lai của nước Mỹ, bà Hillary tuyên bố nước Mỹ phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và bất bình đẳng đối với các sắc tộc thiểu số khi mà số công dân da màu bị các nhân viên thực thi pháp luật bắt giữ hoặc bắn chết cao hơn hẳn so với công dân da trắng; tình trạng quản lý súng đạn thiếu chặt chẽ khiến số vụ xả súng ngày càng tăng.

Đáp lại quan điểm trên, ông Trump cho rằng nước Mỹ cần phải khôi phục trật tự xã hội và luật pháp. Theo ứng cử viên Cộng hòa, vấn đề người nhập cư trái phép là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.

Có thể thấy rõ, cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh tại nước Mỹ trong thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố cũng như các vụ bạo lực nhuốm màu phân biệt chủng tộc đã khiến an ninh trở thành vấn đề “nóng” hàng đầu. Do đó, đây là chủ đề được các ứng cử viên dành đến 1/3 thời lượng để tranh luận trực tiếp về chủ đề này.

Về vấn đề an ninh mạng, bà Hillary đánh giá an ninh mạng là một trong những thách thức lớn nhất của Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Trong khi đó, tỷ phú Trump cáo buộc trong 8 năm Tổng thống Barack Obama cầm quyền, nước Mỹ đã đánh mất khả năng kiểm soát đối với Internet và khiến lĩnh vực an ninh mạng trở nên dễ bị tổn thương.

Đối với cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, ứng cử viên Hillary tuyên bố nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng, bà sẽ tăng cường chiến dịch không kích, ngăn chặn mọi nguồn cung cấp tài chính và chiến binh nước ngoài của IS.

Còn ứng cử viên Trump thì cho rằng chính quyền Obama đang thực thi một chính sách yếu đuối trong cuộc chiến này và ông Obama cùng bà Hillary phải chịu trách nhiệm về sự hình thành của IS.

Về chính sách đối ngoại, ứng cử viên Hillary cũng cam kết sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác an ninh chủ chốt, trong khi ông Trump nhắc lại quan điểm rằng Mỹ không thể bảo vệ tất cả các nước và đồng minh của Mỹ sẽ phải gánh vác những trách nhiệm lớn hơn.

Cuộc đua quyết liệt

Cuộc tranh luận giữa bà Hilary Clinton và ông Donald Trump trong ngày 27/9 này là một trong những sự kiện quan trọng trong tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ và là tâm điểm của đời sống chính trị nước này trong năm bầu cử 2016.


Cuộc tranh luận diễn ra khá kịch tính

Theo giới truyền thông Mỹ, cuộc tranh luận ngày 27/9 đã thu hút một lượng khán giả kỷ lục - hơn 100 triệu người theo dõi và có ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn của các cử tri.

Trước đó, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận uy tín tại Mỹ trong thời gian qua cũng thể hiện tương quan khá cân bằng giữa hai ứng cử viên. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc, theo kết quả thăm dò nhanh trên Internet được trang mạng fortute.com thực hiện cho thấy, bà Hillary được đánh giá có màn trình diễn ấn tượng hơn với 54% số phiếu bầu, trong khi ông Trump nhận được 45% số phiếu.

Các cuộc thăm dò khác của hãng Reuters hay Ipsos cũng cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump 4% sau cuộc tranh luận lần đầu tiên này.

Trong khi đó, theo CNN đánh giá, cả hai ứng cử viên đã thể hiện hết con người thật của mình trong cuộc tranh luận.

Ông Donald Trump tỏ ra kích động, giận dữ và có lúc liên tục đưa ra những lời công kích khó hiểu. Ông vẫn mắc kẹt với các chính sách cốt lõi của mình nhưng không phạm phải lỗi quá lớn nào.

Còn bà Hilary Clinton đã thể hiện được hình ảnh của một người điềm tĩnh và nhẹ nhàng. Bà chọn cách nở nụ cười trước một số lời công kích mạnh bạo từ ông Trump. Tuy nhiên, CNN cũng đánh giá bà Clinton đã lúng túng trong việc giải thích lập trường bất nhất về hiệp định TPP, trong khi ông Trump thì quanh co với những tranh cãi về nơi sinh của tổng thống Obama.

Theo kế hoạch, hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump sẽ tiến hành tổng cộng 3 cuộc tranh luận trực tiếp trước ngày bầu cử 8/11/2016. Cuộc tranh luận thứ hai dự kiến diễn ra ngày 9/10 tại trường Đại học Washington ở thành phố St. Louis (bang Missouri) và cuộc tranh luận thứ ba sẽ được tổ chức ngày 19/10 tại trường Đại học Las Vegas ở thành phố Las Vegas (bang Nevada).

Ngoài ra, hai ứng cử viên liên danh Phó Tổng thống cũng sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp tại Đại học Longwood ở bang Virginia.

Các nhà phân tích đánh giá, cho dù đây mới chỉ là màn đầu tiên trong ba cuộc tranh luận trực tiếp giữa ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa, nhưng những gì mà hai ứng cử viên thể hiện trong những cuộc tranh luận trực tiếp sẽ tác động mạnh đến lá phiếu của các cử tri còn đang lưỡng lự.

Và các khán giả không chỉ quan tâm đến những nội dung được đề cập đến trong cuộc tranh luận, mà còn ở cách phát ngôn những nội dung đó và phản ứng của ứng cử viên này với ứng cử viên kia thế nào.

Cuộc đua vào Nhà Trắng đang thực sự bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn 6 tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu 8/11/2016.

TTXVN/Trọng Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm