Động đất ở Nepal: Nhiều người chết oan vì chất lượng xây dựng?

27/04/2015 10:40 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận động đất làm ít nhất 2.200 nạn nhân thiệt mạng ở Nepal trong ngày 25/4, có một câu hỏi lớn đã đọng lại trong đầu nhiều người: vì đâu thảm họa này lại gây thiệt hại lớn tới vậy?

Câu trả lời dĩ nhiên là do trận động đất có cường độ quá lớn, lên tới 7,8 độ Richter. Nhưng đó chỉ là lý do khách quan. Một trong những nguyên nhân chủ quan lớn nhất là quy định xây dựng của Nepal quá lỏng lẻo.

Đã có rất nhiều lời cảnh báo

Tình trạng đô thị hóa diễn ra quá nhanh tại thủ đô Kathmandu đã dẫn tới việc nhà cửa được xây lên với tốc độ nhanh và hầu như không đáp ứng tiêu chuẩn  an toàn. Thực tế này, cộng với việc Thung lũng Kathmandu của Nepal thường có nhiều hoạt động địa chất, đã khiến các chuyên gia cảnh báo nơi đây giống như một “quả bom nổ chậm”, chỉ chờ để gây họa.

Trong ngày 25/4, cơn ác mộng đã thành sự thực. Vô số ngôi nhà ở Kathmandu đã bị san phẳng và con số người chết được dự báo có thể tăng tới 10.000 người.


Thảm họa động đất mới đây ở Nepal đã khiến nhiều công trình biến thành gạch vụn

Brian Tucker, Chủ tịch GeoHazards International, một công ty phi lợi nhuận ở California chuyên làm việc cùng nhiều cộng đồng dễ bị thiên tai đe dọa, đã sống ở Nepal trong những năm 1990. Ông từng thử đánh giá xem điều gì sẽ xảy ra nếu một trận động đất mạnh như hồi năm 1934 tái xuất hiện ở Thung lũng Kathmandu.

Năm đó, một trận động đất mạnh 8,2 độ Richter đã làm tổng cộng hơn 10.000 người thiệt mạng. Nghiên cứu của Tucker cho rằng con số người chết sẽ tăng lên 40.000, nếu thảm họa tái diễn trong thời hiện đại. Những người khác từng nghiên cứu về rủi ro động đất ở Thung lũng Kathmandu cũng dự báo số người chết dao động từ 100.000 người, thậm chí cao hơn.

Trong nhóm này có Roger Bilham, một giáo sư địa chất tại Đại học Colorado, Mỹ. Ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu hoạt động địa chất ở dãy Himalaya. Chỉ trước thảm họa mấy ngày, ông đã nói trước các nhà địa chất tại một sự kiện tổ chức ở Pasadena, Texas, về những rủi ro nếu động đất lớn xảy ra ở dãy Himalaya.

Bilham còn cảnh báo rằng khu vực nằm ở phía Tây Kathmandu đã đi quá chu kỳ xảy ra một trận động đất mạnh khoảng 8 độ Richter. “Thật không may là chuyện đã xảy ra và đó là thảm kịch vượt ngoài sức tưởng tượng” - ông nói về trận động đất.

Tăng thiệt hại vì nguyên nhân do con người

Theo Ole Kaven, một nhà địa chất của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, Thung lũng Kathmandu là nơi thường xảy ra các rung chấn, dù mức độ lớn như trận động đất mới đây là rất hiếm. Ông đánh giá các trận động đất mạnh 8 độ Richter thường chỉ xảy ra sau khoảng 80 năm.

Không giống động đất ở những nơi khác, động đất tại Nepal hình thành do hai mảng lục địa đụng vào nhau, tạo ra các đường đứt gãy nghịch. Rung chấn hình thành từ hoạt động ở đường đứt gãy nghịch thường nông, nằm gần bề mặt thay vì sâu xuống dưới lòng đất.

Chuyên gia động đất Lucy Jones nói rằng các đường đứt gãy như thế này thường nằm dưới biển và khi động đất xảy ra, nó sẽ tạo sóng thần với sức tàn phá khủng khiếp. Nhưng khu vực Himalaya lại có chút khác biệt. "Đây là nơi có rất nhiều người đang sống trên một đường đứt gãy khổng lồ” - bà nói.

Theo Jones, tác động từ trận động đất hình thành hôm 25/4 đã được nhân lên gấp bội do các rung chấn, với tâm chấn chỉ cách Kathmandu có 60km, chạy về phía thành phố.

Turner thì cho rằng vị trí của Kathmandu nằm ở một lòng hồ cũ cũng khiến nó trở nên dễ tổn thương. Do đất ở đây không rắn chắn nên sự rung lắc sẽ trở nên mạnh hơn khi động đất xảy ra.

Các yếu tố nhân tạo cũng làm rủi ro tăng lên. Trong nhiều năm qua, người dân đã thi nhau đổ tới thủ đô Nepal, khiến Thung lũng Kathmandu trở thành một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Nam Á.

Lực lượng cứu hộ Nepal đã phải dùng tay đào bới để cứu người bị kẹt trong các đống đổ nát

Tucker cho biết nhiều tòa nhà đã mọc lên như nấm, nhưng ít tòa được gia cố chịu lực. Các tòa nhà này cũng có chiều cao được nâng vô tội vạ, từ 2 - 3 tầng nâng thành 6,7 hoặc thậm chí là 8 tầng.

"Khi động đất xảy ra, tầng 1 thường sụp ngay và khiến cả tòa nhà bị sập” - Tucker đánh giá - “Những công trình được xây dựng tồi đầy rẫy ở Thung lũng Kathmandu và nguyên nhân cũng chỉ vì có quá nhiều người di cư tới thủ đô Nepal”.

L. Thomas Tobin, cựu Chủ tịch Viện nghiên cứu kỹ thuật động đất, nói rằng cái nghèo và bất ổn chính trị, gồm cuộc nội chiến kéo dài một thập kỷ ở Nepal, đã khiến đất nước này kiểm soát yếu tiêu chuẩn xây dựng công trình.

"Kathmandu thực tế rất dễ tổn thương trên nhiều khía cạnh, từ kinh tế, chính trị lẫn cả công trình xây dựng” - ông nói.

Tobin cho biết nỗ lực tăng cường tiêu chuẩn xây dựng trong mấy năm gần đây đã cải thiện tình hình. Tuy nhiên việc sửa sang, nâng cấp nhà cửa lại gây tốn rất nhiều tiền, tới mức người ta không muốn làm những việc này. "Tôi nghĩ chiến lược chung của nhiều nước đang phát triển là (rút kinh nghiệm để) xây công trình sau tốt hơn trước” - ông nói.

Được biết các tổ chức phi chính phủ đã nỗ lực vận động để nâng tiêu chuẩn xây dựng ở Nepal. Nhưng hoạt động này hiện đã ngừng lại, không đạt được thêm tiến triển gì.

Tường Linh (Theo L.A Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm